Philippines giữ vị trí số 1
Cho đến lúc này, Việt Nam chỉ còn 1 VĐV chưa tranh tài là Nguyễn Thị Hương tại môn canoeing. Dù là một trong những tài năng sáng giá của thể thao trong nước, nhưng cơ hội giành huy chương của cô ở Olympic 2024 dường như là không thể.
Như vậy, khả năng giành ít nhất 1 huy chương của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội năm có lẽ đã không còn. Kết quả này tương tự như kỳ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021).
Như vậy đã 8 năm kể từ khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về 1 HCV và 1 HCB tại Olympic 2016, đoàn thể thao Việt Nam liên tục chịu cảnh trắng tay.
Trong khi đó, các quốc gia có nền thể thao mạnh tại Đông Nam Á đến lúc này đều đã có huy chương tại Olympic 2024. Philippines đang dẫn đầu bảng tổng sắp của khu vực nhờ 2 tấm HCV thể dục dụng cụ của Carlos Yulo. Ngoài ra, họ còn có được 2 HCĐ ở môn quyền anh do công của Aira Villegas (50kg nữ) và Nesthy Petecio (57kg nữ).
Thái Lan cũng đã có được 1 HCV nhờ công của nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit ở hạng cân 49kg. Đây là kết quả đã được dự đoán từ trước, bởi Panipak là VĐV số 1 thế giới ở hạng cân này.
Trước đó, thần đồng Kunlavut Vitidsarn đã đem về tấm HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử cho cầu lông Thái Lan.
Ở môn cử tạ, Silachai Theerapong cũng đạt được thành tích tương tự khi thi đấu ở hạng cân 61kg nam. Đây chính là nội dung mà Trịnh Văn Vinh của Việt Nam thi đấu nhưng thất bại ở cả 3 lần cử giật.
Một đô cử khác là Surodchana Khambao cũng mang về cho Thái Lan tấm HCĐ hạng cân 49kg nữ. Trước đó, võ sĩ quyền anh Janjaem Suwannapheng cũng đứng thứ 3 ở hạng cân 66kg nữ.
Đến lúc này, Thái Lan đã giành tổng cộng 5 huy chương tại Olympic 2024 và vẫn còn cơ hội nâng cao thành tích ở các môn quyền anh, cử tạ.
Malaysia hiện cũng đã có được 2 HCĐ và đều đến từ môn cầu lông. Aaron Chia - Soi Wooi Yik (đôi nam) và Lee Zii Jia (đơn nam) là những người đem về vinh quang cho đất nước này.
Cũng ở môn cầu lông, Indonesia sở hữu tấm HCĐ đơn nữ nhờ công của Gregoria Mariska Tunjung. Đây là kết quả khá tệ với cầu lông Indonesia bởi từ Olympic 2004 đến 2020, chỉ duy nhất Thế vận hội London 2012 là họ không có HCV.
Với việc không có huy chương tại Olympic 2024, thành tích của Việt Nam đang giống với các nước Singapore, Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste, Myanmar.
Thái Lan chiếm ưu thế tại Olympic
Trong lịch sử các kỳ Olympic, Thái Lan đang là quốc gia Đông Nam Á thành công nhất. Lần đầu họ có được huy chương là vào năm 1976, với tấm HCĐ quyền anh của cố võ sĩ Payao Poontarat. Từ đó đến nay, đoàn thể thao này đã giành tổng cộng 40 huy chương bao gồm 11 HCV, 10 HCB và 19 HCĐ.
Kể từ năm 1984, Thái Lan luôn ra về với ít nhất 1 huy chương. Kỳ Olympic thành công nhất của họ là vào năm 2004 với 3 tấm HCV ở môn cử tạ và quyền anh.
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á thành công thứ 2 tại Olympic khi đã giành 8 HCV, và tất cả đều ở môn cầu lông. Họ còn có được 14 HCB, 16 HCĐ và tổng số huy chương Olympic hiện tại là 38.
Philippines chỉ mới giành HCV đầu tiên tại Olympic Tokyo 2020 nhờ công của nữ đô cử Hidilyn Diaz môn cử tạ. Thế nhưng đoàn thể thao này nhanh chóng vươn lên đứng thứ 3 khu vực khi bổ sung thêm 2 tấm HCV của Carlos Yulo trong năm nay. Philippines cũng từng giành được 5 HCB và 10 HCĐ trong lịch sử Olympic.
Thể thao Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á trong lịch sử tham dự Olympic
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 tại Đông Nam Á ở Olympic, nhưng thành tích khá khiêm tốn so với các nước đứng trên. Ngoài HCV của Hoàng Xuân Vinh, đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ mới giành 3 HCB và 1 HCĐ. Thành tích 5 huy chương của Việt Nam ngang bằng với Singapore (1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ), nhưng đứng trên nhờ hơn số HCB.
Khá bất ngờ là một đoàn thể thao mạnh như Malaysia lại chưa từng giành HCV Olympic. Cho đến lúc này, họ đã giành tổng cộng 15 huy chương bao gồm 8 HCB và 7 HCĐ.
Có lẽ người Malaysia sẽ tiếc nhất với môn cầu lông, khi huyền thoại Lee Chong Wei 3 lần liên tiếp vào chung kết đơn nam (2008, 2012, 2016) nhưng để thua cả 3 lần. Nếu không, họ đã có ít nhất 1 HCV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận