Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình - Ảnh: V.Dũng |
* Cử tri PHẠM ĐÌNH TOÀN (Q.4, TP.HCM):
Chưa nhìn nhận yếu kém
Đại biểu hỏi bộ trưởng những câu hỏi rất cụ thể về tỉ lệ cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, về chạy chức chạy quyền, về một số sự việc cụ thể, địa phương cụ thể.
Nhưng suốt phần trả lời, bộ trưởng cứ dẫn các nghị quyết văn bản ra để nói vòng vo. Cách trả lời như vậy quá chung chung, thái độ như vậy tôi nghĩ có phần chưa tôn trọng đại biểu và cử tri.
Những lời nhắc của chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - về phần trả lời của bộ trưởng có lẽ đã nói thay suy nghĩ của nhiều đại biểu và cử tri theo dõi.
Giống như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, nghị quyết trung ương đã chỉ ra việc chạy chức chạy quyền là có, chưa được khắc phục có nghĩa là có tiêu cực tham nhũng.
Trách nhiệm về chuyện cán bộ công chức yếu kém, về chạy chức chạy quyền dĩ nhiên ở vị trí tư lệnh lĩnh vực như bộ trưởng là phải có trách nhiệm.
Nhưng đại biểu, cử tri cũng đều rất hiểu trách nhiệm đó còn thuộc nhiều nơi khác, và có những yếu kém thuộc về thực tế, trình độ phát triển xã hội, đã được nghị quyết trung ương đề cập trước khi đại biểu chất vấn bộ trưởng. Do đó, chúng tôi sẽ bớt thất vọng hơn nếu yếu kém đó được bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận rõ thay vì cứ nói vòng vo.
* Ông TRẦN THANH SƠN(phó chủ tịch HĐND thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận):
1% là không thực tế
Nhiều năm công tác ở HĐND một địa phương, năm nào cũng đi giám sát chất lượng của cán bộ, công chức ở địa phương, tôi khẳng định không thể có chuyện chỉ 1% cán bộ, công chức yếu kém như bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn.
Trong một phạm vi hẹp là cán bộ, công chức cấp xã, phường, phải đến 20-30% làm việc không hiệu quả, một số xã phường còn có thể cao hơn.
Tôi khẳng định xã, phường cũng là nơi tập trung cao nhất tỉ lệ cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả. Điều này không khó nhận biết nếu bộ trưởng và các cơ quan giám sát cấp trung ương kiểm tra ngay chính báo cáo của HĐND về tình hình làm việc của công chức, cán bộ mỗi năm.
Việc cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả ngoài yếu tố trì trệ, thiếu trách nhiệm ở mỗi người, còn có lỗi ở cơ chế. Cán bộ công chức cấp xã, phường lương rất thấp, phụ cấp không đáng kể, không có lũy tiến khi làm việc lâu năm nên không có động lực.
Cơ chế cần thay đổi là giảm biên chế và tăng lương để có động lực làm việc. Có thể chỉ nhận một người, trả lương cao mà làm việc hiệu quả còn hơn là có 2-3 người để đủ biên chế nhưng chỉ toàn cán bộ, công chức làng nhàng, sáng cắp ô đi tối cắp về như dư luận phản ảnh.
Nơi có thể giải quyết triệt để vấn đề này chính là các cơ quan trung ương, là Bộ Nội vụ, là chính bản thân bộ trưởng: bằng sự quyết liệt, bằng việc ban hành cơ chế hợp lý. Nhưng muốn có điều đó, trước tiên phải nắm rõ và dám nhìn thẳng vào thực tế yếu kém của một số không ít cán bộ, công chức.
* Cử triTRẦN ĐẠI DŨNG(19 Bế Văn Đàn, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Bộ máy công quyền quá tốt?
Bộ trưởng cho rằng chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có nghĩa là 99% còn lại đạt yêu cầu! Nhưng theo tôi, sự thật không phải vậy. Nếu có một cuộc điều tra xã hội học ở bất cứ phạm vi nào, địa phương nào về sự hài lòng của người dân với thái độ, hiệu quả làm việc họ nhận được từ cán bộ, công chức, tôi nghĩ nhiều người dân sẽ bày tỏ sự không hài lòng.
Tôi cho rằng Bộ Nội vụ nên dành thời gian để rà soát xem có đúng là 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đặt vấn đề. Còn con số 1% mà bộ trưởng báo cáo có lẽ rất nhiều cử tri đều đồng ý rằng không cần kiểm chứng vì không đúng với thực tế.
Cần làm rõ 1% hay 30% Ý kiến phản hồi của bạn đọc phần lớn tỏ ra không tin vào con số chỉ 1-2% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Theo bạn đọc Hồ Quang Huy: “Tôi không tin con số chỉ 1-2% cán bộ công chức không hoàn thành công việc. Tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng nhìn tình hình chung về kinh tế, xã hội... của đất nước ta, rồi khi đến cơ quan công quyền chứng kiến cách họ làm việc, cũng như qua dư luận thì có thể nói con số 30% là đáng tin hơn”. Bạn đọc Đức Duy cho rằng: “Một số bạn bè tôi là công chức cũng thừa nhận là 9g sáng đến cơ quan pha trà uống nước, đọc tin chán chê đến 10g mới làm việc, 11g đã rục rịch đi ăn trưa, ngủ đến 2g dậy pha trà uống nước, 2g30 làm việc đến 4g đã về rồi. Bản thân họ nói rằng họ nghĩ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc ở cơ quan”. Bạn Đức Hùng phân tích: “Theo tôi, 30% cán bộ không phải không làm được việc mà phải nói là họ không chịu làm việc, làm việc cầm chừng, chờ tới tháng lĩnh lương. Ở đây chủ yếu là thái độ làm việc, nó tồn tại qua nhiều năm, ăn sâu, lây lan qua các thế hệ công chức. Không chịu làm việc thì xử lý được, làm việc cầm chừng thì phải tìm giải pháp khác để xử lý!”. Nhiều bạn đọc cho rằng hai con số 1% hay 30% cần phải được làm rõ, chứ không thể để tình trạng người này nói thế này người kia nói thế khác, khiến dân không biết tin vào đâu. Bạn đọc Nguyễn Văn cho rằng “muốn biết có phải 30% công chức không làm được việc, chỉ “sáng cắp ô đi tối cắp về”, hay căn bệnh vô cảm hách dịch hành dân như thế nào trong đội ngũ cán bộ công chức, mong bộ trưởng vi hành một vài chuyến để kiểm tra như thế nào”. Còn bạn đọc Mai Tấn Diệu đề nghị: “Phải có cuộc điều tra chứ đừng có võ đoán nữa. Mong các cơ quan chức năng hãy bắt tay vào cuộc làm rõ”. |
Đồng Tháp: cán bộ, công chức không làm được việc cao hơn 1% Trao đổi về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng chỉ có khoảng 1% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”, ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng ở tỉnh Đồng Tháp chắc chắn con số này phải cao hơn, nhất là ở cấp xã. Theo ông Dương, tất cả đánh giá về trình độ, năng lực của cán bộ, công chức cấp xã đã được nêu rõ trong “Đề án nâng cao năng lực cán bộ chính quyền và công chức xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất ban hành ngày 2-8-2013” để triển khai thực hiện. Theo đó, trong số 696 cán bộ cấp xã hiện có tới 8,05% cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn, gần 42% có trình độ quản lý hành chính nhà nước ở dạng bồi dưỡng và trung cấp. Và căn cứ theo tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ thì chỉ mới có 73% cán bộ đạt chuẩn, 27% chưa đạt chuẩn. Công chức cấp xã có 1.305 người, trong đó chưa qua đào tạo chuyên môn tới 10,5%, chưa qua đào tạo chính trị 50,8%. Công chức đạt chuẩn chiếm 82%. Mặc dù không phải tất cả cán bộ, công chức không đạt chuẩn đều không làm việc được, nhưng rõ ràng hiệu quả sẽ không thể nào bằng những người đạt chuẩn được. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận