03/11/2022 13:13 GMT+7

Thảo 'xẹo' đi biển

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ở làng biển Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có một ngư dân vô cùng đặc biệt, hằng ngày gần như bò lết trên tàu ra khơi Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là ông Thảo "xẹo", tên cúng cơm là Huỳnh Văn Thọ.

Thảo xẹo đi biển - Ảnh 1.

Không thể đi bình thường trên đôi chân tật nguyền, ông Thảo gần như phải bò lết để di chuyển trên tàu - Ảnh: B.D.

Một buổi sáng cuối năm, khi con tàu 800 mã lực số hiệu QNa-91417 cõng đầy mực trở về sau chuyến đi dài ngày thì Thảo "xẹo" không bước xuống tàu bằng chân. Đôi chân của ông là lưng những người bạn biển.

Đời buồn của Thảo "xẹo"

Ông Huỳnh Văn Thọ nay 54 tuổi, nhưng hình như không một ai ở làng đi biển Tam Giang biết tên thật của ông bởi từ năm lên 12 tuổi tới tận giờ ông gắn liền với cái tên Thảo "xẹo". Cái tên đến từ định mệnh thay đổi cuộc đời ông, nhưng cũng nhờ đó mà ông nói rằng mình biết ruột gan anh em bạn biển.

Thảo "xẹo" là con của một cán bộ. Những năm sau 1975, cha ông Thảo được giao nhiệm vụ thu gom vũ khí còn sót lại của người dân trong vùng, trong một lúc bất cẩn khi mang đạn chưa nổ về nhà cất giữ, hai cậu con trai của ông - trong đó có Thảo - đã đùa giỡn. 

Viên đạn R15 phát nổ ghim thẳng từ bẹn rồi khoét thành một lỗ lớn ra phía sau lưng. Năm đó, Thảo 12 tuổi, vết đạn xuyên sát bụng khiến cậu bé phải nằm viện mất 3 tháng trời. 

Ngày ra viện, Thảo nhận ra đôi chân tinh nghịch giúp cậu nhảy nhót suốt 12 năm đã gần như không còn cử động được. Thảo phải lê lết, đi nạng gỗ và bật khóc khi chứng kiến hai khuỷu chân cứ tong teo, co rút từng ngày.

Ông Thảo "xẹo" lận lưng quần chỉ chúng tôi vết sẹo to như bàn tay bám chặt ở phần lưng dưới. "Viên đạn nhỏ xíu khi đâm vào bụng thì để lại lỗ nhỏ, nhưng đầu ra sau lưng thì khoét lỗ to như cái chén. Tui tưởng mình chết rồi, ba tháng sau mới biết mình còn sống. 

Lúc đầu thấy chân không cử động được thì tui khóc dữ lắm, nhưng lâu rồi thì biết thân phận nên chấp nhận dần, tập lết để mà đứng dậy, mà đi", ông Thảo nói.

Nhà Thảo "xẹo" ở ngay gần cảng cá An Hòa - bến đỗ của những con tàu câu mực, tàu khơi khổng lồ chuyên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ở đó, con gái lớn lên vào xưởng may, còn thanh niên thì theo tàu lớn ra biển. 

Ông Thảo nói lẽ ra mình đã là một ngư dân ăn sóng nằm gió từ năm lên 15 tuổi, nhưng tất cả đã đi theo một lối rẽ buồn. Năm 18 tuổi, khi bạn bè lên tàu ra Hoàng Sa thì Thảo nuốt nước mắt đi vào Nam làm thuê.

Đích đến đầu tiên của ông là Đồng Nai. Ông phải cố lê lết cuốc cỏ trong trang trại cao su, phụ bưng bê rửa chén bát cho các tiệm cơm. Sự hiền lành, chịu khó và có phần đẹp trai của Thảo "xẹo" đã làm một cô gái ưng bụng. Người đó là Hoàng Thị Huệ - mẹ của ba đứa con ông bây giờ. Rồi ông lại quay về với biển...

Thảo xẹo đi biển - Ảnh 2.

Chi chít vết sẹo, lở loét trên người do bỏng nước sôi của ông Thảo trong lúc nấu cơm trên tàu cá - Ảnh: B.D.

Trời lấy đôi chân nhưng cho nghị lực kiên cường

Thảo "xẹo" cùng chủ tàu QNa-91417 Nguyễn Thanh Tùng ngồi trên chiếc tàu câu mực mà hai người đã lênh đênh nhiều năm qua. Ông Tùng nói dù không may mắn được bình thường nhưng ông Thảo là một ngư dân đặc biệt, một người thợ giỏi và thủ lĩnh của con tàu 48 lao động.

Để tồn tại được với biển, ông Thảo kể rằng ông đã phải nỗ lực bằng ba, bốn lần người bình thường. Năm 28 tuổi, khi sinh đứa con đầu, người vợ rủ ông quay về lại làng biển. 

Bà vào xưởng may, ông "xển" (lê lết) quanh làng tìm việc. Lúc thì bổ củi thuê, lúc thì trầm mình giữa bùn để đắp đìa tôm. Thấy sự cơ cực của ông, một chủ tàu đã "đánh liều" mời Thảo lên tàu phụ việc.

"Chủ tàu đầu tiên tui đi là ông Huỳnh Văn Liễu, tới giờ dù nghỉ việc ở tàu cũ rồi nhưng đó là người làm tui cảm động nhất vì ổng dám thuê một người tật như tui lên tàu, cho đi biển", ông Thảo nói. 

Chuyến ra biển đầu đời của ông trên con tàu lưới vây của ngư dân Huỳnh Văn Liễu, ông Thảo được giao việc lo cơm nước cho anh em. Hôm thấy ông "xển" ra bến tàu, nhiều người tưởng ông đi "hóng". 

Nhưng lúc ông bò qua mấy con tàu gỗ để trườn tới vị trí neo của tàu ông Liễu và tới khi con tàu hú còi, rút neo rời bến thì họ mới tin là Thảo "xẹo" ra biển thật.

"Ra khơi, biển hung tợn vô cùng. Tui tập nấu cơm trong đất liền cả tháng trời cho quen, nhưng khi tàu ra được vài chục hải lý thì sóng to như mái nhà bổ ập vào tàu. 

Đoàn người trên boong trút qua trút về, tui bò xuống khoang nấu cơm nhưng lửa vừa lên được 5 phút thì vụt tắt do gió lớn, cố dìu lửa cho cơm sôi thì cả nồi cơm nghi ngút khói lật ngửa đổ vào người làm tui bỏng nặng. 

Toàn thân lở loét, ê nhức đau buốt, gặp nước muối đau như lấy dao xén vào mà không dám kêu than", ông Thảo kể lại chuyến đi biển đầu đời.

Chuyến làm ngư dân đầu tiên của ông bầm dập, nhưng bù lại ông được anh em và chủ tàu đặc biệt yêu quý. Ai cũng bất ngờ bởi sự cố gắng phi thường của Thảo "xẹo". Những lần đi kế tiếp, ông luôn có mặt trong đoàn.

Ông Thảo kể rằng càng đi biển nhiều ông càng thấy mình trưởng thành. Làm được cho tàu ông Liễu mấy năm, Thảo đổi qua tàu khác. Cách nhau khá xa tuổi nhưng Thảo "xẹo" và chủ tàu Nguyễn Thanh Tùng như anh em ruột thịt. 

Ông Tùng một đời đi biển, cũng vất vả như Thảo. Thấy Thảo "xẹo" cố gắng, Tùng thương lắm. Năm 2020, nhân một chủ tàu trong vùng bán con tàu cũ 800CV, Tùng dồn tiền mua. Việc đầu tiên của ông là gọi ông Thảo đi bạn. 

"Lúc mua tàu, tui chạy qua hỏi ông Thảo là ông có đi với tui không, ông Thảo nẩy người bảo "đi với ai chứ với mi mắc chi ta không đi. Đi không công ta cũng đi". Thế là đôi bạn cùng tiến ra biển từ đó tới nay.

Ông Tùng nói rằng ông Thảo rất mạnh mẽ. Ban đầu lên tàu, ông nấu ăn cho anh em bạn nghề. Cả tàu gần 50 người, chưa kể mấy thanh niên đi học việc cũng đi cùng, nhưng một tay ông Thảo lo hết từ nấu cơm, nấu nước sôi, quét dọn trên tàu... 

Tuy nhiên, ông Thảo gần như không tự bước được, mỗi lúc lên bờ hay xuống tàu đều phải có anh em theo cõng. 

Trên boong tàu, ông lết từng khúc trên đôi tay. Những lúc sóng lớn, ông Thảo bị hất văng rồi lăn qua lăn lại trên boong như một chú chim cánh cụt. Vậy mà chưa một lần nào anh em thợ phải trễ cơm, chưa một lần ăn cơm sống...

Thảo xẹo đi biển - Ảnh 3.

Ông Thảo lo cơm nước cho anh em làm nghề trên tàu QNa-91739 - Ảnh: B.D.

Cần thủ tài ba

Dù công việc chính là "anh nuôi" trên mỗi chuyến ra khơi cho các tàu nhưng Thảo "xẹo" vẫn là một ngư dân đúng nghĩa.

Những lúc rảnh rỗi, ông là cần thủ câu mực kỳ tài và "trợ lý" thúng chai cho anh em thợ trên tàu. Những lúc toàn đoàn tàu tập trung thu hoạch cá, ông Thảo "xển" quanh khoang tàu nhanh thoăn thoắt để xếp cá vào khoang, thu lưới về tàu...

Từ cõi chết trở về

Cuối năm 2017, chúng tôi gặp Thảo "xẹo" khi trở về đất liền trên lưng một ngư dân trong chuyến tàu định mệnh.

Tàu cá QNa-91739 của ngư dân Lương Tấn Sỹ (43 tuổi, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm chủ có 36 ngư dân trên tàu trong lúc cố cập đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) tránh bão thì bất ngờ gặp nạn khiến hai người mãi nằm lại dưới sóng nước.

Ông Thảo may mắn bị thương nhẹ, được đưa lên tàu cảnh sát biển để trở về đất liền. Sau chuyến đi đó, ông vẫn tiếp tục ra biển như chưa hề trải qua nguy biến.

Xuyên Việt cùng Xuyên Việt cùng 'giáo sư quần đùi'

TTO - Sau 38 ngày đạp xe từ Lũng Cú, 2.800km đường dài, 35.000m độ cao, "giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành tiếp tục guồng đạp vào chặng cuối thư giãn với hơn 500km trên Đồng bằng sông Cửu Long để đến điểm cuối là mũi Cà Mau...

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp