14/03/2018 14:14 GMT+7

Thay đổi lối sống để điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội

Suy giãn tĩnh mạch không gây chết người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan người bệnh và cản trở sinh hoạt.

Thay đổi lối sống để điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch - Ảnh 1.

Các tĩnh mạch giãn, nổi ngoằn nghoèo. Ảnh: whatclinic.co.uk

Theo số liệu thống kê của Hội Tĩnh mạch học TP Hồ Chí Minh, hiện nay số người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch ngày càng tăng với khoảng 25%-35% dân số mắc bệnh ở nhiều mức độ. Trong số đó, số người trưởng thành mắc bệnh chiếm 35%, số người đã nghỉ hưu chiếm 50%.

Những triệu chứng ban đầu rất đặc trưng của bệnh suy giãn tĩnh mạch như: Đau, ngứa thậm chí là nóng tới mức bỏng rát ở chỗ tĩnh mạch. Ban đầu, người bệnh có thể bị phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm (thường bị nhầm lẫn là thiếu canxi), triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ. Sau đó các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, da thay đổi màu sắc, loạn dưỡng và chàm hóa da. Đôi khi còn xuất hiện hội chứng chân không nghỉ, phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu. 

Nguy hiểm hơn, bệnh còn có thể gây nên những cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và theo dòng máu di chuyển về tim phải, những cục máu này có thể được bơm lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không được điều trị đúng cách, là huyết khối (máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch do nhiều nguyên nhân gây nên, các nguyên nhân chủ yếu là do: Yếu tố gia đình (khi trong gia đình có bố hoặc mẹ bị giãn tĩnh mạch, khả năng con cũng bị rất cao), do tính chất công việc (đứng nhiều, ngồi lâu ở một tư thế, công việc nặng nhọc…), do chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, vitamin C, E…, do quá trình lão hóa do tuổi tác làm giảm chức năng của các tĩnh mạch chân. 

Các nguyên nhân khác như béo phì, chế độ ăn ít chất xơ cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính phải kể đến là do các van bên trong thành tĩnh mạch bị yếu, làm giảm hoặc mất chức năng đưa máu đi theo một chiều để về tim, từ đó máu sẽ bị chảy ngược dòng xuống chân, như vậy tĩnh mạch phải chịu áp lực của một lượng máu lớn, dần dần sẽ phình ra (giãn nở). 

Đặc biệt chị em phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch do khi mang thai, nội tiết tố tiết ra trong lúc mang thai sẽ làm mềm và giãn nở tất cả các cơ quan trong đó có tĩnh mạch chân. Cùng với việc phôi thai lớn lên chiếm phần lớn khoang bụng, đè nén trực tiếp vào các tĩnh mạch ở vùng bụng, do đó làm cản sự lưu thông máu của các tĩnh mạch ở chân và tăng sức ép lên thành mạch chân, khi thành mạch không thắng được áp lực sẽ dễ bị giãn nở ra và gây phù do dịch thẩm thấu từ lòng mạch ra các mô xung quanh.

Suy giãn tĩnh mạch không gây chết người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan người bệnh và cản trở sinh hoạt. Nếu không kịp thời chữa trị, bệnh có thể dẫn tới biến chứng tắc mạch máu có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch thực sự nguy hiểm khi đa phần người mắc bệnh đều không có hoặc chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh tình. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường.

Để điều trị suy giãn tĩnh mạch, nhất là suy giãn tĩnh mạch chân, thường dùng 1 hay kết hợp 3 phương pháp. Phổ biến nhất là dùng băng ép (gọi là vớ ép y khoa mang vào chân) nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa 2 hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Thứ hai là dùng thuốc làm bền chắc thành tĩnh mạch (chủ yếu chứa rutin hay các chất trích từ dược thảo gọi tên chung là flavonoid) hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Thứ ba là phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. Các phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa hiện đang sử dụng: Phẫu thuật kinh điển, đốt sóng cao tần (RFA) hoặc laser nội tĩnh mạch. Hiện nay, có thêm phương pháp điều trị mới cho bệnh này là ứng dụng keo sinh học.

Suy tĩnh mạch chi dưới rất thường gặp. Đây là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Để điều trị hiệu quả cần phối hợp nhiều biện pháp, trong đó việc thay đổi lối sống đóng vai trò nền tảng. Ngoài việc hạn chế đứng, ngồi một chỗ lâu, nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Đặc biệt, đi bộ 15 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch.

Khi đi bộ, thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi. Ở tư thế đứng yên, bàn chân tiếp xúc với mặt đất sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch. Khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân (đám rối Bejar) sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Sau đó, động tác co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi. Cứ như thế, dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn, rồi về tim.

Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả. Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu đo được khi đang vận động tích cực cao hơn rất nhiều so với lúc đứng yên. Từ đó giúp máu được đẩy mạnh về tim, làm giảm tình trạng ứ đọng cũng như áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.Như vậy việc đi bộ giúp đẩy máu từ hệ tĩnh mạch sâu về tim tốt hơn, làm giảm áp lực của hệ tĩnh mạch nông. Nhờ đó giảm các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng của bệnh suy tĩnh mạch.

Nếu người bệnh chưa có thói quen đi bộ nên bắt đầu từ từ, sau đó tăng dần thời lượng và quãng đường. Giai đoạn đầu, có thể sẽ thấy khó chịu hoặc đau chân, nhưng về sau sẽ cải thiện dần. Đi bộ cần sự di chuyển linh hoạt của cổ chân mới mang lại hiệu quả cao. Những người bị loét chân do suy tĩnh mạch vận động cổ chân sẽ bị hạn chế nên cần được vật lý trị liệu cổ chân và liệu pháp giảm đau trước khi đi bộ.

Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều thống kê đầy đủ về loại bệnh này và theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống.Việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân cần phải được duy trì lâu dài, kết hợp việc thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng để điều trị, để ngăn ngừa bệnh không tiến triển đến giai đoạn nặng hơn. 

Hãy biết bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đôi chân thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày để loại bỏ nguy cơ bị suy tĩnh mạch. Việc tầm soát sớm bệnh suy tĩnh mạch giúp điều trị kịp thời và hiệu quả.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp