10/05/2014 06:03 GMT+7

Thất nghiệp bắt nguồn từ chính sách

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Hiện có hơn 70.000 cử nhân và thạc sĩ đang thất nghiệp. Hình ảnh các bạn cử nhân làm công việc phổ thông khiến tất cả những ai quan tâm đến giáo dục, đến giới trẻ đều cảm thấy buồn lòng và lo lắng bởi sự lãng phí về thời gian và tiền bạc của gia đình, xã hội.

FLxNGWCS.jpgPhóng to
Cử nhân quản trị kinh doanh Cao Thị Tuyết Nhung (phải) không xin được việc đúng chuyên môn, giờ làm nhân viên bảo vệ của Công ty DV bảo vệ Ngày Và Đêm - Ảnh: Quang Phương

Có ý kiến cho rằng chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hay làm những việc phổ thông là do chính bản thân họ thiếu nỗ lực phấn đấu, không trang bị cho mình kỹ năng cần thiết, không biết tự lập thân...

Điều này đúng nhưng không toàn diện cũng giống như người ta thường lý giải hiện tượng tham nhũng là do cá nhân thiếu rèn luyện, tu dưỡng.

Chắc chắn luôn có yếu tố cá nhân trong mọi hiện tượng, vấn nạn xã hội, nhưng có lẽ cần phải nhìn thấy những yếu tố từ cấu trúc xã hội bởi chính những yếu tố này mới là quan trọng dẫn đến hiện trạng xã hội không mong muốn.

Nhắm mắt đào tạo

Vậy tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ trước hết xuất phát từ đâu? Theo tôi, nó xuất phát từ sự thừa mứa nguồn lao động có trình độ đại học và sau đại học vì trong thời gian dài vừa qua, cơ quan quản lý giáo dục thường xác định tỉ lệ đào tạo sinh viên đại học trên một vạn dân (chỉ tiêu đến năm 2015 là 300 sinh viên/10.000 dân) chứ không xác định tỉ lệ đào tạo theo cơ cấu kinh tế của quốc gia.

Xét theo tỉ lệ sinh viên/vạn dân thì nước ta còn thấp so với các nước phát triển nên cơ quan quản lý giáo dục liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng - đại học hằng năm.

Điều này bất hợp lý bởi trong cơ cấu kinh tế của nước ta hiện vẫn còn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số đang cư ngụ tại vùng nông thôn, sống bằng các nghề liên quan đến nông nghiệp.

Nhưng chúng ta lại đào tạo quá nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, trong khi lĩnh vực này chưa chiếm đa số nên không thể thu hút hết lao động có trình độ cử nhân, thạc sĩ.

Do đó tình trạng thất nghiệp của cử nhân khối kinh tế - quản trị là điều đương nhiên.

Mặt khác, việc giao chỉ tiêu đào tạo cao đẳng - đại học cho các trường hiện nay cũng thuần túy dựa vào năng lực của trường (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất) mà không tính đến quy hoạch, nhu cầu lao động của từng ngành nghề của quốc gia trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.

Con số hơn 300 trường cao đẳng - đại học được phép đào tạo khối ngành kinh tế - quản trị là dựa vào dự báo nguồn nhân lực nào? Chắc chắn không dựa vào bất cứ dự báo nào cả.

Đồng thời chuyện cử nhân thất nghiệp cũng có phần lỗi lớn của các cơ sở đào tạo khi nhiều nhà tuyển dụng đã và đang than phiền về kiến thức lý thuyết lẫn thực hành, các kỹ năng mềm của các cử nhân, kỹ sư mới ra trường.

Điều này có thể xuất phát từ quan niệm, thói quen đào tạo cao đẳng - đại học là đào tạo theo kiểu “thùng phuy”, tức cứ đậu vào cao đẳng - đại học chắc chắn sẽ tốt nghiệp ra trường và gần như không có sự sàng lọc trong quá trình đào tạo. Điều này đã tạo ra tâm lý ỷ lại và không cần nỗ lực nơi người học khiến chất lượng không cao.

Phải có dự báo nhu cầu nhân lực

Bên cạnh đó, việc đào tạo phổ thông hiện nay không trang bị cho học sinh những hiểu biết về kinh tế - xã hội tổng quát mà chỉ chăm chăm vào toán, lý, hóa hoặc các môn thi đại học nên khiến các em không biết phải và nên học cái gì.

Hậu quả phần lớn các em chọn vào học những ngành nghe quen quen, dễ hiểu hoặc theo trào lưu chứ không biết tương lai sẽ như thế nào. Tất nhiên khi quá nhiều người học một vài khối ngành nào đó thì tình trạng thừa mứa là đương nhiên và thất nghiệp là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.

Do đó theo tôi, để giảm bớt tình trạng thừa lao động đại học và sau đại học trước hết cơ quan quản lý giáo dục phải công bố cho được nhu cầu nhân lực từng loại ngành nghề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kế đến, cơ quan quản lý giáo dục cần tính toán tỉ lệ sinh viên dựa trên hiện trạng kinh tế - xã hội của quốc gia chứ không nên chạy theo tỉ lệ sinh viên/vạn dân như lâu nay.

Đồng thời cơ quan quản lý giáo dục cũng phải cương quyết ngăn chặn tình trạng đào tạo mà không có nhân lực phù hợp để đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Song song đó, các cơ sở đào tạo phải chú ý đến việc siết chặt “đầu ra”, tức tăng sự sàng lọc để đảm bảo những người tốt nghiệp ra trường có kiến thức, kỹ năng cơ bản để họ có thể đáp ứng được yêu cầu của công ty, doanh nghiệp và các cơ quan tuyển dụng.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp