
Một góc thành phố Vinh, Nghệ An nhìn từ trên cao - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều 18-4, thông tin với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Thành ủy Vinh, Nghệ An cho biết từ ngày 19 đến 21-4, UBND các phường, xã trên địa bàn sẽ lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh.
Theo đề án mới nhất, dự kiến thành phố Vinh sẽ đặt tên các phường là Vinh 1, Vinh 2, Vinh 3, Vinh 4, Vinh 5 và phường Cửa Lò.
Sau khi HĐND cấp xã gửi báo cáo, HĐND thành phố Vinh sẽ thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 25-4.
Trước đó, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-12-2024, toàn bộ thị xã Cửa Lò cùng 3 xã của huyện Nghi Lộc được sáp nhập vào thành phố Vinh. thành phố Vinh mới có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 9 xã.
Đây cũng là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất hiện tại của Nghệ An.
Sau khi sắp xếp, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên 166,22km2, quy mô dân số 580.669 người.
Trong số 20 huyện, thành phố và thị xã ở Nghệ An thông qua đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập phần lớn được lấy tên theo mô hình "tên huyện + số thứ tự". Riêng 3 huyện Thanh Chương, Kỳ Sơn và Quỳ Châu lấy tên xã mới theo những địa danh lịch sử, có truyền thống lâu đời.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã ở Nghệ An trước và sau sắp xếp - Ảnh: THANH TÙNG
UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa thông qua đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, Nghệ An hiện có 412 đơn vị hành chính cấp xã gồm 362 xã, 33 phường, 17 thị trấn; qua sắp xếp trình phương án giảm 282 đơn vị hành chính cấp xã (tỉ lệ giảm 68,45%), còn 130 đơn vị gồm 11 phường và 119 xã.
Sau khi UBND tỉnh thông qua, đề án sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét thông qua.
Trên cơ sở đó trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua đề án tại kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào ngày 28-4. Nghệ An sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1-5.
Theo Sở Nội vụ Nghệ An, việc đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng trong các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Ưu tiên sử dụng một tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới, nhằm hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và phát huy được lợi thế so sánh của từng địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận