10/06/2022 09:39 GMT+7

Thật khó để không đáp lễ với Sài Gòn

LÊ VIỆT
LÊ VIỆT

TTO - Dưới tán chò nâu Sài Gòn (Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thế Giới) - tập bút ký điền dã in song ngữ Việt - Anh tràn đầy một tình yêu sâu sắc của tác giả Paul Christiansen với Sài Gòn và con người ở đây.

Thật khó để không đáp lễ với Sài Gòn - Ảnh 1.

Dưới tán chò nâu Sài Gòn in song ngữ Việt - Anh - Ảnh: LÊ VIỆT

Không chỉ là những tiểu luận giàu thông tin, các bút ký còn là những bức thư tình với góc nhìn thi vị cho thấy sự kết nối đặc biệt của tác giả với phần hồn của Việt Nam. Nhân tập sách vừa ra mắt độc giả, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Paul Christiansen.

Tôi cảm thấy nhiều phước hạnh khi được sống ở Sài Gòn

* Có cảm giác rằng nhan đề bài viết Sở thú Sài Gòn - vẫn yêu dù có thế nào và Bảo tàng địa chất - lời biện bạch cho bảo tàng viện bị lãng quên cũng chính là thông điệp của anh gửi cho Sài Gòn và cư dân của thành phố này: Cho dù thế nào vẫn "mãi yêu". Đã sống sáu năm ở Sài Gòn, anh có thể cho biết điều gì làm nên tình yêu đầy thứ tha này?

- Tôi muốn xem những bài viết này như những bức thư tình vì tôi cảm thấy nhiều phước hạnh khi được sống ở Sài Gòn và xem Việt Nam là nhà. Không có gì hoàn hảo cả. Nơi chốn thì giống như con người theo nghĩa đều có những nhược điểm và những khía cạnh có thể cải thiện.

Nhưng thế giới đã có quá nhiều điều tiêu cực rồi, tại sao tôi phải tạo ra thêm, đặc biệt khi có quá nhiều thứ để khen ngợi? Tuy nhiên khi viết về những nơi chốn và con người đã tử tế và hào phóng với tôi đến thế, thật khó để không đáp lễ.

Đương nhiên, những người yêu thương thỉnh thoảng có thể làm ta buồn, cùng cái cách họ làm ta vui cười và hạnh phúc. Nhưng ngược lại với tình yêu không phải là bực bội hay nỗi buồn, mà là sự thờ ơ.

Vì vậy, những dịp hiếm hoi tôi bộc lộ sự bực bội hay u sầu liên quan đến Việt Nam, đó chỉ có thể là từ tình yêu và sự tôn trọng của tôi. Tôi thực sự rất may mắn đang được sống ở đây và được đón nhận như thế.

* Độc giả có thể thấy trong mỗi đề tài anh viết đều thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, yêu di sản, yêu động vật và đậm xu hướng bảo tồn, chống biến đổi khí hậu. Thậm chí có cảm tưởng anh bị ám ảnh sinh thái khi đọc bài viết Lục bình. Có phải đây là cái nhìn của một nhà thơ về biến đổi khí hậu?

- Tôi luôn thích thú với cây cối và muông thú; thực tình mà nói tôi thấy thế giới tự nhiên còn vui thú hơn thế giới con người vốn nhỏ và đơn giản hơn. Sống trong thời đại này, chúng ta không thể suy nghĩ và phát ngôn về tự nhiên mà không lưu tâm đến những hệ lụy mang tính hủy diệt của nền văn minh ví dụ như biến đổi khí hậu.

Tôi không nghĩ việc nghiên cứu, đọc, viết và yêu thơ làm tôi suy nghĩ như thế, nhưng có thể nó làm tôi dễ dàng biến những cảm xúc phức tạp, hỗn độn và đôi khi mâu thuẫn, trở thành ngôn từ.

Tôi là con người, và con người là một phần của tự nhiên. Tôi yêu con người và tôi yêu thiên nhiên nhưng con người và thiên nhiên có vẻ như không thể tồn tại cùng nhau trong hòa bình. Đó là một tình huống rất khó để thấu hiểu, nhưng tôi nghĩ nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là công cụ tốt nhất của ta vào lúc này.

Thật khó để không đáp lễ với Sài Gòn - Ảnh 2.

Paul Christiansen - Ảnh: ALBERTO PRIETO

Mơ đến ngày có nhiều người đọc một cuốn sách Việt Nam như ăn tô phở

* Là một nhà thơ đoạt giải, đã đăng bài trên nhiều tạp chí quốc tế, anh sử dụng lợi thế này như thế nào để kết nối và thực hiện những dự án văn chương mới liên quan đến Việt Nam? Anh có thể cho biết thêm về tình hình hợp tác giữa người viết trong và ngoài nước mà anh được biết?

- Tôi thực may mắn khi có chút kết nối trong giới văn chương Mỹ và cả Việt Nam để hy vọng bắc được một chiếc cầu nhỏ giữa hai quốc gia. Tôi khá hãnh diện vì đã giám tuyển một dự án hồi đầu tháng 5, "In My Ear, Your Voice Still Flickering/ Bên tai tôi, giọng người vẫn chờn vờn".

Đây là một tuyển tập có ba phần với sự góp mặt của hơn 20 nhà thơ, nhà văn, dịch giả và nghệ sĩ, sẽ được in ấn và phát hành bởi một trong những lễ hội văn chương lớn nhất ở Mỹ. Có thể giới thiệu những nhà thơ và nhà văn tài năng người Việt đến độc giả Mỹ, với tôi còn quan trọng hơn việc tác phẩm của chính tôi được xuất bản.

Dự án này có thể thành hình là nhờ vào mối quan hệ tôi tạo được ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng hoàn tất một số bản dịch tiểu thuyết Việt Nam tôi là đồng dịch giả. Những bản dịch này sẽ được xuất bản sớm. Nhưng hiện nay tôi chưa thể tiết lộ.

Đương nhiên, ngoài tôi ra vẫn có rất nhiều người đang làm hết mình để kết nối tác giả người Việt với độc giả và tác giả toàn cầu. Một ví dụ là AJAR ở Hà Nội, gần đây đã tổ chức "Ù Ơ | SUO", một một chuỗi sự kiện trực tuyến về trao đổi thi ca giữa những nhà thơ và nghệ sĩ Việt Nam và Xứ Wales.

* Giữ chức giám đốc nội dung của Saigoneer, anh đã viết nhiều bài điểm sách của các tác giả Việt Nam và hải ngoại. Độc giả Saigoneer bao gồm người nước ngoài tương tác với những bài viết này như thế nào? Nói cách khác, văn chương Việt Nam (ít nhất những tác phẩm viết bằng tiếng Anh) được quan tâm ra sao khi so với những đề tài như ẩm thực, du lịch, điện ảnh?

- Những bài điểm sách của tác giả Việt Nam và hải ngoại không được nhiều lượt xem như những bài khác trên trang web, nhưng tôi xem điểm sách như phần lõi quan trọng nhất vì khả năng gây cộng hưởng sâu hơn với số độc giả thực sự đọc và điều này giúp đóng khung giá trị cho Saigoneer.

Đặc biệt hiện nay Saigoneer đã hoàn toàn song ngữ, do đó độc giả của chúng tôi rất đa dạng, gồm cả người Việt và nước ngoài. Vì thế phần điểm sách có thể phục vụ nhiều mục đích.

Với những cuốn sách nổi tiếng như The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai, đã có nhiều thảo luận ở nước ngoài nhưng chúng tôi có thể cung cấp một chiều kích quan trọng khác cho thấy cuốn sách được đón nhận thế nào ở Việt Nam bởi những người hiểu biết về đất nước và văn hóa ở đây.

Mặt khác, những tác giả như Dạ Ngân ít có tiếng tăm hơn ở nước ngoài, nên chúng tôi hy vọng giới thiệu được tác phẩm của họ ra thế giới. Theo cách đó, nhiều tác giả Việt kiều như Kim Thúy có thể ít ai biết ở Việt Nam nên chúng tôi hy vọng có thể gây thêm chú ý đối với họ.

Ở đâu con người cũng quan tâm đến ẩm thực, du lịch, phim ảnh và âm nhạc. Những đề tài này luôn gây chú ý nhiều hơn văn chương. Tuy nhiên, tác phẩm hư cấu và thơ luôn có thể kết nối với con người ở mức độ sâu sắc hơn trong khi vẫn âm thầm chia sẻ kiến thức.

Tôi mơ đến ngày có nhiều người đọc một cuốn sách Việt Nam như ăn tô phở. Ngày đó có thể không bao giờ đến, nhưng với sự hỗ trợ của nhiều người, và cả Saigoneer, tôi may mắn có thời gian và không gian làm việc để hướng đến ngày đó.

Là một nhà thơ, Paul Christiansen đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 6 năm. Anh từng là học giả Fulbright, có bằng cao học ở Đại học Quốc tế Florida, hiện đang làm giám đốc nội dung của Saigoneer.

Trong những bài bút ký, đôi khi tác giả hài hước, khi khác lại u sầu hoặc chìm vào suy tưởng. Đặc biệt, bài Chò nâu Sài Gòn như là một bài thơ, tươi mới và thú vị như loài cây này.

Trần Thị NgH - nhà văn kỳ cựu với nhiều tác phẩm xuất bản trong suốt 50 năm qua - là dịch giả sách.

'Sài Gòn COVID-19 - 2021' tràn ngập yêu thương của Trần Thế Phong

TTO - Tác giả quen thuộc, phóng viên ảnh tự do Trần Thế Phong vừa có tác phẩm mới: 'Sài Gòn COVID-19 (2021)', một lần nữa kể lại nhiều câu chuyện của TP.HCM trong trận đại dịch năm qua bằng nhiều góc nhìn ấn tượng.

LÊ VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp