Bờ kè bên đập chính thủy điện Nước Chè bị sạt lở sau mưa lũ đến nay vẫn chưa được sửa chữa, gia cố - Ảnh: LÊ TRUNG
Đập chính của thủy điện này vẫn còn ngổn ngang, thi công dang dở, bờ kè đất sạt lở, trong khi nhà máy vẫn chưa được xây dựng. Người dân thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão lại tới.
Quá nhiều mối lo
Từ lúc công trình dừng thi công, người dân lo nhất là an toàn đập, trong khi những trách nhiệm của chủ đầu tư đối với người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Hồ Văn Tám (50 tuổi, xã Phước Mỹ) cho biết nhiều tháng nay không thấy nhân công thi công ở đập thủy điện. Mùa mưa vừa qua, bờ kè giữ đất hai bên đập bị sạt lở. "Công trình xây dựng giữa chừng rồi bỏ dở vậy, sợ mưa đến bị sạt lở. Sống gần đây nên người dân thấp thỏm lo âu" - ông Tám nói.
Ông Hồ Văn Bê, chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết việc lãnh đạo thủy điện này bị bắt đã gây nhiều hệ lụy cho địa phương. Việc giải phóng mặt bằng làm đường ống dẫn nước, chủ đầu tư chỉ mới chi trả hỗ trợ, bồi thường khoảng 80%. Đợt mưa lũ năm qua, hoa màu ven lòng hồ thủy điện bị ngập, hư hỏng khoảng 60ha.
"Đập vẫn chưa làm xong, còn rất ngổn ngang. Bờ kè bên đập bị sạt lở nghiêm trọng, chưa thấy họ thi công tiếp, cũng chưa khắc phục những điểm sạt lở, chúng tôi lo lắm" - ông Bê nói.
Còn tại xã Phước Năng ở hạ lưu đập thủy điện Nước Chè, nơi đặt nhà máy, nhà máy vẫn chưa được triển khai xây dựng. Ông Hồ Văn Khu, chủ tịch UBND xã, cho biết vẫn còn 43 hộ có đất, cây cối bị ảnh hưởng dự án chưa được đền bù, hỗ trợ. "Địa phương rất lo bởi nhiều hạng mục công trình chưa được tiếp tục thi công. Người dân sống ở hạ lưu đập chính lo nơm nớp" - ông Khu nói.
Sẽ có phương án đảm bảo an toàn
Đập chính thủy điện này nằm trên địa bàn xã Phước Mỹ được xây dựng chắn ngang suối Nước Chè hiện vẫn còn ngổn ngang sắt thép. Bờ kè bêtông bên hông đập sau đợt mưa lũ vừa qua sạt lở nghiêm trọng, từng mảng bêtông vỡ ra bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều hạng mục trên đập vẫn còn y sắt thép chưa được đổ bêtông, chưa được xây dựng. Giữa tháng 3-2021, công trình nhà máy ở xã Phước Năng vẫn chỉ là bãi đất, cả hai công trình này không có một bóng công nhân, các lán trại đều vắng người.
Công trình dừng đột ngột như vậy có ảnh hưởng gì đến chất lượng và an toàn đập? Theo ông Đặng Bá Dự - giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, đó là một điều rất lo lắng. Sắp tới sở sẽ lập đoàn kiểm tra thực địa, làm việc với chủ đầu tư để có những chỉ đạo cụ thể. Phải xem lại hệ lụy do việc dừng thi công. Sở sẽ lưu ý quan trắc lại công trình, khi lượng đất bị thấm nước vì an toàn là trên hết. Chuyện sạt lở hay những vấn đề ảnh hưởng đến người dân, sở sẽ chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục.
"Chủ đầu tư thi công tiếp hay không thì chúng tôi đang rà soát, xin ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh" - ông Dự nói.
"Sở đã liên lạc được với người có trách nhiệm và sẽ kiểm tra thực địa công trình này, làm việc với chủ đầu tư. Những vấn đề phát sinh như sạt lở kè đất, ảnh hưởng đến đất, đời sống người dân, chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý để có chỉ đạo những giải pháp khắc phục sớm nhất, an toàn nhất" - ông Dự nói.
Công trình vẫn "giậm chân tại chỗ"
Thủy điện Nước Chè do Công ty cổ phần Thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư, khai thác sử dụng nước của suối Nước Chè và suối Đắk Rút. Công trình ở hai xã Phước Mỹ và Phước Năng, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi dự án được triển khai.
Ngày 19-8-2020, qua kiểm tra, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện, lập biên bản bắt quả tang 3 người tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Vật chứng thu giữ khi bắt quả tang gồm 460kg thuốc nổ, 61 kíp nổ điện, 9 cuộn dây truyền nổ và một số đồ vật khác liên quan.
Tiến hành khám xét khẩn cấp kho vật liệu nổ của Công ty TNHH Hoàng Nhi tại công trình thi công thủy điện này, công an thu giữ 117 thùng thuốc nổ còn nguyên đai, nguyên kiện (khoảng 1.808kg), 6.039 kíp nổ và 3.500m dây truyền nổ.
Qua điều tra xác định có những người lợi dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp tại các hạng mục công trình thủy điện để lập hồ sơ khống, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình thi công thủy điện này. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can.
Ông Hồ Sỹ Thái - người đại diện pháp luật, giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Nước Chè - bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi này. "Hiện ông Thái đã được tại ngoại vì lý do sức khỏe. Công an tỉnh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án" - thượng tá Nguyễn Quang Phước, trưởng phòng an ninh điều tra, cho biết.
Từ khi ông Thái và nhiều nhân viên bị bắt giam, công trình thủy điện này hầu như "giậm chân tại chỗ".
Dự án thủy điện Nước Chè thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, công suất 30 MW, điện lượng trung bình hằng năm 93,41 triệu kWh. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu năm 2011, điều chỉnh lần 3 vào tháng 4-2020 cho Công ty cổ phần Thủy điện Nước Chè. Tổng diện tích chiếm đất khoảng 136ha, tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.228 tỉ đồng, dự kiến đi vào hoạt động tháng 12-2021 (nếu không bị dừng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận