Em Lê Kim Anh bị bệnh xương thủy tinh, nằm trong diện đặc biệt được giáo viên và nhà trường giúp đỡ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
"Thật sự ngỡ ngàng và không thể ngờ được một trường tiểu học ở ngay giữa trung tâm thành phố lại có nhiều học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn như thế" - cô Ông Thị Thái Hằng, hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã thốt lên khi nhắc lại ấn tượng ngày đầu về nhận công tác tại trường.
Đến từng nhà tìm trò nghèo
"Số học sinh thuộc diện hộ nghèo thì đã đành vì các em còn được nhận nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền và xã hội. Nhưng với những em học sinh nằm trong diện vừa thoát nghèo, hoặc cận nghèo lại là vấn đề khiến chúng tôi suy nghĩ" - cô Hằng trăn trở.
Theo cô Hằng, ranh giới giữa cái nghèo trên danh sách và nghèo nhưng không thuộc danh sách thật sự rất mong manh.
Trường Trần Văn Ơn mỗi năm có gần 10% học sinh nằm trong diện đó. Đa phần học sinh nằm giữa cái ranh giới mong manh mà cô Hằng nói đều là con em tứ xứ theo ba mẹ từ quê lên thành phố làm ăn.
Thường thì các em không được nhận nhiều sự hỗ trợ và hầu hết phải lăn lộn cùng gia đình kiếm sống. Khu vực phường Hải Châu II, quận Hải Châu tập trung nhiều người buôn bán nhỏ từ gánh hàng rong, xe ôm, đến làm thuê, bán dạo…
Ở các khu phố quanh chợ Hàng Heo, dọc Phạm Ngũ Lão, khu Nguyễn Hoàng, chợ Trời… càng tập trung nhiều hộ dân thu nhập thấp với cuộc sống bấp bênh.
Từ nỗi trăn trở đó, ngoài giờ đứng lớp, các cô thầy giáo đã chia nhau về tận gia đình mỗi em để khảo sát tình hình. Không ít lần về tận nơi tìm hiểu, các giáo viên quặn lòng trước hoàn cảnh của các em.
Cô Trần Thị Kiều Trân - GV của trường chia sẻ: "Có tìm hiểu trên lớp qua các em cũng khó lòng hình dung được cuộc sống khắc nghiệt của học sinh mình. Về tận nơi, chúng tôi mới hiểu hết được sự khó khăn, cùng cực của các em".
Cách đây không lâu, trường hợp em N. T. càng khiến các giáo viên ở trường có thêm động lực để tiếp tục tìm kiếm, dìu dắt các trò nghèo. Ban ngày lên lớp T. không bao giờ phát biểu và luôn trong tình trạng ngủ gật, nhưng mỗi lúc cô giáo gọi em đều trả lời rất thông minh và chính xác.
Cô giáo chủ nhiệm của em đã theo về nhà thăm mới hiểu được sự tình. Ba của T. bị tai nạn lao động, ban đêm em phải phụ mẹ nấu chè để bán và chuẩn bị cho gánh hàng sáng hôm sau.
Hỗ trợ từ thiệnnhân đạo của các điểm trường xã Hòa Phú - Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Cô Phạm Thị Hồng Gái bấy giờ là giáo viên chủ nhiệm của T. đã báo lên nhà trường hoàn cảnh của em, ngay lập tức các giáo viên cùng nhau hỗ trợ em cả về việc học hành lẫn kinh tế. Nhờ sự quan tâm của các thầy cô giáo, T đã học tốt và đạt giải cao trong cuộc thi Toán Tuổi thơ cấp quốc gia.
Bà L. mẹ em T. cho biết: "Nay T. đã học lớp 8, nhưng gia đình và cháu vẫn nhớ mãi ngày được các cô giúp. Nhờ các cô giúp đỡ, kèm cặp cháu mới tiến bộ được như bây giờ và tương lai không phải lủi thủi bên gánh chè của mẹ".
Mệnh lệnh từ trái tim
Cô Hằng nói rằng, không phải chỉ đến khi cô làm hiệu trưởng, mà chuyện thầy cô quyên góp giúp trò đến trường mới bắt đầu. Từ 7 năm về trước, khi thầy Đặng Nhứt lúc bấy giờ còn là hiệu trưởng đã khơi và truyền ngọn lửa đó cho mỗi cán bộ nhân viên.
Trung bình mỗi năm nhà trường hỗ trợ cho khoảng 150 học sinh diện đặc biệt. Ngoài khoản học phí không phải đóng, các em hầu hết đều được nhà trường hỗ trợ các khoản thu còn lại.
Mỗi năm các em được phát quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, trao học bổng… có em quá khó khăn, thầy cô còn đóng cả tiền ăn trưa cho trò. Ngoài ra gia đình các em sẽ được tặng các suất quà Tết hằng năm.
Cô Hằng cho biết, số tiền không cố định mỗi năm bao nhiêu, và bao nhiêu em được nhận. Nhưng trung bình nhà trường đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các em học sinh diện đặc biệt mỗi năm. Không ai bảo ai, các giáo viên đều nhiệt tình góp sức.
Có cả những quản sinh lương chưa tới 2 triệu đồng mỗi tháng cũng đều đặn bỏ vào quỹ số tiền chắt chiu dành dụm. Cô Hằng cười hồn hậu: Việc làm này là mệnh lệnh từ trái tim của tất cả chúng tôi".
Từ năm 2007 đến nay, trườngTiểu học Trần Văn Ơn đã vận động, quyên góp hơn 1,2 tỉ đồng giúp đỡ học sinh vàcông tác từ thiện nhân đạo của 3 điểm trường ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵngvới nhiều hoạt động tặng áo ấm mùa đông, đồng phục, sách vở, cải thiện cơ sở vậtchất cho các em hằng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận