Từ câu chuyện này có thể đặt lại vấn đề: thầy cô có nên phạt học sinh quỳ gối hay không (nói riêng) và thầy cô nên phạt học sinh như thế nào (nói chung). Nhân đây, tôi có vài ý kiến chia sẻ cùng đồng nghiệp.
Đừng phạt học sinh cho "bõ tức"
Giận quá sẽ mất khôn, vì thế lúc rơi vào điểm hung, thầy cô khoan hãy đưa ra quyết định phạt học sinh. Mục đích phạt là để giáo dục cho nên việc này đòi hỏi khoa học, chính xác và cả nghệ thuật.
Vội buộc học sinh phải làm thế này, phải làm thế kia trong tâm trạng đang giận các em, trong nhiều trường hợp sẽ không thuyết phục. Học sinh cảm nhận được hết dù là mầm non hay tiểu học.
Sẽ là phi sư phạm nếu thầy cô phạt để thắng các em, phạt học sinh cho "bõ tức".
Muốn phạt, hãy hiểu các em
Mỗi học sinh có một hoàn cảnh, giáo dục gia đình, điều kiện sinh hoạt, công việc của phụ huynh... khác biệt, ảnh hưởng đến hành vi của các em ở trường. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội lúc nhận nhiệm vụ phải tìm hiểu kỹ từng học sinh để có biện pháp giáo dục thích hợp.
Thầy cô chưa hiểu rõ hoàn cảnh dẫn đến sai phạm của học sinh mà quyết định xử phạt thì khó bảo đảm tính sư phạm.
Phạt nhưng cần tôn trọng các em
Thầy cô mình có lúc sai phạm trong công tác, hiệu trưởng nhà trường buộc phải nhắc nhở, có thể kỷ luật theo quy định. Các em cũng thế, ngỗ nghịch là nhất thời, sau đó học sinh nhận biết hành vi của mình đúng hay sai, có em biết xin lỗi thầy cô, nhưng cũng có em chọn cách im lặng, thầy cô chớ vội quở trách những em này.
Lứa tuổi học sinh đầy sức phản kháng, giáo viên cần thận trọng. Ánh mắt, lời nói, thái độ của thầy cô trước lớp, lúc đưa ra hình thức xử phạt một học sinh nào đó quan trọng lắm. Có câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" là vì thế.
Giáo viên phải chuẩn mực
Từ phẩm chất đạo đức, phong cách đến năng lực nghề nghiệp, làm thầy cô cần chỉn chu mọi việc. Lấy nhân cách để giáo dục nhân cách - biện pháp cho hiệu quả cao, đòi hỏi thầy cô luôn tự mình rèn luyện mọi mặt.
Cùng một sai phạm của học sinh, thầy cô dạy giỏi xử phạt, học sinh chấp nhận, nhưng thầy cô không được các em mến mộ mà xử phạt, có khi học sinh phản ứng.
Phạt có chiều đi từ thầy cô đến trò, xin đừng quên chiều ngược lại. Lâu rồi, có bộ phim về nhà trường, trong đó có lời thoại: "Thầy cô thường khuyên học sinh những điều mà trước đây bản thân chưa làm được".
Thống nhất với phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp
Trong cuộc họp toàn thể phụ huynh hay gặp riêng, để an toàn cho mình, thầy cô thống nhất với phụ huynh các biện pháp xử phạt khi học sinh vi phạm nội quy trường, lớp. Không chỉ thông tin, cần để phụ huynh học sinh thảo luận, đồng thuận ký vào biên bản, giáo viên căn cứ vào đó mà thực hiện.
Một nguyên tắc chớ quên: "trong ấm, ngoài êm", các biện pháp xử phạt học sinh có trong quy định của nhà trường, sau khi tập thể giáo viên thống nhất, hiệu trưởng ban hành; càng cụ thể càng tốt, được công bố vào đầu năm học và thường xuyên nhắc nhở để học sinh ghi nhớ.
Trong nội quy nhà trường, nên "mềm hóa" cách xử phạt học sinh, chẳng hạn cho học sinh đọc sách, lao động vệ sinh trường lớp, tham gia công tác thiện nguyện... Thông qua các công việc nhân văn ấy, học sinh nhận thức được và quyết tâm thay đổi.
Sau phạt là quan tâm học sinh
Các em chấp hành hình phạt xong, cần tiếp tục tận tình giúp đỡ các em, nghe các em nói, tìm biện pháp giúp các em tiến bộ. Tuyệt nhiên đừng phạt theo kiểu "cấp số cộng" (nếu sau đó các em lại sai phạm), chỉ làm các em trở nên ù lì, sợ hãi, mặc cảm. Mỗi tiến bộ của các em dù nhỏ, hãy ngợi khen.
Tuổi học trò chóng giận mà cũng mau quên, được thầy cô tha thứ, nhiều học sinh cố gắng, rồi mai này chuyện bị thầy cô xử phạt lúc đi học là kỷ niệm khó quên. Lúc họp lớp, trường của cựu học sinh, trong những chuyện hàn huyên, chắc chắn có chuyện ngày ấy bị... phạt quỳ.
Trao yêu thương
Tùy vùng miền, đặc điểm tình hình nhà trường mà có quy định xử phạt học sinh thích hợp. Phạt quỳ gối không thích hợp ở nơi này nhưng có thể áp dụng được ở nơi khác. Vì thế không so sánh, càng không so sánh với giáo dục của các nước khác.
Tuy nhiên, hội tụ là ở tấm lòng của thầy cô. Thầy cô là tấm gương cho các em, phạt học sinh nhưng làm sao để các em hiểu được những buồn, lo, mong mỏi các em tiến bộ nên mới phạt các em. Sau phạt, mỗi ngày thầy trò đến trường vẫn trao cho nhau yêu thương thật nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận