Công trình bậc thang lên núi Huyền Vũ dài 1km, được xây dựng trái phép từ giữa năm 2017 nhưng không được ngăn chặn - Ảnh: báo Văn Hóa
Sáng 6-3, ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, có cuộc trao đổi với báo chí về thông tin có công trình xây dựng trái phép trong di sản thế giới Tràng An.
Tháo dỡ công trình trái phép
Ông Phúc nhắc lại quần thể di tích danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới.
"Nhưng đáng tiếc sai phạm hết sức nghiêm trọng đã xảy ra từ giữa năm 2017, khi Công ty du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc đã tự ý xây dựng công trình có cổng và đường lên núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) với chiều dài hơn 1km và hơn 2.000 bậc lên xuống", ông Phúc nói.
Đoàn công tác của bộ gồm thanh tra và Cục Di sản văn hóa đã về kiểm tra công trình này. Ông Phúc khẳng định: "Đây là công trình xây dựng không có hồ sơ, không được cơ quan thẩm quyền cho phép xây dựng. Công ty Tràng An tự ý xây dựng công trình này trong thời gian hơn 6 tháng, đến nay đã hoàn thành".
"Căn cứ vào các văn bản pháp luật và các tài liệu, chúng tôi khẳng định công trình xây dựng đường lên núi Cái Hạ xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trong điều 13 Luật di sản.
Chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình khẩn trương báo cáo tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép này, trả lại nguyên trạng mặt bằng của di tích.
Đây là vùng lõi của di sản thế giới, phải được quản lý nghiêm ngặt theo Luật di sản và quy định của UNESCO.
Địa phương hứa sẽ tổ chức cuộc họp và khắc phục sớm nhất hậu quả của sự việc này", ông Phúc nêu rõ ý kiến của đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty du lịch Tràng An như sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên; đón khách du lịch và sử dụng xuồng đò với đội ngũ lái đò chưa được đào tạo, tập huấn; tự ý phát hành vé và thu của khách tham quan 45.000 đồng/người mà chưa được sự cho phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành, nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền tới khách du lịch về hoạt động du lịch ở đây nhưng nội dung chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép; đăng các bảng biển có nội dung giới thiệu về lịch sử ở đây nhưng chưa được thẩm định về nội dung...
"Chúng tôi đề nghị huyện Hoa Lư và Sở Du lịch Ninh Bình đình chỉ ngay lập tức toàn bộ hoạt động của Công ty du lịch Tràng An", ông Phúc cho biết.
Đoàn kiểm tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch kiểm tra công trình xâm phạm vùng lõi di sản thế giới Tràng An ngày 5-3 - Ảnh: báo Văn Hóa
Chính quyền làm ngơ hay bất lực?
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết ngay từ đầu khi phát hiện việc xây dựng này, Ban quản lý danh thắng Tràng An đã lập biên bản báo cáo với lãnh đạo Sở du lịch Ninh Bình.
Sở có văn bản gửi huyện Hoa Lư đề nghị chỉ đạo dừng thi công và thu dọn các nguyên vật liệu tập kết để trả lại nguyên trạng cho di tích.
Từ tháng 8-2017, xã Trường Yên có 5 văn bản gửi đến Công ty du lịch Tràng An nêu rõ đây là công trình xây dựng trái phép và yêu cầu đơn vị dừng thi công, trả lại mặt bằng cho di tích.
Nhưng công ty này phớt lờ, tiếp tục thi công, đến cuối năm 2017 thì hoàn thành công trình.
Trả lời câu hỏi của báo chí, nếu tháo dỡ công trình đồ sộ như vậy có ảnh hưởng đến vùng lõi của di sản thế giới, ông Phúc thừa nhận quá trình xây dựng công trình này phải khoan đá, đổ bêtông... có ảnh hưởng đến di sản. Bây giờ tháo dỡ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tại buổi làm việc, huyện Hoa Lư đã nhận trách nhiệm quản lý khi để công trình xây dựng trái phép lớn như vậy được thực hiện đến khi hoàn thành.
Thậm chí, Sở Du lịch liên tiếp gửi 4 công văn đề nghị huyện Hoa Lư báo cáo sự việc và giải quyết mà vẫn không nhận được phúc đáp.
"Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của di sản Tràng An nên trách nhiệm chính và trên hết là của huyện Hoa Lư", ông Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận