23/05/2016 13:02 GMT+7

Thay đổi “thực đơn” hè cho học sinh

MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)
MỸ DUNG ([email protected])

TTO - Không còn chăm chăm dạy văn hóa, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM đã có bước “đột phá” khi đưa ra kế hoạch dạy linh hoạt chủ yếu tập trung tăng cường kỹ năng sống và ngoại ngữ cho học sinh trong mùa hè năm học 2015-2016.

Giờ học nấu ăn của học sinh lớp 3/7 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) - Ảnh: P.N.
Giờ học nấu ăn của học sinh lớp 3/7 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) - Ảnh: P.N.

Sau một thời gian dài cho học sinh “xả hơi” trong các mùa hè, Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) mới đây đã có kế hoạch dạy hè lại cho học sinh theo hướng tăng cường thể dục thể thao, vui chơi, trang bị kỹ năng sống và bồi dưỡng khả năng giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh.

Dạy theo nhu cầu người học

Trường tiểu học Võ Trường Toản đã thông báo đăng ký học hè đến phụ huynh học sinh được hơn hai tuần nay. Kế hoạch dạy hè của trường sẽ gồm các môn: tiếng Anh giao tiếp bản ngữ, thể dục thể thao (bóng bàn, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, bóng đá...), năng khiếu, kỹ năng sống như ca múa, khéo tay...

Cũng theo kế hoạch này, khi học hè, mỗi ngày học sinh chỉ học 2 tiết tiếng Anh rồi tham gia các hoạt động thể dục thể thao theo nhu cầu, nhà trường không tổ chức bán trú tại trường, không tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Học sinh sẽ đăng ký theo trình độ ngoại ngữ và môn thể thao yêu thích, sau đó nhà trường sẽ tổng hợp lại rồi chia nhóm, chia lớp để học. Trường không tổ chức dạy văn, toán, tiếng Việt, chỉ tập trung dạy tiếng Anh và những môn năng khiếu mà học sinh có nhu cầu.

Nói về việc tổ chức dạy hè cho học sinh theo hướng khác hẳn với rất nhiều trường hiện đang thực hiện, thầy Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Bảy, tám năm nay trường không tổ chức cho học sinh học hè. Năm nay vì thấy nhiều phụ huynh than không có chỗ gửi con, lại thấy trường có đủ cơ sở vật chất, có đội ngũ, có sân chơi nên có kế hoạch dạy hè cho học sinh với tiêu chí “vừa học vừa chơi”, dạy cái mà phụ huynh cần, học sinh đang thiếu”.

Tuy nhiên, thầy Dũng cũng cho biết để tổ chức dạy hè chất lượng, dạy tiếng Anh theo đúng yêu cầu mà nhà trường đưa ra, trường sẽ mời đội ngũ thầy cô bản ngữ đã dạy chương trình tích hợp cho trường trong năm qua để dạy học sinh trong hè và mời những giáo viên thể thao uy tín, vì thế trường chỉ có thể tổ chức dạy hè được cho học sinh nếu số lượng đăng ký khoảng 1/5 tổng số học sinh toàn trường (trường hiện có 970 học sinh).

Không chỉ tổ chức dạy hè cho học sinh trong trường, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) còn nhận học sinh bên ngoài. “Thực đơn” hè năm nay của nhà trường có đến 16 câu lạc bộ.

Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường tổ chức các câu lạc bộ hè với ba mục đích: ôn tập kiến thức, bồi dưỡng năng khiếu và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Vì thế, trường có đến 16 loại hình câu lạc bộ, gồm: làn điệu quê hương, em yêu tiếng Việt, câu lạc bộ vui học toán, tin học, kỹ năng sống, em yêu trường em, khám phá năng lực bản thân...

Trường “cực” nhưng học sinh vui hơn

Dạy hè theo câu lạc bộ, không theo các môn văn hóa sẽ khiến các trường “cực” hơn vì không có giáo viên chủ nhiệm, không phải học sinh nào cũng “cùng lớp” như trong năm học.

Đã làm quen với việc dạy hè theo các câu lạc bộ, nhóm kỹ năng sống hai năm nay, Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) có kinh nghiệm trong quản lý học sinh trong hè. Trường phân công cô giáo, thầy giáo nào phụ trách câu lạc bộ thì coi như là... chủ nhiệm luôn, sẽ phổ biến số điện thoại đến phụ huynh để họ trao đổi, liên lạc, thuận tiện trong đưa đón con.

Một số câu lạc bộ như: toán học, rèn chữ do giáo viên trong trường đảm nhiệm, các câu lạc bộ như mỹ thuật, Robotic, cờ vua, cờ tướng, bơi, chống béo phì... cũng có đội ngũ giáo viên đã làm việc quen với trường suốt năm học nên phần lớn học sinh quen với phương thức hoạt động của các câu lạc bộ.

Còn tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, do trường không tổ chức các câu lạc bộ văn hóa (ngoại trừ tiếng Anh) nên lực lượng chủ yếu là giáo viên ở ngoài, nhưng theo kế hoạch, trường sẽ yêu cầu các giáo viên dạy kỹ năng sống, dạy tiếng Anh có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý học sinh như trong năm học.

Ngoài công tác quản lý học sinh, trường còn phải cân nhắc trong việc bố trí lịch trực đối với ban giám hiệu, hỏi nhu cầu làm việc trong hè của giáo viên (nếu có) và cân đối học phí sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của học sinh và người tham gia dạy trong hè.

Nhiều phụ huynh tỏ ra hứng thú với việc các trường dạy hè chú trọng kỹ năng sống, thể dục thể thao theo hướng rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí cho học sinh.

Chị Trần Thị Hiền, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh, nói với Tuổi Trẻ: “Mùa hè này tôi muốn cho con đi học bơi, tham gia một số khóa học vẽ. Nếu trường có những câu lạc bộ đó thì may quá, gửi ở trường sẽ khiến phụ huynh chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”.

Vẫn còn nhiều phụ huynh thích “nhồi” con trong hè

Ông Trần Trọng Khiêm, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết tại quận hiện nay có ba trường tiểu học có kế hoạch dạy hè theo câu lạc bộ nhưng không phải trường nào cũng đông học sinh tham gia. Trong khi đó, nếu trường chỉ tổ chức dạy văn hóa thì tỉ lệ học sinh đăng ký học hè nhiều hơn.

Nhiều phụ huynh muốn con cái được vui chơi, học theo kiểu tăng kỹ năng và giải trí trong hè, nhưng cũng không ít phụ huynh vẫn thích cho con học kiến thức văn hóa vì “sợ hè con quên”. Tỉ lệ học sinh tiểu học học hè ở quận khoảng 20%.

MỸ DUNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp