Trước ngày 15/9 là thời điểm gia hạn lần thứ 2 cho các hộ dân tháo dỡ các điểm nuôi hàu gây ô nhiễm môi trường trên đầm Lập An - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thay cho thời điểm đề ra trước đó là 15/8. Nếu đến thời hạn này, các hộ không chấp hành, UBND thị trấn Lăng Cô sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ các cọc nuôi hàu trên đầm Lập An.
Phương án tháo dỡ, hỗ trợ các hộ dân sắp xếp lại cọc nuôi hàu trên đầm Lập An có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, do UBND huyện Phú Lộc cấp. Việc tháo dỡ cây cọc được tiến hành tại những khu vực nằm ngoài diện tích khoanh vùng nuôi hàu, cụ thể tại các vùng từ mũi Rạng Đình đến mũi Cửa Khẩu, vịnh Loan Lý, An Cư Tân, An Cư Đông, mũi Chùa, mũi Tháp, An Cư Tây.
Chính quyền địa phương sẽ tổ chức sắp xếp lại nghề nuôi hàu theo phân vùng đã được quy định với diện tích nuôi khoảng 100ha, chia ra 5 vùng, từ mũi Rạng Đình đến cầu Hói Dừa. Vùng nuôi được bố trí tại nơi có mực nước sâu 2m, cách bờ 50m và phát triển ra khơi tối đa không quá 200m, mỗi cụm có diện tích từ 200 đến 400m2 và cụm cách cụm tối thiểu từ 15 đến 20m; trong vùng nuôi phải để luồng lạch đi lại cho tàu thuyền ra vào bờ tối thiểu từ 50m trở lên.
Tuyệt đối không nuôi hàu tại các vùng có khe suối nước ngọt, nước thải nhà máy chưa qua xử lý và các vùng nuôi có năng suất thấp.
Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, ở đây có đầm Lập An rộng 1.600ha nép mình bên dãy Trường Sơn kéo dài ra tận biển, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đầm Lập An vì thế cũng là nơi giúp cho nhiều người dân trong vùng ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề nuôi hàu.
Ban đầu, người dân nơi đây chỉ cắm cọc tre, cọc gỗ xuống đầm để hàu đeo bám, sinh sôi. Có gia đình cắm 500 cọc tre ở đầm là thu được bình quân khoảng 4 tấn hàu/năm, mang lại nguồn lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng trong khi chi phí bỏ ra không đáng kể. Từ hiệu quả đó, bà con trong vùng đều chiếm dụng mặt nước trên đầm Lập An để nuôi hàu song tất cả đều theo lối mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch rõ ràng và quản lý từ chính quyền địa phương.
Điều đáng nói là trong vài năm trở lại đây, người dân tự nghĩ ra cách sử dụng lốp xe cao su phế thải để nuôi hàu. Cao su hàu không ăn được, lại ít hư hỏng hoặc bị bào mòn trong môi trường nước nên nhiều người đều dùng lốp xe cũ để nuôi hàu (thay cho cọc tre, cọc gỗ vì khi cắm xuống nước mau hư, không giữ được lâu).
Thống kê đến thời điểm này, trên đầm Lập An có 244 hộ sử dụng hơn 1.007.150 lốp xe cũ để nuôi hàu lốp; trong khi nuôi theo kiểu truyền thống (ít ảnh hưởng đến môi trường) chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ còn 142.440 cọc tre, gỗ. Chính việc sử dụng lốp xe cũ tràn lan là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, làm cho hàu nuôi có lúc chết hàng loạt, sản lượng hàu nuôi trên đầm Lập An vì thế đã giảm hơn 50% so với trước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận