Ông Vũ Thành Tự Anh, đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày tóm tắt các nội dung quan trọng nhất trong báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 1-8, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo, TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết tác động của đại dịch đối với Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
Đây là vùng duy nhất có tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2021. Tính tới năm 2019, lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng gấp rưỡi dịch vụ, gấp 3 lần nông nghiệp, nhưng sau đó tụt hẳn.
Cơ cấu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long không thay đổi gì trong 3 năm qua ở 3 lĩnh vực này cho thấy dịch COVID-19 đã chặn đứng cơ cấu kinh tế của vùng.
Ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI - cũng cho biết báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu (âm -0,43% năm 2021), thấp nhất trong lịch sử phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều khuyến nghị để tháo gỡ "mắt xích" nhằm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhóm đề xuất thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Theo đó, an ninh lương thực là khả năng tiếp cận với lương thực, khả năng tạo ra dinh dưỡng cho người sử dụng, khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong điều kiện cần thiết "chứ không phải có lúa, có gạo là có an ninh lương thực".
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Chỉ khi nào làm được điều này thì chi phí vận tải, logistics và sự kết nối của vùng mới phát huy tốt nhất.
Tăng cường đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển vùng này. Trong ảnh: cầu Mỹ Thuận 2 đang được khẩn trương xây dựng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực. Các tỉnh phải tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn chuẩn bị cho nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Cuối cùng là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường.
"Đây là những mắt xích cực kỳ quan trọng. Vùng muốn phát triển thì không thể không có nhà đầu tư, không có doanh nghiệp. Giải quyết được mấy vấn đề này thì nhà đầu tư sẽ tới", ông Vũ Thành Tự Anh khẳng định.
Chênh lệch mức sống, cơ hội việc làm còn thì di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tiếp diễn
Ông Trần Việt Trường, chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là vùng duy nhất cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động trong tất cả các năm thuộc giai đoạn 2017-2021.
"Chênh lệch lớn về mức sống và cơ hội việc làm 2 vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn còn tồn tại thì làn sóng di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn.
Đây là thách thức đặt ra mà chúng ta cần giải quyết. Tình trạng di cư kéo dài thời gian qua phần lớn là do thiếu việc làm, mà việc làm xuất phát từ phát triển doanh nghiệp và các dự án đầu tư cũng như quá trình đô thị hóa.
Chính phủ đã quan tâm đầu tư lớn cho phát triển giao thông của vùng. TP Cần Thơ và các địa phương cần tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, hạn chế lao động dịch chuyển khỏi Đồng bằng sông Cửu Long", ông Trường bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận