Không gian dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt án tượng với kiến trúc cổ lâu đời và khu rừng nhiều cây cổ thụ - Ảnh: M.VINH
Nhóm gồm 7 kiến trúc sư đang làm việc tại Đà Lạt đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đưa ra bằng chứng thể hiện rõ dinh Tỉnh trưởng có diện tích xây dựng hơn 1.200m2 nằm trong khuôn viên hơn 2ha là "biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu".
Bằng chứng được nhóm kiến trúc sư đưa ra là Quyết định số 47/2017 do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành tháng 12-2017, căn cứ theo Luật nhà ở (năm 2014) và Nghị định về quản lý không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị (2010).
Theo quyết định này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt. Trong đó, công trình số 1 Lý Tự Trọng (dinh Tỉnh trưởng) được xếp vào danh sách biệt thự thuộc sở hữu nhà nước thuộc nhóm 1 và được cấp giấy chứng nhận "Biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu".
Theo các nội dung trong quyết định, dinh Tỉnh trưởng phải được bảo tồn "không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự". Quyết định trên cũng nêu rõ nếu công trình hư hỏng nghiêm trọng thì phải tôn tạo, nếu có khả năng ngã đổ thì được xây dựng mới dựa trên kiến trúc cũ nhưng phải được đánh giá hiện trạng bởi cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành.
Như vậy, nếu tác động làm hư hại, thay đổi không gian khu dinh Tỉnh trưởng là làm sai quy định do chính UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành.
Những nội dung liên quan đến dinh Tỉnh trưởng được nhắc đến trong Quyết định 47/2017 cũng không phải mới mà từng được đề cập đến trong quyết định 49/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, những nội dung này đã không được nhắc đến trong đề án Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình (tỉ lệ 1/500, công bố tháng 3-2019) cũng như các phương án quy hoạch không gian Đồi Dinh đang được trưng bày tại phòng trưng bày rạp hát Hòa Bình (từ ngày 14-8 đến ngày 14-9).
Quyết định được nhóm kiến trúc sư dẫn và gửi ngược lại đến nơi phát hành là UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chứng minh thêm một nội dung: UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây (năm 2017) trong quyết định của mình đã công nhận: "Dinh Tỉnh trưởng là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu; và toàn bộ khu vực Đồi Dinh, bao gồm công trình dinh Tỉnh trưởng, các khối nhà phụ trợ, cây xanh, cổng, hàng rào... đều phải được bảo tồn".
Dựa theo các nội dung đã nêu tại Quyết định số 47/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng, các kiến trúc sư đề nghị: "UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét công nhận dinh Tỉnh trưởng là di tích kiến trúc, lịch sử cấp tỉnh để thuận tiện cho việc bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, và hơn hết là để giữ gìn di sản cho thế hệ mai sau".
Dinh Tỉnh trưởng hiện thuộc quản lý của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.VINH
Như báo Tuổi Trẻ đã thông tin, đề án quy hoạch cũng như các phương án quy hoạch không gian khu vực trung tâm Đà Lạt mà UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến triển khai đã vướng phải sự phản ứng mạnh của cộng đồng bởi tạo ra sự xáo trộn kiến trúc, xâm hại di sản và xuất hiện các công trình thương mại khối tích lớn có công năng không phù hợp với quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Cụ thể là những khối cao ốc thương mại, khách sạn có chiều cao 7-10 tầng.
Trước đó nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam gồm các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, di sản cũng đã có văn bản gửi đến Quốc hội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Quốc hội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có hội thảo khoa học đánh giá lại Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, tỉ lệ 1/500.
Một trong các phương án Quy hoạch Đồi dinh Đà Lạt gây phản ứng trong dư luận vì vi phạm các nguyên tắc bảo tồn - Video: BTC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận