Cảng Quy Nhơn luôn nhộn nhịp tàu hàng ra vào - Ảnh: Trần Hoa Khá |
Ngày 11-4, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (thuộc Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, đóng tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Trong quá trình thanh tra, nếu có nội dung liên quan, đoàn thanh tra có thể kiểm tra để làm rõ.
Thanh tra việc cổ phần hóa
Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên do ông Lê Quang Tiệp - phó vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ - làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định.
Đến dự buổi công bố quyết định thanh tra, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Bộ GTVT, đã chỉ đạo Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các cục, vụ có liên quan tới hoạt động thanh tra phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ tài liệu cho đoàn thanh tra theo quy định.
Trước đó, tại thông báo kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Kiểm tra trung ương diễn ra từ ngày 15 đến 17-2, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Bán hết vốn nhà nước
Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn được khởi động vào tháng 3-2013. Theo đề án tái cơ cấu Vinalines được Thủ tướng phê duyệt, khi cổ phần hóa Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, được sự đồng ý của Thủ tướng, Vinalines đã thoái toàn bộ vốn nhà nước ở cảng này.
Việc cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn hoàn thành vào tháng 9-2014, khi đó nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội) nắm giữ 86,23%.
Trong khi cảng Quy Nhơn đang khởi động việc cổ phần hóa theo đề án Vinalines giữ 75% vốn điều lệ, ngày 4-4-2013, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho cổ phần hóa cảng này theo hướng Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ.
Tiếp đó, tại cuộc làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT ngày 1-1-2014 và trong văn bản ngày 25-2-2014 gởi bộ trưởng Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định lại đề nghị bộ kiến nghị Thủ tướng cho thoái hết 49% vốn nhà nước nắm giữ tại cảng cho nhà đầu tư chiến lược trong năm 2014.
Tiếp nữa, ngày 13-7-2015, ông Nguyễn Văn Thiện - khi đó là bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ký văn bản thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy gửi lãnh đạo bộ đề nghị đẩy nhanh tiến độ thoái hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Do “sốt ruột vì cái chung”?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Lộc - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - xác nhận ông đã ký hai văn bản của UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
“Tháng 4-2013, anh Thiện (bí thư Tỉnh ủy) trao đổi với tôi là cần có vốn để đầu tư vào cảng Quy Nhơn chớ chờ vốn nhà nước rất khó.
Dù cảng thuộc Bộ GTVT, nhưng tỉnh nên đề nghị cổ phần hóa cảng. Anh Thiện chỉ đạo tôi như vậy nên tôi mới có văn bản ngày 4-4-2013 xin chủ trương để đề nghị cổ phần hóa cảng Quy Nhơn với mức 49% nhà nước, còn 51% cổ phần”.
Trả lời câu hỏi tại sao cảng không thuộc tài sản của tỉnh nhưng Bình Định liên tục có các văn bản đề nghị bán cổ phần nhà nước, còn nêu ra các tỉ lệ cụ thể, rõ ràng, ông Lộc trả lời: “Cái đó là anh Thiện có ý kiến rồi tôi làm. Ảnh nói ảnh đã làm việc với Cục Hàng hải, Bộ GTVT, thống nhất tỉ lệ như thế.
Anh Thiện nói tôi ký các văn bản với những nội dung như vậy để sớm cổ phần hóa, sớm có vốn thì sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược mua, qua đó mới có tiền đầu tư cho cảng Quy Nhơn.
Lúc đó tôi sắp nghỉ hưu và cũng nghĩ đơn giản là cổ phần hóa thì tốt cho cảng nên mới ký các văn bản đề xuất trên”.
Còn ông Nguyễn Văn Thiện trả lời Tuổi Trẻ: “Cổ phần hóa cảng Quy Nhơn là của Bộ GTVT làm. Công văn thì nói thực là mình ký theo chủ trương của trên thôi.
Thứ hai là bức xúc vì cảng Quy Nhơn khi đó chẳng ai đầu tư hết, trong khi cảng quá tải gần 3 triệu tấn, giờ cao điểm thì hàng trăm chiếc xe tải ùn ứ kéo dài, dân Quy Nhơn phải chịu”.
Ông Thiện nói thêm: “Tụi tôi cũng vì cái chung của Bình Định. Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn tỉnh không tham gia gì cả. Tỉnh chỉ đề nghị vì bức xúc việc cảng quá tải. Mình nóng ruột, bức xúc thì ký thôi”.
Cảng Quy Nhơn - Ảnh: Trần Hoa Khá |
Không chấp nhận bán tài nguyên quốc gia
Theo một ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương mới đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định giải trình, khẳng định các văn bản mà ông Lộc và ông Thiện ký gửi Bộ GTVT đề nghị đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn chỉ là trao đổi của UBND tỉnh và cá nhân ông Thiện, không phải của tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Ông Phan Văn Năm (89 tuổi, nguyên bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cho biết ông và nhiều cán bộ, nhân dân ở tỉnh Bình Định không đồng tình với việc bán hết vốn nhà nước ở cảng Quy Nhơn. Ông Năm đã có thư phản ánh lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ về vấn đề này.
Ông Năm nói: “Nếu lãnh đạo tỉnh nói sốt ruột vì không có vốn nâng cấp cảng mà đề nghị cổ phần hóa thì sao phải làm đến ba cái đơn nêu rõ tỉ lệ cổ phần hóa?
Cho nên, tôi đề nghị thanh tra cần làm rõ động cơ nào đề xuất và đồng ý cho cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn, cơ sở nào để định giá cảng 404 tỉ đồng, có lợi ích nhóm ở đây hay không”.
Ông Tô Tử Thanh - bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996-2001 - nói: “Cảng Quy Nhơn có tầm chiến lược về quốc phòng, an ninh và kinh tế. Cảng không chỉ là cửa ngõ ra Biển Đông, mà còn kết nối với Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Cảng gắn liền với đất, với nước, địa chất, địa hình, là tài nguyên quốc gia, không thể cổ phần hóa. Thế nhưng giờ đây cảng đã bị cổ phần hóa 100%, thực tế là bị tư nhân hóa, biến tài sản của nước, của dân thành tài sản tư nhân.
Tôi cho rằng đây là việc làm trái chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước”.
Ông Thanh đề nghị nên xem xét lại việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn sau thanh tra, tốt nhất là Nhà nước phải nắm giữ 75% cổ phần ở cảng này.
Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn * Ngày 4-2-2013: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) giai đoạn 2012-2015, trong đó nêu Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn thực hiện cổ phần hóa Nhà nước phải nắm giữ 75% vốn điều lệ. * Từ giữa tháng 3-2013: Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn được tiến hành. Công ty CP Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ hơn 404 tỉ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%, nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45%, cổ đông đại chúng chiếm 7,54%, còn lại là cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên và công đoàn công ty. * Ngày 27-5-2013: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. * Năm 2014: Vinalines thoái thêm một phần cổ phiếu nhà nước nắm giữ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội), để tỉ lệ cổ phiếu nhà nước giảm từ 75% xuống còn 49%, còn tỉ lệ của Công ty Hợp Thành nâng lên mức 37,23% vốn điều lệ. * Ngày 8-9-2014: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho bán hết phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước. * Ngày 8-9-2015: Vinalines báo cáo đã thoái toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành, doanh nghiệp này tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại cảng trên lên 86,23% vốn điều lệ. |
Tài sản của cảng Quy Nhơn trước cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng có 6 cầu tàu tổng chiều dài 824m, có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 tấn ra vào bình thường và tàu 50.000 tấn (giảm tải). Cảng có hệ thống 20.960m2 kho, 201.000m2 bãi, 48.000m2 bãi chứa container, 12.000m3 bồn chứa. Phương tiện, thiết bị có 2 cần cẩu bờ di động, 1 xe cẩu 100 tấn, 5 tàu lai và 154 phương tiện gồm xe cẩu, xe nâng container, đầu kéo sơmi rơmoóc, xe tải... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận