05/08/2016 12:41 GMT+7

​Thay đổi khẩu phần ăn để giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Mặc dù tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng đã giảm, nhưng hiện nay vẫn còn gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

1/4 số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi

Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) vừa công bố số liệu về tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc năm 2015. 

Theo đó, tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,4% (từ 14,5% năm 2014 xuống 14,1% năm 2015), suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,3% (từ 24,9% năm 2014 xuống 24,6% năm 2015).

Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, các vùng miền. Trong đó, cao nhất là khu vực Tây Nguyên (tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân là 21,6%, suy dinh dưỡng thấp còi là 34,2%); tiếp đến là trung du và miền núi phía Bắc (tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân là 19,5%, suy dinh dưỡng thấp còi là 30,3%)…

Hàng năm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo các chỉ số: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (tính theo cân nặng/tuổi), suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) và suy dinh dưỡng thể gầy còm (cân nặng/chiều cao). Đây là con số quan trọng phản ánh sự quan tâm đầu tư của gia đình và xã hội về chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.

Số liệu về tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách về phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương đề ra các giải pháp can thiệp kịp thời để góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng và bền vững là cần đầu tư thường xuyên, hiệu quả và đúng hướng vào việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông về dinh dưỡng nhằm mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết để từng bước thay đổi thái độ, hành vi có lợi cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Dự án bữa ăn học đường cho học sinh tiểu học tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng

Tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi còn phổ biến ở khu vực nông thôn, trẻ em thành phố thừa cân béo phì ngày càng gia tăng, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn phổ biến ở cả trẻ em nông thôn và thành phố... đều có chung nguyên nhân là khẩu phần ăn của trẻ em lứa tuổi tiểu học chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, qua điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh, thành phố năm 2011 cho thấy, khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị; khẩu phần canxi rất thấp: ở nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt 59%, ở nhóm tuổi 9-11 tuổi chỉ đạt 45% nhu cầu khuyến nghị.

Khẩu phần sắt của nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt khoảng 68% và nhóm tuổi 9-11 tuổi đạt 54% nhu cầu khuyến nghị; khẩu phần vitamin A của nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt khoảng 54% và nhóm tuổi 9-11 tuổi đạt 43% nhu cầu khuyến nghị…

Theo TS. Nhung, kinh nghiệm ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật cho thấy, chương trình bữa ăn học đường đã góp phần cải thiện thể lực và trí lực của học sinh. Các nước này đều có những quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp cho trẻ phát triển tối đa cả về thể chất và tinh thần.

Ở Việt Nam, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Vì vậy, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã phối hợp với Sở GD&ĐT của các thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng triển khai dự án bữa ăn học đường.

Mục tiêu của dự án này xây dựng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học bao gồm 40 thực đơn chuẩn cho bữa ăn chính và bữa ăn phụ đã được hoàn thiện với các tiêu chí: cân đối về dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng dựa trên những khuyến nghị về dinh dưỡng cho học sinh tiểu học.

Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương để chế biến món ăn phong phú với giá thành hợp lý; hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đường và muối; dễ chế biến, đẹp mắt, ngon miệng và phù hợp với khẩu vị của học sinh.

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ công cụ cho các trường giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học thông qua tài liệu truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho học sinh “Ba phút thay đổi nhận thức”.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp