04/12/2024 09:08 GMT+7

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU

Ngày 3-12, tại TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức Lễ công bố thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) của các đơn vị thành viên.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 1.

Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom và Tập đoàn Sailun ký kết hợp đồng mua bán mủ cao su đáp ứng EUDR theo yêu cầu của khách hàng

Với 18 đơn vị thành viên đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 38 nhà máy đạt chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm và khả năng cung ứng hơn 100.000 tấn mủ cao su đạt chuẩn mỗi năm, VRG đang từng bước khẳng định vị thế nhà cung cấp cao su có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu.

Chủ động thích ứng quy định chống phá rừng

EUDR được Ủy ban châu Âu đề xuất từ tháng 11-2021, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31-12-2020. Quy định này áp dụng cho nhiều mặt hàng trong đó có cao su. 

Các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về định vị thông tin địa lý GIS đến từng khu vườn, truy xuất nguồn gốc vật lý, theo dõi diễn biến mất rừng bằng công nghệ viễn thám và chứng minh không gây mất rừng.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 2.

Ông Trương Minh Trung - phó tổng giám đốc VRG, phó Ban Chỉ đạo phát triển bền vững tập đoàn - phát biểu về quá trình thích ứng với EUDR của tập đoàn

Trước những yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trườngphát triển bền vững của thị trường quốc tế, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chủ động triển khai các giải pháp để thích ứng với Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu.

VRG đã có nền tảng tốt để thích ứng với EUDR khi từ năm 2019 đã triển khai thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC. 

Đến nay, Tập đoàn có 18 đơn vị thành viên được cấp chứng chỉ này với khoảng 120.000ha cao su và 38 nhà máy được cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC. Các đơn vị này có khả năng cung cấp hơn 100.000 tấn mủ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững mỗi năm.

Một lợi thế của VRG là các diện tích cao su của Tập đoàn đều hình thành từ lâu và không có diện tích nào được mở rộng sau năm 2020 có nguồn gốc từ rừng. Thêm vào đó, thời gian kiến thiết cơ bản trước khi khai thác mủ là 5-7 năm. Điều này giúp các công ty thành viên của VRG đáp ứng được phần lớn yêu cầu của EUDR.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 3.

Chế biến mủ cao su tại Nhà máy Cao su Chư Sê Kampong Thom - Ảnh: Thanh Sơn

Để đẩy nhanh tiến độ thích ứng với EUDR, vào tháng 9-2024, VRG đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Văn phòng quản lý rừng bền vững tổ chức tập huấn bộ công cụ PEFC EUDR DDS cho 22 công ty thành viên. Mục tiêu là các công ty sẽ hoàn thiện hồ sơ EUDR trong tháng 1-2025.

Kết quả bước đầu rất khả quan. Tại lễ công bố, ông Trương Minh Trung, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), cho biết đến nay có 3 đơn vị thành viên của VRG đã hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR, được khách hàng chấp nhận gồm Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom (Campuchia).

VRG Chư Sê - Kampong Thom: điển hình về thích ứng EUDR

Trong số các đơn vị thành viên, Công ty VRG Chư Sê - Kampong Thom nổi bật như một điển hình về cách tiếp cận toàn diện. Với diện tích khai thác hơn 16.000ha tại Campuchia, công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để quản lý vườn cây và triển khai hệ thống tự động thu thập dữ liệu, phát triển nền tảng ERP.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 4.

Lãnh đạo VRG trao bằng khen cho Công ty CP Cao su Chư Sê Kampong Thom, đơn vị đầu tư ở nước ngoài đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện tuân thủ quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR)

Sản phẩm CSR10 của công ty đã đạt chứng nhận PEFC CoC, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng các vấn đề môi trường - xã hội thông qua việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải công suất 1.200 m3/ngày đêm, thực hiện đánh giá tác động môi trường cho mọi dự án và tuân thủ nghiêm ngặt luật lao động Campuchia cùng các công ước ILO.

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho EUDR từ nhiều năm trước thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn PEFC. Đến nay, sản phẩm CSR10 của công ty đã đạt chứng nhận PEFC CoC, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường EU" - ông Nguyễn Tiến Dũng, tổng giám đốc công ty, chia sẻ.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Dũng, tổng giám đốc Cao su Chư Sê Kampong Thom, đã báo cáo về việc quá trình thực hiện EUDR của công ty, đồng thời công bố thông tin, cam kết sản phẩm phù hợp theo quy định EUDR.

Theo ông Trương Minh Trung, sở dĩ VRG chọn Cao su Chư Sê Kampong Thom là đơn vị báo cáo tại sự kiện vì việc thực hiện quy định EUDR tại các công ty cao su ở Việt Nam có thuận lợi hơn do Việt Nam đã có hệ thống quốc gia về quản lý rừng bền vững, trong khi đó Lào và Campuchia (2 quốc gia mà VRG đang đầu tư sản xuất cao su) lại chưa có.

Vì vậy, việc Cao su Chư Sê Kampong Thom vẫn hoàn thành được quy định EUDR là một bằng chứng cho thấy VRG đã sẵn sàng đáp ứng được EUDR cho tất cả các đơn vị thành viên ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Những thành quả đầu tiên

Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho ngành cao su Việt Nam, đặc biệt trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường - xã hội.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 5.

Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty TNHH MTV Đặng Thái Gia ký kết hợp đồng mua bán mủ cao su đáp ứng EUDR của khách hàng

Tuy nhiên, việc tuân thủ EUDR mở ra nhiều cơ hội đáng kể cho ngành cao su Việt Nam để nâng tầm vị thế và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.

Theo ông Huỳnh Tấn Siêu, trưởng Ban Công nghiệp của VRG, tuy EUDR chưa có hiệu lực nhưng nhiều khách hàng đã liên hệ các công ty thành viên của Tập đoàn để cung cấp mủ cao su thích ứng EUDR (đáp ứng theo bộ hồ sơ yêu cầu của khách hàng).

Nhờ vậy, trong thời gian gần đây, Cao su Đồng Nai đã tiêu thụ được 767 tấn mủ cao su thích ứng EUDR và Cao su Dầu Tiếng tiêu thụ được hơn 40 tấn, giá trị cộng thêm là 250 USD/tấn. Ngoài ra, các công ty thành viên tại nước ngoài cũng đã đáp ứng được EUDR và chuẩn bị ký hợp đồng với khách hàng.

Thành quả đầu tiên của ngành cao su khi thích ứng với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 5.Chuyên gia chia sẻ giải pháp để ngành cao su vượt thách thức từ quy định chống phá rừng của EU

Đáp ứng EUDR không chỉ giúp ngành cao su Việt Nam duy trì thị trường xuất khẩu quan trọng, mà còn là dịp để nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp