17/06/2020 09:09 GMT+7

Thanh toán không tiền mặt xuống chợ, cây xăng

ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH
ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH

TTO - Vốn quen với “tiền trao cháo múc”, nhưng các tiểu thương chợ truyền thống giờ đây đã bắt đầu làm quen và tỏ ra hào hứng với việc cà thẻ, quét mã QR để thanh toán không tiền mặt.

Thanh toán không tiền mặt xuống chợ, cây xăng - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hồng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt ở quầy thu ngân tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Dán nhãn "Thanh toán không tiền mặt" không chỉ giúp người mua hàng nhận diện các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, mà còn là sự cam kết của nhà bán lẻ, tiểu thương với hình thức thanh toán văn minh này.

Cà thẻ để khỏi đau đầu tiền lẻ

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày không tiền mặt, chiều 16-6, Phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ, Vụ trưởng Vụ thanh toán NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ truyền thông NH Nhà nước Lê Thị Thúy Sen, phó chủ tịch UBND Q.5 Trương Minh Kiều, lãnh đạo các NH như Sacombank, đại diện tổ chức thẻ Visa, Napas, Saigon Co.op, VECOM đã tham gia dán dấu hiệu "Thanh toán không dùng tiền mặt" tại siêu thị Co.op Mart, chợ An Đông, cây xăng SFC.

Tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, bà Anh Đào, khách hàng siêu thị này, đã dùng thẻ ATM để thanh toán cho đơn hàng 2 ổ bánh mì mua vội ở đây.

"Trước đây sử dụng tiền mặt, với những món hàng lẻ như vậy, nhân viên thường thối lại bằng kẹo hoặc bỏ qua luôn. Xài thẻ, cà đúng số tiền, chẳng phải băn khoăn gì" - bà Anh Đào chia sẻ với Tuổi Trẻ. Theo bà Đào, từ ngày xài thẻ bà không còn muốn quay lại với tiền mặt vì không muốn đau đầu khi bị tính nhầm, tính thiếu...

Chia sẻ tại điểm dán nhãn, ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết tăng trưởng thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong một năm gần đây. Từ mức 3-5% của năm ngoái, hiện doanh số đến từ thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần.

Theo kế hoạch đặt ra trước đó, trong 5 năm, Saigon Co.op sẽ tăng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tại hệ thống lên 30%.

Không ngại phí

Tại chợ An Đông, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng sau khi dán biểu tượng đã bày tỏ mong muốn từ nay thanh toán không tiền mặt tại chợ ngày càng phổ biến hơn nữa. Qua đó tiểu thương cũng được lợi khi không phải lo tiền giả, tiền rách; tiền bán hàng đi thẳng vào tài khoản. Người bán hàng cũng không mất công kiểm đếm.

Bà Đào Thị Xuân Mai - chủ sạp Trúc Phương, chuyên bán các mặt hàng khô tại Trung tâm thương mại An Đông (Q.5) - cho hay: "Nhiều khách hàng không mang theo tiền mặt, họ phải đến NH để chuyển khoản, hoặc khách hàng phải ra ATM rút tiền mặt, rất bất tiện. Nhiều khách không chịu ra NH, mình mất khách. Do vậy khi ban quản lý chợ phổ biến về việc lắp máy POS và quét mã QR, tôi đồng ý ngay".

Cũng theo bà Mai, dù 16-6 là ngày đầu tiên lắp máy nhưng đã có đến một nửa khách hàng chọn thanh toán cà thẻ hoặc quét mã vì vừa tiện vừa được hưởng khuyến mãi của NH.

Ông Nguyễn Đăng Thanh - chủ sạp vải tại Trung tâm thương mại An Đông - cho biết nhiều khách hàng đã biết đến thanh toán thẻ và chuyển khoản, do vậy ông quyết định lắp máy POS để thuận tiện cho người dùng. "Tôi không e ngại phí, miễn sao thuận tiện cho khách hàng khi thanh toán" - ông Thanh nói.

Nhân rộng không tiền mặt tại chợ, cây xăng

Bà Trương Minh Kiều cho biết hưởng ứng Ngày không tiền mặt 16-6, UBND Q.5 đã chọn chợ An Đông là điểm đầu tiên để triển khai lắp các máy POS. Theo bà Kiều, các tiểu thương rất hưởng ứng. Những điểm đầu tiên này sẽ là tiền đề để phát triển thanh toán không tiền mặt tại các chợ khác trên địa bàn quận.

Ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho biết đến nay Sacombank đã phối hợp với Visa và Nextpay cùng sự hỗ trợ của Phòng kinh tế và UBND Q.5 lắp 30 máy POS để thanh toán cà thẻ, quét mã QR chuẩn EMV tại chợ An Đông và sắp tới sẽ nhân rộng thanh toán không tiền mặt tại các chợ khác trên địa bàn Q.5.

Sau siêu thị Co.op Mart, chợ An Đông, bà Nguyễn Thị Hồng đã dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt tại cây xăng của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) ở Q.3 để người tiêu dùng nhận diện.

Ghé vào đổ xăng, anh Phạm Hoàng Vũ (Q.3) đã cà thẻ thanh toán tiền đổ xăng bằng máy POS. "Tôi thấy phương thức thanh toán này tiện lợi, hiện đại. Tuy nhiên, tôi mong muốn NH và các công ty thanh toán cải tiến sao cho thao tác thanh toán càng ngày càng nhanh hơn nữa. Vì vào giờ cao điểm khách hàng ghé đổ xăng rất đông, nếu thao tác lâu nhiều người sẽ có tâm lý trả tiền mặt cho nhanh" - anh Vũ kiến nghị.

Chứng kiến thanh toán không tiền mặt tại cây xăng này, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã tỏ ra bất ngờ khi chỉ trong một thời gian ngắn, hiệu ứng của Ngày không tiền mặt đã lan tỏa và làm thay đổi hành vi của người dùng. So với năm ngoái, thanh toán không dùng tiền mặt đã thay đổi chóng mặt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan - quản lý cây xăng của SFC - cho biết hiện tỉ lệ cà thẻ thanh toán tại cây xăng này khoảng 30%, chủ yếu là doanh nghiệp và người đi ôtô. "Chúng tôi được rất nhiều lợi ích từ việc thanh toán này, như an toàn hơn, nhân viên không phải cầm sẵn cả cọc tiền để thối dẫn đến nhiều rủi ro, không lo tiền rách, tiền giả. Khi làm báo cáo cuối ngày rất nhanh vì không phải kiểm đếm tiền. Chúng tôi sẽ khuyến khích khách hàng bằng cách có phần quà vào cuối năm để tặng cho khách hàng" - bà Loan nói.

Đăng ký nhận máy POS miễn phí

Là một trong số nhiều tiểu thương vừa đăng ký nhận máy POS từ chương trình "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt 2020" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức, anh Trần Huy Cường (Q.Phú Nhuận) cho biết nhu cầu khách hàng cà thẻ vẫn chiếm đại đa số, các ngành dịch vụ phải thay đổi để đáp ứng thói quen tiêu dùng của khách. "Bản thân tôi cũng hầu như ít xài tiền mặt khi dùng thẻ, xài đến 3 ví điện tử gồm MoMo, Moca và Airpay" - anh Cường nói.

Ngày không tiền mặt 2020 có gói tặng 100 máy POS dành cho 100 tiểu thương đầu tiên đăng ký chương trình "Tiểu thương không tiền mặt", tương đương gói tài trợ khoảng 200 triệu đồng được triển khai trong suốt tháng 6-2020. Những tiểu thương từ sau số 100 đăng ký chương trình sẽ được mua ưu đãi giảm giá 50% thiết bị POS và tặng kèm một năm sử dụng Nextshop, một phần mềm quản lý kinh doanh. Ngoài ra, những tiểu thương đăng ký mua gói dịch vụ 3 năm của Nextshop sẽ được giảm giá 70%.

Nhiều tiểu thương hào hứng với ưu đãi từ VNPay

Bà Định Thị Nho - đại diện Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) - cho biết sau 2 ngày triển khai dịch vụ thanh toán VNPay (ngày 15 và 16-6) tại chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu (TP.HCM), đơn vị đã tư vấn cho hơn 150 tiểu thương và 15% trong số đó đã ký hợp đồng mua dịch vụ của VNPay.

Theo bà Nho, miễn phí về phí đăng ký, phí triển khai và phí trên mỗi lần giao dịch đang ở mức khá tốt - 0,88% trên giá trị giao dịch là những động lực khiến nhiều tiểu thương các chợ hưởng ứng trong đợt triển khai này. Ngoài ra, chương trình giảm 20% phí - tối đa 20.000 đồng/giao dịch/tiểu thương áp dụng đến hết tháng 7 và xem xét sẽ triển khai thêm.

"Sau khi ký hợp đồng, khoảng 1-2 ngày là tiểu thương có mã thanh toán để sử dụng. Với những ưu đãi hiện có và kéo dài, đơn vị kỳ vọng thời gian tới có khoảng 50% đối tượng tiểu thương được tư vấn sẽ ký hợp đồng với VNPay" - bà Nho nhận định.

N.Trí

Thanh toán không tiền mặt: Triển khai đến từng sạp chợ, quán vỉa hè Thanh toán không tiền mặt: Triển khai đến từng sạp chợ, quán vỉa hè

TTO - Bên cạnh việc phát triển các phương thức thanh toán mới, tiện lợi cho người tiêu dùng, việc mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp