Những dòng sông, suối đổi màu đục dù trời không mưa đến hiện tượng cá suối chết bất thường khiến người dân ở vùng đất được biết đến là "thủ phủ mỏ khoáng sản" xứ Nghệ càng thêm lo lắng.
Sông suối vắng bóng cá tôm
Hơn nửa tháng qua, nhiều hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp phải mua bình nước đóng chai hoặc sang các vùng khác chở nước giếng về để sinh hoạt.
Đặc biệt là kể từ ngày 3-7, sau khi UBND huyện Quỳ Hợp có công văn về việc khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước từ sông Nậm Huống do nguồn suối Bắc đổ vào sông Nậm Huống có hiện tượng cá suối chết chưa rõ nguyên nhân.
"Con sông này trước đây sâu và rộng hơn bây giờ, nước trong vắt, mát lạnh vì chảy ngầm từ núi đá ra. Mùa hè, người dân trong bản đều ra đây tắm mát. Tôm, cá ngày trước nhiều lắm", ông Lương Văn Huế - ngụ xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp - ngậm ngùi nhớ lại.
Xã Châu Thành và Châu Hồng - nơi bắt nguồn các con sông Nậm Tôn, Nậm Huống - được xem là "thủ phủ" của đá trắng và quặng thiếc với hàng chục mỏ đã được cấp phép khai thác.
Đứng bên mép sông vẫn còn dấu vết của những lần bị nhuộm đỏ còn lưu lại, ông Huế rất buồn khi dòng Nậm Huống bây giờ dần trở thành "con sông chết".
Theo ông Huế, đây không phải là lớp phù sa màu mỡ thường thấy ở các con sông khác. Lớp bùn đỏ khác thường tràn về làm cá, tôm chết nên bà con dân bản không còn lấy sông làm nơi mưu sinh như trước đây.
Xuôi về thị trấn Quỳ Hợp, những ngày này gia đình ông Hà Đăng Ninh (59 tuổi) phải mua từng can nước sạch về để nấu ăn, sinh hoạt sau khuyến cáo của địa phương hạn chế sử dụng nước từ sông Nậm Huống.
"Cá suối mà cũng chết hàng loạt thì sao người không lo cho được? Do gia đình tôi không có nguồn nước nào khác nên phải mua thêm nước đóng bình hoặc đi xin ở vùng khác về nấu ăn, còn tắm giặt thì vẫn phải sử dụng nước từ nhà máy.
Đến bây giờ đã hơn nửa tháng nhưng người dân chúng tôi cũng chưa nghe thông báo mới về việc có sử dụng nguồn nước từ Nậm Huống nữa hay không nên rất lo lắng", ông Ninh bày tỏ.
Đề xuất di dời nhà máy nước
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp được đặt ở khu vực hợp lưu hai nhánh sông Nậm Huống và Nậm Tôn.
Trên thượng nguồn các dòng sông này có đến hàng chục mỏ khai thác quặng thiếc, đá trắng từng bị chính quyền địa phương phát hiện việc xả thải xuống sông.
Mỗi ngày đêm, nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp bơm hàng ngàn khối nước từ dòng sông này rồi xử lý, bán cho hơn 2.400 hộ dân trên địa bàn.
Năm 2017, sau sự cố vỡ đập chứa bùn thải của một doanh nghiệp khai thác thiếc làm cá chết, nước sông đổi màu, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thô đầu vào cấp cho trạm cấp nước Quỳ Hợp để làm rõ các nội dung nêu trên.
Qua kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cho thấy nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn, trong đó đáng chú ý là chỉ số asen vượt 1,35 lần.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Quán Vi Giang - phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - cho hay sau lần ô nhiễm vào năm 2017, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với phía nhà máy nước, đề nghị di dời vị trí lấy nước thô đến địa điểm khác.
Địa điểm mới được đề xuất là suối Nậm Chóng - đầu nguồn không có mỏ khai thác quặng nên không lo nguồn nước bị ô nhiễm. Khu vực này cách vị trí cũ chừng 2km.
Tuy nhiên đến nay phía Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An - đơn vị quản lý nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp - chưa di dời theo đề xuất của địa phương.
Phản hồi với UBND huyện Quỳ Hợp, Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cho rằng việc để xảy ra tình trạng các mỏ khai thác quặng xả thải làm ô nhiễm các dòng sông là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Việc di dời theo đề nghị của địa phương là rất tốn kém. Công ty lo ngại nếu bỏ tiền tỉ để di dời điểm lấy nước thô đến một nhánh sông khác rồi thời gian tới dòng sông này cũng bị ô nhiễm.
Sở xin gia hạn báo cáo phân tích mẫu nước
Ngày 10-7, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An gửi báo cáo đến UBND tỉnh Nghệ An về kết quả kiểm tra cá chết bất thường ở xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp nêu một số tồn tại của Công ty TNHH thiếc Hà An. Trong báo cáo này chưa đề cập đến kết quả phân tích các mẫu nước, xác định nguồn ô nhiễm khe suối.
Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo lại, hạn chót đến ngày 18-7.
Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang cho biết đến ngày 23-7 phía huyện vẫn chưa nhận được kết quả phân tích các mẫu nước để trả lời, thông báo cho bà con biết liệu nguồn nước Nậm Huống có an toàn để sử dụng hay không!
Ông Đặng Thanh Tùng - chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An - cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường xin gia hạn báo cáo kết quả phân tích mẫu nước đến ngày 26-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận