Phóng to |
Lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 của Công ty Lương thực tỉnh Bạc Liêu là 42 tỉ đồng. Trong ảnh: đóng gói gạo tại một cơ sở chế biến gạo xuất khẩu thuộc Công ty Lương thực tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: H.T.Vân |
Một số đơn vị quản lý, sử dụng vốn nhà nước rất hời hợt, lỏng lẻo, làm thất thoát cả trăm tỉ đồng...
Theo báo cáo ngày 25-11-2013 của kiểm soát viên VNF2 với Bộ NN&PTNT, chỉ trong chín tháng đầu năm có tới 19/44 đơn vị trực thuộc VNF2 thua lỗ. Trong số này có nhiều đơn vị thua lỗ hai năm liên tục, số vốn nhà nước “tan thành mây khói” đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Những đứa con èo uột...
Thoái vốn tại 20 doanh nghiệp Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu VNF2 giai đoạn 2012-2015, VNF2 xây dựng phương án thoái vốn đầu tư của VNF2 tại 20 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 320 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2013 thực hiện thoái vốn đầu tư tại 13 doanh nghiệp với số tiền hơn 242 tỉ đồng, dự kiến kết quả lỗ hơn 90 tỉ đồng. Năm 2014-2015 thoái vốn đầu tư tại bảy doanh nghiệp còn lại với tổng số tiền hơn 78 tỉ đồng, ước tính sẽ huề vốn. |
VNF2 có 14 doanh nghiệp thành viên là “con ruột”. Ngoài ra còn rất nhiều “con chung” là các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (chi phối và liên kết).
Đến cuối năm 2013 đã có 7/14 “con ruột” của VNF2 nằm trong danh sách thua lỗ.
Đó là Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Lương thực Sóc Trăng, Công ty Lương thực Trà Vinh, Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang và Công ty Lương thực Bến Tre.
Tổng số tiền thua lỗ của bảy công ty này khoảng 450 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh được xem là èo uột nhất khi bị thua lỗ tới 164 tỉ đồng.
“Người anh em” Công ty Lương thực Trà Vinh cũng rất yếu ớt với khoản lỗ 134 tỉ đồng. Ông Trần Văn Tâm, quyền giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ nhiều như vậy là do kinh doanh lương thực năm 2011 không hiệu quả. Khi đó công ty mua gạo giá cao, tồn kho lớn, nhưng khi bán ra thì giá thấp hơn lúc mua vào tới 1.700-1.800 đồng/kg dẫn đến khoản thua lỗ hơn 120 tỉ đồng.
Đến năm 2012 công ty thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo không hiệu quả nên tiếp tục lỗ thêm hơn chục tỉ, đẩy con số lỗ lũy kế lên 134 tỉ đồng. “Các khoản lỗ này phát sinh trước khi tôi được bổ nhiệm làm quyền giám đốc” - ông Tâm giãi bày.
Ngoài ra, các đơn vị này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải gồng mình trả lãi ngân hàng. Trong đó Công ty Lương thực thực phẩm An Giang bị thua lỗ tới 83 tỉ đồng và mất tới 98 tỉ đồng vốn không tham gia vào sản xuất kinh doanh.
Còn số lỗ lũy kế của Công ty Lương thực Bạc Liêu đến cuối năm 2013 là 42 tỉ đồng. Vốn của công ty bị chiếm dụng không tham gia vào sản xuất kinh doanh khoảng 174 tỉ đồng. Theo VNF2, trong năm 2014 Công ty Lương thực Bạc Liêu cũng phải mất tới 14 tỉ đồng để bù lãi suất.
Báo cáo tháng 11-2013 của kiểm soát viên VNF2 cho biết chỉ trong chín tháng đầu năm các công ty cổ phần mà đơn vị này góp vốn chi phối đã lỗ hơn 49 tỉ đồng, còn các công ty cổ phần liên kết lỗ gần 60 tỉ đồng.
Đến cuối năm thì con số thua lỗ của những “đứa con chung” tăng lên rất nhiều. Chỉ riêng Công ty CP Lương thực Hậu Giang đã lỗ xấp xỉ 100 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của công ty chỉ... 54 tỉ đồng!
Công ty CP Lương thực Hậu Giang có ba cổ đông, trong đó VNF2 chiếm 53,27% vốn, còn lại là của UBND tỉnh Hậu Giang và HTX dịch vụ nông nghiệp Vị Nông I.
Ông Võ Trường Hùng, tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Hậu Giang, có văn bản xác nhận năm 2013 công ty bị lỗ 98,5 tỉ đồng.
Hiện nay công ty này còn nợ các công ty con của VNF2 trên dưới 100 tỉ đồng nữa. Do thua lỗ quá lớn và nợ quá nhiều nên vào cuối năm 2013 lãnh đạo VNF2 từng kiến nghị hội đồng thành viên cho phá sản công ty này.
Trong trường hợp VNF2 chấp nhận cho công ty này phá sản thì VNF2 sẽ mất trắng hơn 100 tỉ đồng. Đó là khoản tiền 24 tỉ đồng góp ban đầu để thành lập công ty và hơn 100 tỉ đồng mà công ty này đang nợ những “anh em” thuộc hệ thống VNF2. Đó là chưa kể các khoản nợ vay ngân hàng của công ty này được VNF2 bảo lãnh.
Công ty TNHH Bình Tây lỗ lũy kế đến ngày 30-9-2013 là 87,8 tỉ đồng và lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, không có năng lực để trả các khoản nợ vay ngân hàng khi đáo hạn.
Thế nhưng ngày 15-11-2013, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn ký quyết định phê duyệt phương án sáp nhập Công ty TNHH Bình Tây vào Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM. Công ty mới phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty TNHH Bình Tây.
Bán tài sản để bù lỗ?
“Mắc nghẹn” với nợ khó đòi 400 tỉ đồng Giữa tháng 4-2014, năm công ty con của VNF2 đã nộp đơn khởi kiện Công ty Võ Thị Thu Hà cùng hai công ty con là Hòa Tân Lộc và Bình Lợi ra tòa để đòi nợ mua bán gạo với tổng số tiền gần 260 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty Lương thực Vĩnh Long đòi khoản nợ 174,3 tỉ đồng, Công ty Lương thực Đồng Tháp đòi 47 tỉ đồng, Công ty Lương thực Sóc Trăng đòi 26 tỉ đồng, Công ty Lương thực Bạc Liêu đòi 9,7 tỉ đồng và Công ty Lương thực thực phẩm An Giang đòi gần 3 tỉ đồng. Riêng Công ty CP Lương thực Hậu Giang chưa khởi kiện đòi khoản nợ gần 160 tỉ đồng mà chờ Công ty Võ Thị Thu Hà thế chấp tài sản cấn trừ nợ. Theo VNF2, cuối năm 2012 và đầu năm 2013 Công ty CP Lương thực Hậu Giang, Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Lương thực Đồng Tháp ký nhiều hợp đồng mua gạo của Công ty Võ Thị Thu Hà và hai công ty con là Công ty Hòa Tân Lộc và Công ty Bình Lợi có điều khoản rất kỳ lạ: ứng tiền trước cho công ty tới 80% giá trị hợp đồng. Đến gần cuối năm 2013, có tới sáu công ty thuộc VNF2 bị Công ty Võ Thị Thu Hà nợ tiền lên đến hơn 400 tỉ đồng nhưng đến tháng 4-2014 vẫn không trả. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây hội đồng thành viên VNF2 đã thống nhất sử dụng khoản tiền lãi năm 2012 còn khoảng 230 tỉ đồng để bù lỗ cho các đơn vị kinh doanh lương thực thua lỗ.
Tuy nhiên, khoản tiền này cũng không đủ, nên một số đơn vị đã tính đến phương án bán tài sản để bù đắp.
Một trong những đơn vị đã bán tài sản là Công ty Lương thực Trà Vinh. Ông Trần Văn Tâm thừa nhận năm 2013 công ty đã bán hai căn nhà không sử dụng, được 5 tỉ đồng, trừ vốn đầu tư mua trước đây thì còn lãi 2,6 tỉ đồng. Cũng nhờ bán tài sản mà năm 2013 công ty này đã... cắt được lỗ (!).
Khoản lỗ vẫn còn khoảng 130 tỉ đồng cùng áp lực trả nợ và lãi vay rất lớn nên công ty đang trông chờ khoản bù lỗ của VNF2. Tuy nhiên, phương án bán tài sản để bù lỗ tại Công ty Lương thực Trà Vinh cũng đã được tính đến.
Theo đó, các tài sản nằm trong danh sách bán gồm: khu đất 100A-100B Trần Phú, TP Trà Vinh có giá thị trường 8 tỉ đồng (giá trị còn lại khoảng 4 tỉ đồng); khách sạn Thanh Trà ở trung tâm TP Trà Vinh giá trị hiện nay khoảng 50 tỉ đồng (vốn đầu tư còn lại hơn 20 tỉ đồng); khu đất số 2 Điện Biên Phủ, TP Trà Vinh giá hơn 10 tỉ đồng (giá trị còn lại khoảng 3,4 tỉ đồng); khu Vàm Trà Vinh giá trị còn lại chỉ có 6,2 tỉ đồng trong khi giá đã được thẩm định lên tới 82 tỉ đồng.
Còn tại Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, đã có ý kiến đề nghị bán thanh lý dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản không hiệu quả; bán Xí nghiệp lương thực Phú Hòa diện tích 4,5ha, dự kiến giá thị trường hơn 100 tỉ đồng.
Sau khi trừ giá trị còn lại khoảng 44 tỉ đồng thì cũng còn hơn 60 tỉ đồng, sẽ giúp công ty giải quyết một phần khó khăn. Riêng Công ty Lương thực Bạc Liêu thì không có tài sản để bán.
Nếu không thu hồi được công nợ thì nhiều khả năng phải xem xét phương án giải thể.
Một số đơn vị thua lỗ khác chưa tiến hành giám sát tài chính nên chưa có phương án xử lý lỗ. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, bán tài sản là phương án hàng đầu.
Thất thoát gần 130 tỉ đồng dễ như chơi
Công ty Lương thực Vĩnh Long hiện trong tình trạng kiệt quệ do bị thất thoát gần 130 tỉ đồng trong vụ làm ăn với Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum (Công ty Thịnh Phát).
Việc làm thất thoát tiền nhà nước tại Kon Tum diễn ra rất đơn giản, từ sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo Công ty Lương thực Vĩnh Long. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2012 Công ty Lương thực Vĩnh Long ký hợp đồng xuất khẩu 94.000 tấn mì lát cho Công ty Artwell (40.000 tấn) và Công ty Toepfer (54.000 tấn). Thời hạn giao hàng đến tháng 6-2013.
Công ty Lương thực Vĩnh Long ký hợp đồng mua mì lát khô của Công ty Thịnh Phát để giao cho hai khách hàng nói trên.
Để thể hiện là đối tác “chơi sộp”, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ứng tiền trước cho Công ty Thịnh Phát khi chưa nhận hàng. Và để thực hiện hợp đồng mua mì lát của Công ty Thịnh Phát, Công ty Lương thực Vĩnh Long cử một số nhân viên lên TP Kon Tum làm nhiệm vụ chốt giữ kho, nhận hàng, đồng thời giao hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 2-2014 nhân viên của phòng kế hoạch - kinh doanh Công ty Lương thực Vĩnh Long là ông Võ Minh Khôi đã thông đồng với Công ty Thịnh Phát ký khống phiếu xác nhận nhập kho và tự ý cho công ty này mượn hàng trong kho đem bán với số lượng lớn gây thất thoát gần 130 tỉ đồng đến nay chưa thu hồi được.
Theo tường trình của ông Võ Minh Khôi, ông được giao nhiệm vụ giữ kho Trường Chinh ở đường Duy Tân và kho 332 ở đường Sư Vạn Hạnh, TP Kon Tum.
Từ cuối năm 2012 đến tháng 3-2013, ông Khôi đã ghi khống số lượng nhập kho báo cáo cho cấp trên để tạo điều kiện cho Công ty Thịnh Phát lấy tiền hàng của Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Theo đó, số mì lát được ông Khôi ký xác nhận nhập khống tại kho Trường Chinh là hơn 11.400 tấn, còn tại kho 332 là 12.800 tấn với tổng giá trị lên đến 97,9 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, ông Khôi còn cho Công ty Thịnh Phát mượn thêm 8.200 tấn mì lát có trong kho mà mình đang giữ. Trong đó, kho Trường Chinh 2.300 tấn, còn kho 332 là 5.900 tấn. Số hàng này có giá trị tới 32,8 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Công ty Lương thực Vĩnh Long, để cấn trừ bớt số nợ này Công ty Thịnh Phát đã đề nghị thế chấp tài sản là hai kho hàng gồm: kho Hoàng Diệu ở tỉnh Bình Phước có diện tích đất 50.000m2, kho New Hope tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích đất hơn 30.000m2.
Theo định giá của Công ty CP thẩm định giá Thương Tín, hai kho này có giá trị 76,5 tỉ đồng. Giá trị thế chấp cho Công ty Lương thực Vĩnh Long 70 tỉ đồng.
Do Công ty Thịnh Phát không có khả năng thanh toán nợ nên hội đồng thành viên VNF2 đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Lương thực Vĩnh Long tiến hành các thủ tục pháp lý nhận tài sản thế chấp của Công ty Thịnh Phát để trừ nợ.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã đề nghị trao đổi thêm với lãnh đạo VNF2 về vấn đề thua lỗ và thất thoát tại các thành viên của tổng công ty này.
Tuy nhiên ngày 28-4, ông Huỳnh Thế Năng - tổng giám đốc VNF2 - có văn bản hẹn trả lời sau. Ông Năng nêu lý do: “Các thông tin quý báo nêu và đề nghị phỏng vấn là các việc xảy ra năm 2013 và thuộc trách nhiệm của ban điều hành trước đây. Bản thân tôi vừa được bổ nhiệm làm tổng giám đốc VNF2 từ ngày 7-4 và nhận nhiệm vụ từ ngày 10-4. Hiện đang trong giai đoạn nhận chuyển giao công việc điều hành và các công việc khác theo quy định nên chưa thể trả lời quý báo theo đề nghị”.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Năng xác nhận là khi về nhận nhiệm vụ tổng giám đốc, ông đã có nghe báo về tình trạng thua lỗ, thất thoát. Ông cũng đang chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại những việc này nên chưa có thông tin chính xác để trả lời báo chí, dư luận vào thời điểm hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận