29/11/2022 12:58 GMT+7

Thành phố hướng sông - Kỳ 2: Buổi đầu đào, lấp kênh rạch ở Sài Gòn

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Năm 1859, người Pháp chiếm đóng Sài Gòn bắt đầu công cuộc đào, lấp hàng loạt kênh rạch.

Thành phố hướng sông - Kỳ 2: Buổi đầu đào, lấp kênh rạch ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Kênh Chợ Vải trước khi san lấp làm đại lộ Nguyễn Huệ

TP.HCM, chiều cuối thu 2022, nhiều bạn trẻ tung tăng dạo chơi phố đi bộ Nguyễn Huệ. Gió sông Sài Gòn thổi vào đường phố mát rượi. Nhưng rất ít ai biết con đường trung tâm xinh đẹp, bình yên này ngày xưa từng là một con kênh giao thương rất quan trọng...

Khởi đầu đào kênh

Ngược dòng lịch sử trở lại năm 1867, Hội đồng thành phố Sài Gòn đã phải tổ chức những cuộc họp tranh luận gay gắt về việc nên để hay lấp kênh Chợ Vải (đường Nguyễn Huệ bây giờ, người Pháp gọi là Grand Canal hay kinh Charner), vì một số ý kiến chủ yếu từ Pháp kiều cho rằng kênh ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Thực tế trước khi pháo hạm Pháp chiếm đóng Sài Gòn, nhà Nguyễn đã cho đào kênh Chợ Vải mà tên ban đầu là Kinh Lớn để tạo đường nước cho thuyền bè từ sông Sài Gòn là đoạn bến Bạch Đằng bây giờ có thể vào tới thành Gia Định ở đoạn UBND TP.HCM hiện nay.

Nhất cận giang, nhì cận thị, một ngôi chợ lớn đã hình thành bên bờ kênh này (được cho là tiền thân của chợ Bến Thành, người Pháp gọi là Marché de Saigon), và việc buôn bán hàng hóa đã gây rác thải làm ô nhiễm mùi đến các tòa nhà mà chính quyền Pháp xây dựng đôi bờ kênh.

Sau các cuộc họp, con kênh đào bắt đầu bị lấp đoạn hạ nguồn gần đường Lê Thánh Tôn bây giờ. Khoảng năm 1887, kênh này được lấp hoàn toàn và biến thành đại lộ Charner mà sau nhiều năm người dân vẫn quen gọi là đường Kinh Lấp. Mãi đến năm 1955, đường này mới chính thức mang tên anh hùng Nguyễn Huệ cho tới ngày nay...

Nếu như người Pháp vào Sài Gòn thực hiện cả hai chương trình đào và lấp kênh để chỉnh trang, phát triển đô thị, mở mang đường sá, thì trước đó nhà Nguyễn chủ yếu đào kênh làm thủy lộ cho ghe thuyền đi lại, giao thương. Trong đó, Mã Trường (Ruột Ngựa) là con kênh đào quy mô đầu tiên ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nguyễn Cửa Đàm là người được giao chỉ huy đào con kênh này vào năm 1772. Lý do là thủy lộ cho ghe thuyền chở lúa gạo từ miệt dưới Nam Bộ lên Sài Gòn qua sông Chợ Đệm, Rạch Cát, Lò Gốm ra sông Bến Nghé, Sài Gòn thường xuyên bị ứ đọng, ách tắc. Kênh Mã Trường được dân phu và binh lính đào, nắn thẳng dòng nước, tạo nên một con kênh thẳng tắp thuận tiện cho ghe thuyền giao thương qua trục thủy lộ này...

Tuy nhiên, con kênh đào ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn được nhắc nhiều nhất trong chính sử, kể cả nguồn hồi ký của người nước ngoài đến đây có lẽ chính là kênh An Thông mà sau gọi là kênh Tàu Hủ. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã kể lại chuyện đào thủy lộ cực kỳ quan trọng nối Sài Gòn với Chợ Lớn và miền Tây Nam Bộ này:

"Sông An Thông tục gọi sông Sài Gòn ở phía Tây Nam trấn: sông cũ từ cầu Thị Thông đi qua Sài Gòn đến sông Lao, quanh xa mà nhỏ hẹp, khuất khúc, nước cạn, mùa xuân năm Kỷ Mão... Hoàng Công Lý giám đốc dân phu trấn Phiên An hơn 11.460 người chia làm ba phiên, quan trấn cấp tiền gạo cho, đổi đường sông cũ mà đào kinh mới.

Khởi đào từ cầu Thị Thông thẳng đến sông Mã Trường 2129 tầm 1 thước (độ 5.000m), kể thành 9 dặm rưỡi, bề ngang 15 tầm (trên 30m), sâu 9 thước (trên 4m), hai bên để đất trống đều 8 tầm, đến đường quan lộ bề ngang 6 tầm. Khởi đào ngày 23 tháng giêng đến 23 tháng 4 xong...

Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, hai con nước lên nước ròng, thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả, rất là tiện lợi". Gần đồng thời với thời gian đào kênh này, nhà Nguyễn cũng đào Bảo Định Hà nối từ Tân An, sau đó là con kênh trấn biên Vĩnh Tế ở An Giang...

Việc đào kênh Tàu Hủ đã xảy ra một vụ án tham nhũng nghiêm trọng đi vào lịch sử. Quan phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý lợi dụng chức vụ chỉ huy đào kênh, đã gian lận tiền công của dân phu. Lê Văn Duyệt lúc ấy là tổng trấn đi kinh Huế về biết chuyện, đã xử Lý tội chết bằng hình thức chém đầu.

Tuy nhiên, trong các công trình đào kênh ở Sài Gòn - Chợ Lớn và cả vùng Nam Bộ miệt dưới, có lẽ chỉ mỗi Huỳnh Công Lý phạm tội tham nhũng nghiêm trọng. Các vị quan khác cùng lãnh trách nhiệm này đều được ghi công như Nguyễn Cửu Đàm, Thoại Ngọc Hầu...

Thành phố hướng sông - Kỳ 2: Buổi đầu đào, lấp kênh rạch ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Rạch Bến Nghé khi đã được đào nối với kênh Tàu Hủ - Ảnh tư liệu

Người Pháp trị thủy, đắp đường

Năm 1859, người Pháp chiếm đóng Sài Gòn bắt đầu công cuộc đào, lấp hàng loạt kênh rạch. Trong đó, kênh Vòng Thành hay còn gọi kênh Vành Đai được viên trung tá công binh Coffyn thiết kế như mặt ranh giới thứ tư của thành phố Sài Gòn (ba mặt kia là sông Sài Gòn, kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, Thị Nghè - Nhiêu Lộc) dài khoảng 6km, ngang 20m, sử dụng 40.000 nhân công, nhưng chỉ kịp đào được một đoạn rồi dừng và lấp lại để làm đường kể từ năm 1868.

Mục tiêu con kênh này như chiến lũy phòng thủ và đường thủy lộ lẫn tiêu thoát nước đã vĩnh viễn không được hoàn thành. Nếu không, thành phố sẽ có thêm một diện mạo kênh rạch vì theo dự án kênh dài và rộng, sẽ biến Sài Gòn như một thành phố đảo.

Công cuộc lấp kênh của người Pháp bắt đầu nhiều từ khoảng năm 1868. Trên tờ Courrier de Saigon số ngày 6-5-1865 có bài viết về tình trạng đào, lấp này. Ban đầu, người Pháp cho đào ở vùng trũng gần sông Sài Gòn để thoát nước úng, lấy đất đắp nền, cũng như làm thủy lộ lưu thông. Không lâu sau đó, họ lại cho lấp nhiều con kênh để mở đường bộ, nhưng ngay trong quá trình này họ vẫn đào một số con kênh mới.

Thành phố hướng sông - Kỳ 2: Buổi đầu đào, lấp kênh rạch ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Ngôi chợ bên đường Charner năm 1895 sau khi đã lấp kênh Chợ Vải Ảnh tư liệu

Ngày nay đi trên trục đường sang trọng Lê Lợi, quận 1, TP.HCM, ít người biết hơn trăm năm trước có một kênh đào nằm dưới mặt đường hiện nay. Học giả Trương Vĩnh Ký đã kể về con kênh:

"Ở giữa nhà ông Wang Tai (Huỳnh Thới) và sở giám đốc thương cảng có một con rạch khác gọi là rạch Cầu Sấu chảy vòng vèo và thông đến đoạn đầu của kinh Chợ Vải, đoạn này gọi là kinh Coffin, đây là tên một trung tá sau khi làm lại bức tường thành bằng đất, đã cho đào một con kinh nối đầu hai con kinh cũ với nhau. Kinh này sau đó đã lấp đi, trên đó nay trở thành một đại lộ...".

Ngoài đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, trung tâm Sài Gòn còn có nhiều con đường vốn từng là kênh rạch trước khi người Pháp vào. Trong đó, đường Hàm Nghi từng là rạch Cầu Sấu, nơi Trương Vĩnh Ký kể trước đây từng có đầm cá sấu để người ta bắt làm thịt bán.

Ban đầu, Pháp chưa lấp kênh mà làm hai con đường hai bên rạch gọi là đường số 3. Khoảng thập niên 1870, con rạch bị lấp và năm 1877 nó có tên là đại lộ Canton. Sau vài lần đổi tên, năm 1920 nó mang tên mới là La Somme, rồi năm 1955 mang tên vị vua Việt Hàm Nghi cho đến bây giờ.

Giao với đại lộ này, đường Pasteur ở đoạn đầu từ bến Bạch Đằng vào đến Lê Lợi cũng từng là con kênh đào Olivier. Ban đầu, người Pháp cho đào con kênh đổ thẳng ra sông Sài Gòn này cũng không ngoài mục đích thoát úng cho vùng đất trũng của thành phố gần bãi sông. Về sau, việc trị thủy tốt hơn cũng như việc đắp nền lên cao, họ lại cho lấp con kênh này vào năm 1870 để làm đường...

Ngoài lấp kênh rạch, chính quyền thuộc địa Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng san lấp nhiều đầm lầy làm đường sá như đại lộ Trần Hưng Đạo chạy qua bãi đầm lầy mà Vương Hồng Sển viết là "bưng nước đọng".

Công việc đào lấp này chắc chắn đã làm thay đổi nhiều diện mạo Sài Gòn, cũng như việc tiêu thoát nước đã được nhân tạo chứ không còn phụ thuộc nhiều vào thiên tạo như trước khi người Pháp theo pháo hạm vào chiếm đóng Sài Gòn - Gia Định...

Trong các kênh đào của người Pháp ở Sài Gòn, thì kênh Thanh Đa vẫn còn đến hiện nay và vẫn cho kết quả như mục đích ban đầu. Lý do là đường sông Sài Gòn uốn lượn và đi xa hơn, nên năm 1897 chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã quyết định đào kênh Thanh Đa với chiều dài hơn 1km.

Tàu bè theo đường kênh này rút ngắn được nhiều so với đi đường sông Sài Gòn.

*****************

Các cuộc chiến triền miên đã làm người dân tứ xứ đổ về thành phố sinh sống tự phát, nhiều nhà cao cẳng mọc lên trên kênh bắt đầu gây ô nhiễm và nghẽn đường tiêu thoát nước...

>> Kỳ tới: Bắt đầu ô nhiễm và ngập lụt

Thành phố hướng sông - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông rạch Thành phố hướng sông - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông rạch

TTO - Sài Gòn - Gia Định khởi phát từ làng mạc cổ xưa rồi thành quách, đô thị hiện đại luôn gắn liền với sông rạch.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp