Tiểu thương "hết hồn" khi tỏi, gừng, hạt bí bổng dưng bị quản lý như dược liệu. Ảnh chụp tại chợ Trần Hữu Trang, TP.HCM - Ảnh: N.C.T
Một ngày sau thông tin trên Tuổi Trẻ về việc Bộ Y tế đưa gừng, đậu, rau thơm và nhiều mặt hàng nông sản khác vào danh mục dược liệu, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, hôm nay (31-12) Bộ Y tế đã có cuộc họp với các bộ liên quan, thay vì sẽ họp vào tuần tới, để tháo gỡ như thông báo trước đó.
Bộ Y tế cũng đồng thời có công văn gửi Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan, cho biết đồng thuận với đề nghị của Bộ Tài chính, các nông sản "giáp ranh" vừa làm thực phẩm, vừa làm dược liệu thì áp dụng quy định tùy theo mục đích sử dụng của đơn vị nhập khẩu.
Theo đó, có 177 dược liệu được Bộ Y tế cho là thường được sử dụng làm thực phẩm thông thường sẽ được áp dụng theo quy định mới này.
177 "dược liệu" này có rất nhiều sản phẩm đặc biệt quen thuộc với người dân, thường được dùng làm thực phẩm, như đậu ván trắng, cà gai leo, bạc hà, đậu xanh, diếp cá, gừng, gấc, hạt vừng đen, hạt bí ngô, hạt tiêu, húng quế, hương nhu, sắn dây, kinh giới, lá lốt, lá xoài, hạt sen, hạt cải củ, long nhãn, mạch nha, nhân trần, nghệ, ngải cứu…
Theo quy định hiện hành, các sản phẩm này áp dụng quy định như với dược liệu. Với công văn vừa được soạn thảo hôm nay 31-12, sản phẩm xếp vào nhóm nào tùy theo mục đích nhập khẩu. Nếu nhập khẩu làm thực phẩm thì áp dụng quy định của nhập thực phẩm, nếu nhập làm dược liệu thì áp dụng quy định của nhập dược liệu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết thông tư 48 của Bộ Y tế (trong đó có việc đưa 177 nông sản này vào danh mục dược liệu với quy định nhập khẩu, mua bán chặt chẽ hơn) đã ban hành từ cuối 2018 nhưng các trục trặc mới nảy sinh gần đây!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận