Câu chuyện được bạn Nhật Linh (thành phố Quảng Ngãi) đăng tải trên Facebook khiến nhiều người bàn tán. Không mua thả thì ray rứt, mà mua thì vi phạm pháp luật mua bán động vật hoang dã.
Thấy họ bán rùa muốn mua thả về tự nhiên nhưng sợ ở tù
Nhật Linh kể chiều 30-7, chị cùng những thành viên trong gia đình đi ngang qua đường Phan Bội Châu (thành phố Quảng Ngãi) thấy một người đàn ông để một con rùa trên cục gạch để bán.
Linh muốn dừng lại mua nhưng các thành viên cản lại, bởi nếu mua là vi phạm pháp luật khi mua bán động vật hoang dã trái phép.
"Tôi về nhà cứ thẫn thờ mãi, thấy tội con rùa. Mà mua mang về nhà nuôi, đợi nó khỏe đi thả về tự nhiên, lỡ bị bắt thì tình ngay lý gian, ai tin mình", Linh nói.
Những thành viên trong gia đình Linh cũng day dứt vì câu chuyện này, ai cũng xót khi động vật hoang dã bị bán công khai.
Họ tự đối chiếu hình ảnh, tìm kiếm thông tin về loại rùa chụp được và đến 99,9% nghi là rùa răng. Mọi người quyết định quay xe lại tìm chú rùa thì không thấy người bán ngồi ở đó nữa.
"Không biết giờ con rùa ở đâu, được ai đó tốt bụng mua thả hay đã bị giết thịt. Động vật hoang dã được bán công khai nhưng muốn mua thả không dễ. Tôi mong cơ quan chức năng dẹp được vấn nạn này", Linh trải lòng.
Lòng tốt và phạm tội: Ranh giới mong manh
Luật sư Phạm Thảo, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, cho rằng đây là câu chuyện rất đời sống, dễ gặp phải, khiến nhiều người trăn trở, không mua thì thương, mà mua thì vướng luật.
Như trường hợp trên, rùa răng là loài động vật hoang dã thuộc nhóm IIB danh mục loài động vật quý hiếm. Rùa răng nằm trong phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Những hành vi như săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép, hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận, sản phẩm đối với động vật nhóm IIB hoặc thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ vi phạm.
"Cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tối đa lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng", luật sư Thảo nói.
Ngoài ra, mức phạt còn có các căn cứ tại nghị định 35/2019 để xử lý việc săn bắt, nuôi nhốt, mua bán động vật trái pháp luật.
Do đó trong trường hợp này, mặc dù mua vì mục đích nhân đạo vẫn không đúng quy định của pháp luật và vô hình trung tiếp tay cho người mua bán động vật hoang dã, càng không phải là phương án tốt nhất để hạn chế các tình trạng này.
Luật sư Thảo cho rằng cơ quan chức năng cần tuyên truyền nhiều hơn để người dân nắm rõ đường dây nóng, kịp thời thông tin khi phát hiện việc mua bán động vật hoang dã. Như câu chuyện ở trên, ranh giới giữa lòng tốt và phạm tội quá mong manh.
Số đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 18001522 ít người biết và hơn nữa liên hệ với cơ quan chức năng cũng chưa chắc đến kịp thời để giải cứu.
"Người dân không nên mua dù xuất phát từ tình thương. Tốt nhất hãy quay video, chụp hình hành vi mua bán và báo cho cơ quan chức năng. Vấn đề ở đây đường dây nóng phải có lực lượng trải khắp các khu vực hoặc phối hợp với công an địa phương, kịp thời tiếp nhận và giải cứu động vật", luật sư Thảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận