Cảnh ghe thuyền vừa là nhà ở vừa buôn bán năm 1931 tại rạch Bến Nghé - Ảnh tư liệu
"Tôi vào Sài Gòn từ năm 1955. Ngoài dạy học, tôi cũng hay đi khảo cứu địa chí khắp nơi. Người dân thành phố thuở đó chưa bị khổ sở vì ngập lụt, ô nhiễm nhiều như hiện nay", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vẫn vẹn nguyên ký ức và trao đổi với người viết bài này khi ông còn khỏe.
Sài Gòn - TP.HCM phát triển bên sông lớn Sài Gòn, nên thủy lộ thuận lợi giao thương nhưng cũng bị ảnh hưởng triều cường ngập lụt nếu không được xây dựng và quản lý hệ thống tiêu thoát tốt...
Dần biết mùi kênh nước đen
Ông Đầu tâm sự thuở đó thi thoảng cũng có cảnh một vài con đường lắp sắp nước sau cơn mưa lớn nhưng chỉ một lát là rút. Dân Sài Gòn hiếm phải chịu đựng cảnh chết máy xe, kẹt đường hay té ngã trong biển nước như bây giờ. Nhưng đó là thuở dân số còn ít, thành phố chưa phát triển ở những vùng thấp và hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là kênh rạch tự nhiên, còn khá tốt...
Theo các nhà nghiên cứu và sử liệu, thành phố này bắt đầu xáo trộn kể từ Thế chiến thứ hai và các chiến cuộc trong nước sau đó. Chính quyền không còn đủ nguồn lực tiếp tục xây dựng, quản lý đô thị như đầu thế kỷ 20, trong khi dân chạy nạn chiến sự lại dồn về. Những xóm "ổ chuột", nhà "cao cẳng" trên kênh nước đen bắt đầu lan rộng từ khi chiến tranh đến hồi khốc liệt.
Tuy nhiên, thuở đó, ngập lụt vẫn chưa thành khổ nạn với người dân. Người Pháp từng chuẩn bị tương lai Sài Gòn - Chợ Lớn với quy mô 1.000.000 dân. Kỹ sư và kiến trúc sư Pugnaire, Cerutti từng đề xuất đào một hồ lớn gần đường Đinh Tiên Hoàng. Nó chứa nước mưa cho thành phố và có đất đắp nền cao để xây dựng các công sở, quảng trường, sân vận động. Dự án bế tắc vì Thế chiến thứ hai.
Nhiều đoạn kênh rạch Sài Gòn trước 1975 vẫn còn sạch và có cá tôm để ngư dân đánh bắt như đoạn đầu rạch Thị Nghè này Ảnh tư liệu
Sau bước ngoặt lịch sử 1954, chính quyền Sài Gòn tiếp tục có dự án chỉnh trang đô thị. Các kiến trúc sư, kỹ sư như Ngô Viết Thụ, Lê Văn Lắm, Trần Lê Quang... đề nghị thành phố phát triển theo hướng tây bắc - đông bắc, tức trục Củ Chi - Biên Hòa, Bình Dương. Các vùng thấp như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh được bảo tồn tự nhiên, giảm thiểu xây dựng để tiêu thoát nước cho thành phố. Chiến tranh làm dự án đình trệ, nhưng một số ý tưởng đã được triển khai như các khu kỹ nghệ dọc theo xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, làng đại học Thủ Đức...
Từ năm 1965, tình hình chiến sự leo thang khiến việc mở mang hệ thống thoát nước thành phố khó khăn theo. Kênh rạch cũng bị ảnh hưởng nặng do dân tứ xứ chạy về. Dọc hầu hết bờ kênh như Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Đôi... dần dần dày thêm nhà "cao cẳng" và tất nhiên rác thải, chất thải con người cũng xả thẳng xuống kênh.
Một cuộc chống ngập
Câu chuyện tiêu thoát nước ở khu vực Tân Sơn Nhất là một ví dụ. Nguyên nhân chủ yếu do đồng bào di tản chiến tranh đổ về, cất nhà tự phát chèn lên cống làm kẹt lối thoát nước. Để giải quyết, tỉnh Gia Định yêu cầu giải tỏa nhà cất trên rạch Nhiêu Lộc và thực hiện xong cơ bản từ tháng 4-1967 đến tháng 6-1967 với 145 căn nhà lấn chiếm kênh rạch bị giải tỏa.
Ngày 13-6-1968, ông Nguyễn Thôn Độ, phó tỉnh trưởng Gia Định, chủ tọa phiên họp "Cứu xét hệ thống thoát nước phi trường Tân Sơn Nhất" với đại diện Bộ Công chánh, Nha Căn cứ hàng không, Tòa Đô chánh, cố vấn Công chánh Đô thành James Calloway, trưởng Ty Công chánh Gia Định và dân chúng khu Tân Chí Linh đoạn có rạch Nhiêu Lộc chảy qua...
Ông Bửu Hạp, đại diện Nha Căn cứ hàng không, trình bày Tân Sơn Nhất có các hướng thoát nước chính ra kênh Tham Lương và rạch Nhiêu Lộc. Trước đây việc thoát nước điều hòa, nhưng hiện chỉ có hướng thoát nước phía bắc ra kênh Tham Lương là chảy tốt. Hướng đông và nam xuất hiện tình trạng úng thủy do nhà dân lấn chiếm và rác thải.
Đến ngày 14-7-1968, tỉnh Gia Định lại tổ chức phiên họp kiểm điểm công tác đã làm và thực hiện thêm ba giai đoạn. Thứ nhất là tiếp tục xử lý các nền nhà đắp lên cống thoát nước. Thứ hai là nhổ các cọc tre, gỗ, bê tông trong lòng rạch để rác khỏi bị chặn lại, ứ đọng. Thứ ba là giải tỏa tiệm phở lấn chiếm kênh Nhiêu Lộc ở gần cầu Ông Tạ và các căn nhà số 147, 149, 151, 153...
Riêng hệ thống thoát nước phía đông thành phố có nhiều việc lớn phải thực hiện. Mương lộ thiên dọc theo đường Nguyễn Huệ (Quang Trung nay) không còn nữa vì bị dân xây cất. Muốn không bị úng thủy ngày càng nặng hơn vì hệ thống phía đông này, cần phải đặt cống ngầm dọc theo lộ Nguyễn Huệ đến ngã ba Cầu Cống...
Với ba khu thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, trước 1975 việc thoát nước được giao cho Khu kiều lộ Đông, Khu kiều lộ Tây và Ty Công chánh Gia Định đảm trách. Thời điểm 1954, toàn thành phố mới có khoảng 113km cống ngầm với đa số là cống vòm được xây bằng gạch ở khu vực quận 1, quận 3 và quận 5. Đến năm 1975, đã tạm hoàn thiện được hệ thống cống ở nội thành. Ở các quận vùng ven, hệ thống cống chưa đủ nên việc tiêu thoát nước kết hợp với các kênh rạch, ao đầm tự nhiên và mương rãnh do người dân tự khai thông. Những nơi này cũng thường bị xả rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm, tù đọng nước bẩn, muỗi mòng...
Trước 1975, nhiều nhà cao cẳng đã mọc bên bờ kênh rạch Sài Gòn nhưng ghe thuyền vẫn còn buôn bán tấp nập - Ảnh tư liệu
Chứng nhân sự đổi thay
Bà Trần Thị Phượng là người Bắc di cư vào ở đường Hiệp Nhất, quận Tân Bình từ năm 1955 kể: "Nhà tôi cách kênh Nhiêu Lộc gần 100m, đường thoát nước là con rãnh lộ thiên chảy qua hông nhà khác ra kênh Nhiêu Lộc. Ngay sau lưng nhà tôi năm 1980 là đất có chủ nhưng vẫn còn nguyên ao tù rác thải. Còn kênh Nhiêu Lộc không chỉ nhà cao cẳng hai bờ kênh xả thẳng xuống mà nhiều nhà gần cũng đưa rác ra đổ, rồi "cầu tõm" và xác động vật chết lềnh bềnh mặt kênh. Con kênh này bắt đầu có mùi từ khoảng gần cuối năm 1960 mỗi khi nước ròng, nhất là ở đoạn thượng nguồn quận Tân Bình. Sang những năm 1980, nước chuyển màu đen hẳn và mùi hôi cũng nặng dần...".
Những người cao tuổi như bà Phượng chính là chứng nhân quan trọng của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn ô nhiễm dần theo thời cuộc chiến tranh và đói kém thời hậu chiến. Trước bà vài thế hệ nữa mới là chứng nhân giai đoạn con kênh này từng là ranh giới thành phố Sài Gòn và thủy lộ còn trong xanh để giao thương từ sông Sài Gòn vào nội thành...
Ở đầu bên kia thành phố, khu vực Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn, bà Phượng cũng có người chị họ đến ở giáo xứ này từ năm 1955. Thi thoảng đi phà ở bến Bạch Đằng qua chơi nhà chị, bà Phượng vẫn vẹn nguyên ký ức: "Hồi đó, Thủ Thiêm ít dân hơn hẳn phần thành phố bên này sông Sài Gòn. Nhà cửa tập trung chủ yếu chỉ gần bờ sông và chịu ảnh hưởng hoàn toàn bởi thủy triều. Ghe thuyền ra vô buôn bán tiện lợi, nhưng toàn bộ rác thải cũng trút thẳng xuống sông".
Tuy nhiên, thời kỳ đó sông Sài Gòn rộng lớn còn dung hòa được những mặt trái của con người cũng như hơn 300 năm qua nó luôn là hồn cốt để phát triển thành phố thân thương này...
Thủy lộ vẫn là huyết mạch giao thương
Kênh rạch Sài Gòn - TP.HCM ô nhiễm dần kể từ cuối thập niên 1950, nhưng các tuyến thủy lộ vẫn giữ vai trò quan trọng ở thành phố này dù đường bộ phát triển. Vào thập niên 1930, thành phố có đến khoảng 10 hãng tàu lớn khai thác đường biển đi quốc tế và các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc. Trong đó, Hãng Compagnie des Messageries Maritimes chở hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi Pháp, Nhật, Trung Quốc có ghé Đà Nẵng, Hải Phòng và tuyến nội địa Sài Gòn - Hải Phòng có ghé Quy Nhơn, Đà Nẵng.
Riêng việc vận chuyển lúa gạo miền Tây về Sài Gòn đều 100% nhờ các tuyến thủy lộ và sông Sài Gòn.
************
Từ những năm 1980, thành phố bị ngập và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng nhưng cũng bắt đầu nỗ lực hồi sinh.
>> Kỳ tới: Nỗ lực hồi sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận