Thầy cô giáo phân loại áo quần tặng cho học sinh nghèo người Gia Rai - Ảnh: TRẦN THẢO NHI |
Đó là tâm sự của cô giáo Đinh Thị Bồng, Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Trong những ngày Tây Nguyên đang mưa gió, cô Bồng và thầy giáo cùng trường Lê Hữu Độ vẫn lặn lội đi xin quần áo cho trò. Khi được chị Nguyễn Thị Kim Cương (ngụ đường Đặng Thái Thân, P.Thống Nhất, TP Kon Tum) dành cho mấy bao quần áo, cô Bồng nói như reo: “Thế là học sinh trường em có đồ đi học rồi!”.
Cô Bồng cho biết: “Hiện nay toàn trường có 297 học sinh. Tất cả đều là người dân tộc thiểu số Gia Rai... Hầu hết gia đình các em đang gặp khó khăn nên việc chuẩn bị cho các em tấm áo đẹp, đầy đủ vở, bút, cặp sách để đến trường là gần như không thể. Điều này dẫn tới việc học sinh sẽ không có hứng thú đến trường. Khi xin được áo quần rồi, các giáo viên sẽ tập trung phân loại để trao đúng kích cỡ từng học sinh. Còn với dụng cụ học tập như bút, vở..., các thầy cô giáo ở đây lại phải trích đồng lương ít ỏi của mình để mua sắm tặng các em”.
Thầy Độ kể: “Ở trường, khi học sinh đến lớp rồi, việc giữ chân các em ở lại cũng hết sức gian nan. Mỗi ngày đến trường, trong cặp của thầy cô giáo luôn có sẵn kéo cắt tóc hoặc tôngđơ. Thấy tóc em nào dài một tí là thầy cô phải... dụ để cắt cho gọn gàng. Cắt tóc mà không ưng ý thì bị các em “bắt đền”, phải “xuống nước” với các “thượng đế” này, chứ không các cô cậu ấy sẵn sàng bỏ học ngay”.
Già làng A Kiểu (làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) khi biết việc làm của các thầy cô giáo Trường tiểu học Lê Văn Tám đã không tiếc lời khen: “Các thầy cô giáo ở đây tốt lắm. Ngoài dạy cái chữ cho học trò trong làng, còn dành lương để giúp đỡ tụi nhỏ miết thôi. Nay lại đi xin áo quần, vở viết... thế này nữa, nhất định tụi trẻ con trong buôn làng sẽ học hành tiến bộ, không có ý định bỏ học nữa rồi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận