Tôi liền hỏi em: “D., tại sao đi ra ngoài trong tiết học?”.
Em đáp: “Dạ, thưa thầy, em bị cô giáo đuổi ra ngoài”.
“Vì sao?”,
“Em quay lại phía sau mượn thước của bạn”.
“Chỉ có vậy thì sao cô giáo lại đuổi em ra ngoài? Nói không đúng lỗi là phạt thêm nha” - tôi đổi giọng nhẹ nhàng với D..
Lúc này D. đã bình tĩnh lại: “Em nói thật mà thầy”.
Rồi em kể lại sự việc: hôm nay cô giáo vào lớp mà mặt cô không được vui. Khi cô cho cả lớp ngồi xuống thì D. quay lại phía sau mượn thước của bạn. Thấy vậy, cô yêu cầu D. đứng dậy và nói rằng D. gây mất trật tự, không nghiêm túc trong giờ học.
Dù D. cố giải thích không phải mình gây mất trật tự nhưng cô không cho D. giải thích và cho rằng D. ngụy biện, rồi yêu cầu D. ra khỏi lớp.
Khi D. ra đến gần cửa lớp, cô còn nói với giọng hằn học mà cả lớp đều nghe thấy rằng: “Đàn ông đứa nào cũng giống đứa nào”!
Thăm dò tại lớp đó tôi được biết đúng như những gì D. kể. Nhằm tránh gây khó xử cho cô giáo ấy, tôi mời cô cà phê tán gẫu thì y như rằng cô kể chuyện cô và chồng đang lục đục, có khả năng ly thân, ở nhà không vui nên đến trường có bực tức và hơi khó chịu với học sinh.
Tôi hỏi cô: “Thế cô đã gọi học sinh kia lại xin lỗi chưa?” thì cô nói rằng: “Kệ đi, vài ngày nó quên à...”.
Thật ra, theo tôi nhận thấy ở nhiều buổi nói chuyện vui với học sinh thì các em không quên đâu, các em để ý đến những hành động của từng giáo viên mà các em tiếp xúc. Tuy nhiên, các em còn ngây thơ và hiếu động nên vẫn vô tư cười đùa sau khi bị phạt lỗi một cách vô lý...
Không chỉ có cô giáo nói trên mà trong môi trường sư phạm còn có rất nhiều trường hợp tương tự, nhiều lúc các thầy cô đột ngột khó tính lạ thường, lôi chuyện nhà đến trường để xả...
Hiện nay trường học đang khuyến khích có tư vấn viên học đường nhằm giúp học sinh vượt qua những cú sốc tâm lý từng lứa tuổi. Tuy nhiên ngành giáo dục lại bỏ quên một đối tượng khác của môi trường này, chính là chủ thể thứ hai tạo ra hoạt động giáo dục - giáo viên.
Giáo viên cũng được học về tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong môi trường sư phạm, nhưng họ không phải là chuyên gia tâm lý, càng không phải là chuyên gia tư vấn tâm lý cho chính mình khi cuộc sống riêng tư xảy ra sự cố.
Vì vậy, khi giáo viên mang nỗi bực bội tới trường thì học sinh là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong nhà trường.
Thầy cô giáo được xem như hình mẫu về giáo dục nhân cách, nên các em học sinh soi vào đó để học theo. Vì vậy, các thầy cô cần phải chú ý cẩn thận với từng hành vi nhỏ của mình.
Dù có chuyện cá nhân không vui, ở trường giáo viên cũng rất nên kiềm chế và cư xử đúng mực với học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận