Vẫn còn ít điểm chơi đêm ở TP.HCM cho khách du lịch. Trong ảnh: Khách Tây đi dạo trên phố Bùi Viện, Q1 - Ảnh: Hữu Khoa |
Tại Hội nghị của Thành ủy TP.HCM mới đây về việc triển khai nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - cho biết nhiều du khách đánh giá sản phẩm du lịch về đêm hiện nay của TP.HCM còn nhiều hạn chế và đơn điệu. TP cần tạo ra nhiều điểm vui chơi sôi động, ấn tượng với du khách về một “TP không ngủ”.
Thành phố “ngủ”, du khách tự tìm chỗ chơi
Theo ThS. Nguyễn Thanh Trang - phó trưởng khoa, phụ trách khoa Du lịch (ĐH Văn Lang), trên thực tế, có rất nhiều đoàn khách nước ngoài than phiền rằng buổi tối tại TP.HCM họ xem các chương trình ca nhạc, nghệ thuật đến tầm 22g thì phải tự túc tìm hoạt động giải trí về đêm.
“Phần nhiều những hoạt động đó là không công khai và không chịu sự quản lý của các cơ quan, ban ngành nên khả năng xảy ra các vấn đề phát sinh là rất lớn.
Do đó, việc xây dựng “TP không ngủ” sẽ tạo điều kiện quản lý được những lổ hỏng, mang lại doanh thu, lợi ích rất lớn cho những doanh nghiệp đang đưa khách du lịch vào TP vì nhu cầu chơi đêm của du khách không nhỏ”, bà Trang cho biết.
ThS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch học - giám đốc Công ty dịch vụ khoa học và du lịch thuộc trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng nói “TP không ngủ” là nói đến những khu vực, những tuyến phố được quy hoạch để phục vụ nhu cầu của khách du lịch chứ không đồng nghĩa là cả TP phải hoạt động thâu đêm, không nghỉ ngơi.
Những tuyến phố này thường là nơi tập trung nhiều du khách, là khu lưu trú kết hợp dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, có quán bar, sàn nhảy… thậm chí ở nước ngoài còn có các sòng bạc.
Bà Thủy cho rằng, để TP.HCM “không ngủ” không chỉ dừng lại ở việc tăng cường hoạt động của các cơ sở kinh doanh tại những khu phố “không ngủ” mà TP cần có những chương trình nghệ thuật mang tính đặc thù.
Một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng địa điểm du lịch là có cuộc sống về đêm phong phú. Và điều làm nên sự phong phú đó là những hình thức giải trí mang tính nghệ thuật, mang bản sắc riêng mà du khách không thể bỏ qua khi đến địa điểm du lịch đó.
Bà Thủy dẫn chứng: “Campuchia nổi tiếng bởi chương trình “Nụ cười Angkor” vì bản thân nó có chất lượng tốt và người ta có cách truyền thông để du khách tò mò, nhất định phải xem khi đến Campuchia, không xem là coi như chưa đến. Sau khi xem xong thì họ ăn đêm, đi mua sắm, đi quán bar, hát, nhảy… để tiêu tiền”.
Khách nước ngoài tham quan chợ đêm Bến Thành - Ảnh: Hữu Khoa |
Phải phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực
TS Phạm Xuân Hậu - trưởng khoa Du lịch (ĐH Văn Hiến) - cho biết: “Ý kiến xây dựng TP.HCM “không ngủ” là rất hay nhưng về lâu dài cần chú ý phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực như thiết kế và xây dựng đô thị, phát triển giao thông thông thoáng và quan trọng là xây dựng chính quyền đô thị vì du lịch liên quan với rất nhiều ngành”.
Ông Hậu giải thích, nếu chính quyền đô thị làm tốt chức năng của mình thì vấn đề an ninh của “TP không ngủ” sẽ được các phường, quận tự chủ, đảm bảo an toàn cho du khách.
ThS Nguyễn Thu Thủy lưu ý việc xây dựng “TP không ngủ” phải dung hòa giữa nhu cầu của người cư trú và nhu cầu của du khách. Người sống ở khu vực dành cho khách du lịch, họ phải chấp nhận chia sẻ không gian, thời gian sống của mình với du khách, bù lại họ kiếm thêm thu nhập. Còn ở khu vực nào mà người dân không đồng ý thì không nên quy hoạch làm khu phố “không ngủ”.
Về vấn đề an ninh, bà Thủy cho biết ở nước ngoài, họ có những đội cảnh sát du lịch vừa có khả năng quản lý an ninh vừa hỗ trợ du khách trong việc đi lại, tiêu dùng,…
Quảng bá “TP không ngủ” tới đúng đối tượng ThS Nguyễn Thanh Trang cho rằng cái đẹp của TP.HCM là cái đẹp của sự tươi trẻ, năng động. Người làm du lịch phải làm sao để giới thiệu nét đẹp đó cho du khách. Đặc biệt là phải giới thiệu tới đúng đối tượng du khách tiềm năng vì nếu không, khi du khách trải nghiệm, họ sẽ không cảm thấy thỏa mãn. PGS.TS Phạm Xuân Hậu cho biết trong một số nghiên cứu, khách nước ngoài khi được hỏi đã trả lời rằng nhiều địa điểm du lịch của TP.HCM quảng bá chưa đúng với thực tế, nói “một đằng” nhưng chất lượng “một nẻo”. Nhiều tuyến đường có những cửa hàng dịch vụ du lịch na ná, nhàm chán. Tại một số nước, họ còn có nhiều chuỗi cửa hàng dịch vụ phù hợp với thị hiếu của từng nhóm du khách khác nhau như giới trẻ, người già, khách châu Âu, châu Phi, châu Á… |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> PGS.TS Phạm Xuân Hậu
>> ThS Nguyễn Thanh Trang
>> ThS Nguyễn Thu Thủy
>> Luật sư Bùi Quang Nghiêm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận