Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: TTXVN.
Tại Phiên hiến kế về kinh tế số nằm trong chuỗi hội thảo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 2/5, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong dịch vụ thanh toán.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, quy tắc 3-1-0 hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu của khách hàng trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ.
Rào cản lớn nhất về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, theo đại diện NHNN là thói quen của người tiêu dùng. Nhiều khách hàng vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, dù rằng áp dụng công nghệ, những ứng dụng thanh toán, sẽ mang lại sự tiện lợi hơn rất nhiều. 'Nhiều người vẫn nạp thẻ điện thoại bằng thẻ cào, thanh toán mua hàng bằng tiền mặt, dù những hoạt động này chỉ cần thực hiện bằng vài lần click chuột', ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng. Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước. Vì vậy việc cải thiện lòng tin của khách hàng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong quy trình thanh toán thương mại điện tử.
Theo NHNN, trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỉ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
Một rào cản khác cho sự thay đổi, theo ông Phạm Tiến Dũng, là khoảng cách giữa nói và làm. Đơn cử như vấn đề sử dụng dữ liệu, rào cản đang nằm chủ yếu ở sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông,... cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những bộ, ngành để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan.
Thời gian tới, NHNN sẽ là bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox (khung pháp lý thử nghiệm). Nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là điều rất khó.
Theo thống kê của NHNN, số lượt thanh toán qua thiết bị di động đến hết quý II/2018 tăng 30% so với cùng kỳ 2017, còn số lượt giao dịch thanh toán qua Internet tăng 33%, qua ví điện tử tăng 21%. Những con số tăng vọt cho thấy người dùng Việt Nam nhạy bén với công nghệ khi giao dịch ngân hàng.
Hiện 94% ngân hàng Việt Nam đang trong bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ ngân hàng số cơ bản như Internet banking hay Mobile banking.
Thị trường ngân hàng số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Nhiều chuyên gia nhận định, các ngân hàng đang dần chuyển mình thành công ty công nghệ để phát triển hệ sinh thái số với công nghệ vượt trội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận