Dự án khu văn phòng - dịch vụ ngõ 164 Khuất Duy Tiến phải nộp bổ sung 58,6 tỉ đồng tiền sử dụng đất - Ảnh: VTC
Kết luận thanh tra về việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội, giai đoạn 2003 - 2016, phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình chuyển đổi 69 dự án có vị trí đắc địa, với tổng diện tích đất chuyển đổi khoảng 180ha.
Chây ì tiền sử dụng đất
Thanh tra trực tiếp tại 38 dự án, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tại dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại tại 44 Yên Phụ, do Công ty CP Tháp nước Hà Nội đầu tư đã chuyển đổi 6.800m2 đất công thành đất tư để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Nguồn gốc đất của dự án trước khi chuyển mục đích sử dụng là đất công do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, sử dụng.
Việc góp vốn này theo kết luận thanh tra là trái quy định của nghị định 91 năm 2015, DNNN không được góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản. Tháng 5-2018, TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội phải bán vốn góp tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội, nhưng đến thời điểm thanh tra việc bán vốn nhà nước chưa được thực hiện.
Một trường hợp chuyển đổi đất công khác diễn ra vào năm 2010, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex đã chuyển đổi 19.594m2 đất để thực hiện dự án trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tầng Hano-Vid số 430 Cầu Am qua hình thức ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam.
Hai bên đã thống nhất lập ra công ty mới để thực hiện dự án 430 Cầu Am (Hà Đông). Năm 2014, TP Hà Nội đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dự án, nhưng đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư mới nộp 206,6 tỉ đồng tiền sử dụng đất, còn nợ ngân sách 21,4 tỉ đồng.
Đối với dự án nhà điều hành sản xuất, văn phòng cho thuê, chung cư và trung tâm thương mại số 31 Láng Hạ (quận Ba Đình) do Công ty CP Mặt trời - Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Diện tích sử dụng đất dự án 10.071,7m2.
Đây là khu đất được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng, tổng công ty đã liên kết với một doanh nghiệp tư nhân để thực hiện dự án. Tuy nhiên, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, xác định số tiền sử dụng đất dự án, tiền chậm nộp ngân sách lên tới 741 tỉ đồng thì chủ đầu tư mới thực hiện các nghĩa vụ tài chính đất đai.
Sai phạm lên tới hơn 3.900 tỉ đồng
Quá trình thanh tra các dự án, cơ quan thanh tra phát hiện Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã không tuân thủ quy định pháp luật khi chấp thuận phương án kiến trúc các dự án. Vì vậy, có 10 dự án được cấp phép thêm các tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch. Chủ đầu tư 10 dự án lợi dụng công năng tầng kỹ thuật được cấp để làm văn phòng, dịch vụ thương mại.
Cũng theo kết luận thanh tra, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã không căn cứ vào thông tư 145 năm 2007 của Bộ Tài chính và thông tư 36 năm 2014 của Bộ Tài nguyên - môi trường về phương pháp xác định giá đất. Dẫn tới chủ đầu tư được hưởng lợi kinh tế, ngân sách thất thu số tiền lớn.
Đoàn thanh tra tạm tính số tiền sử dụng đất phải thu thêm tại 30/38 dự án lên tới 1.480 tỉ đồng. Riêng dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ tại 302 Cầu Giấy, đoàn thanh tra xác định số tiền sử dụng đất phải thu thêm 403,3 tỉ đồng.
Kiểm tra 38 dự án, cơ quan thanh tra phát hiện 8 dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp, tổng số tiền lên tới 1.951,2 tỉ đồng. Trong đó, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 1.462,3 tỉ đồng, tiền chậm nộp 488,9 tỉ đồng, vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai 2013.
Qua phát hiện của đoàn thanh tra, các chủ đầu tư đã nộp bổ sung 1.106,3 tỉ đồng, số tiền vẫn còn nợ đọng tới nay khoảng 845 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội và các chủ đầu tư dự án.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là 3.974,1 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất trên địa bàn và sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Kết luận thanh tra chuyển đổi đất đai giai đoạn 2003 - 2016 tại Hà Nội ghi nhận có 58 dự án đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, với tổng số tiền đã nộp 12.968,9 tỉ đồng; 6 dự án đã xác định nghĩa vụ tài chính đất đai phải nộp 1.869,4 tỉ đồng, nhưng chủ đầu tư mới nộp 545 tỉ đồng, còn nợ hơn 1.324 tỉ đồng; và 5 dự án chưa xác định nghĩa vụ đất đai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận