PGS.TS Trương Thị Hiền phát biểu tại sự kiện - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hội đồng khoa học chưa thực sự là "đầu mối"
Tại đây, PGS.TS Trương Thị Hiền - ủy viên Hội đồng khoa học TP.HCM - nhìn nhận Hội đồng khoa học TP.HCM chưa thực sự là "đầu mối" của TP. Nhiều thông tin, văn bản của TP, các thành viên của hội đồng vẫn khó tiếp cận. Nhiều buổi nghe báo cáo của TP, các thành viên chưa được tham dự nên không có thông tin.
Theo PGS.TS Trương Thị Hiền, đây cũng là "tâm tư" của nhiều chuyên gia trong Hội đồng khoa học TP.HCM. Bà cho biết nhiều thành viên khá "áy náy" vì đi "tác chiến" nhiều nơi, tham gia một số dự án, góp ý cho những đơn vị cần chuyên gia, nhưng đến nay gần như không làm gì cho Hội đồng khoa học.
"Trong Hội đồng khoa học chúng tôi thường nói với nhau rằng mỗi tháng mình cũng được trợ cấp rất nhiều nhưng chúng tôi chưa làm được gì cho TP hết", bà Hiền nói.
TS Lê Thái Hỷ phát biểu trong buổi gặp mặt chiều 4-1 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tương tự, TS Lê Thái Hỷ - ủy viên thư ký Hội đồng khoa học TP.HCM - cho rằng một trong những hỗ trợ quan trọng mà TP có thể đem tới cho các hiệp hội khoa học công nghệ tại TP là thông tin và dữ liệu. Ông nhấn mạnh nếu không có thông tin và cơ sở dữ liệu, các nhà khoa học không thể "làm khoa học đúng nghĩa".
Theo ông Hỷ, TP đang có hệ thống quản lý văn bản thì có thể cân nhắc trích tạo lập một cổng thông tin gồm các quy định pháp luật, các văn bản cho những nhà khoa học dễ tiếp cận, không phải "xin - cho". Nhiều thành viên Hội đồng khoa học TP.HCM hiện phải tận dụng các mối quan hệ khi còn làm việc trong các sở ngành để đề nghị được cung cấp một số văn bản cần thiết.
PGS.TS Đặng Văn Phan tại buổi làm việc chiều 4-1 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
PGS.TS Đặng Văn Phan - ủy viên Hội đồng khoa học TP.HCM - cho rằng các thành viên Hội đồng khoa học TP.HCM cần chủ động đóng góp cho TP, không đợi phải "đặt hàng". Tuy nhiên, nếu không có thông tin, không có tài liệu thì các thành viên sẽ không thể đóng góp được gì.
Ông kiến nghị các thành viên Hội đồng khoa học TP.HCM có thể được tham gia "nghe" nhiều hơn vào một số hoạt động thảo luận của TP, qua đó nắm bắt vấn đề và góp ý.
TP.HCM mong nhận được những "bài toán lớn"
Phát biểu tại buổi gặp mặt chiều 4-1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự trân trọng với các chuyên gia, nhà khoa học luôn quan tâm, trăn trở cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên theo ông Mãi, cũng phải thừa nhận rằng tiềm lực đóng góp của các chuyên gia còn rất lớn nhưng hiện chưa được phát huy hết.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng sẽ không có nhà khoa học nào có thể hoạt động mà không có thông tin, dữ liệu. Hiện tại, TP.HCM đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho TP.
Tuy nhiên trước mắt trong khi chờ, để đáp ứng cho nhu cầu thông tin, ông Mãi giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ cử người nắm lại những dữ liệu, văn bản mà các chuyên gia cần, đồng thời UBND TP sẽ quy định và yêu cầu các cơ quan cung cấp theo yêu cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chiều 4-1 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết rất mong nhận được đề xuất các bài toán lớn từ chính những chuyên gia trong liên hiệp. Đặc biệt ở Hội đồng khoa học TP.HCM, vai trò "đặt" sẽ quan trọng hơn phần "nhận" đầu bài. Ông Mãi kỳ vọng trong năm 2023, các chuyên gia trong Hội đồng khoa học TP.HCM sẽ cùng TP tư duy để đặt ra được những "bài toán lớn" để TP cùng giải.
Ở chiều ngược lại, UBND TP.HCM cũng sẽ đặt ra những đề bài cho các chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tham gia giải quyết.
Ngay trong buổi làm việc chiều 4-1, ông Phan Văn Mãi nêu ra một số "đặt hàng" cho các chuyên gia, nhà khoa học có thể góp ý, bao gồm chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam Bộ; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP; chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ; thu hút nhân tài…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận