Đua thuyền trên sông Sài Gòn thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu
Lưu dân vào mở mang cơ nghiệp ở vùng đất này chủ yếu cũng từ các ghe thuyền nương ngọn Bắc phong để xuôi Nam. Những chiến cuộc khốc liệt cũng từ các chiến thuyền, pháo hạm.
Rồi những cuộc đổi thay thăng trầm, hưng thịnh của Sài Gòn - TP.HCM vắt qua hơn 300 năm dâu bể cũng nhờ các thương thuyền. Những con thuyền mang thương khách và hàng hóa đến với Sài Gòn - TP.HCM. Và những thương thuyền từ đây tỏa đi khắp nơi...
TP.HCM, ngày triều dâng, người xe ngoi ngóp trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), bị ngập sâu trong nước. Lúc này, mặt đường và mặt kênh ở nhiều đoạn gần như không còn phân biệt được nữa. Người đi đường phải dò dẫm từng bước để phòng tai nạn nguy hiểm.
Nhưng đó là thời sự của hôm nay. Ngược dòng lịch sử Sài Gòn - TP.HCM buổi đầu và tiến trình phát triển suốt hơn 300 năm qua, thành phố này luôn gắn liền với sông rạch...
Nơi đô hội của thương thuyền
Mai này viết tiếp lịch sử Sài Gòn - TP.HCM, chắc chắn đó vẫn là những câu chuyện thời cuộc dọc đôi bờ sông Sài Gòn, của một thành phố cũ đã trải qua hàng thế kỷ tồn sinh và của thành phố mới phát triển hướng đông đầy khát vọng, nơi Mặt trời mọc và những hải cảng để tiến ra thế giới.
Nếu xem Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) là bộ sách lịch sử chuyên tác dày dặn đầu tiên của Nam Bộ thì chỉ vài câu thế này đã khẳng định vị thế đô hội sầm uất, trên bến dưới thuyền: "Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội ở đây". Trong bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh được cho là của Ngô Nhơn Tịnh, thi sĩ thời Gia Long, cũng có những câu lột tả cảnh bán buôn đầy sức sống trên sông nước:
"Phủ Gia Định, phủ Gia Định
Nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn
Ở ăn vui thú nơi nơi...
Ngói liền liền đuôi lân,
Phố thương khách tòa ngang tòa dọc.
Hiên sè cánh én,
Nhà quan dân hàng vắn hàng dài...
Người phương đông qua lại bán buôn
Tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa chất ngất trời...".
Cũng trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã nhấn nhá về sông Sài Gòn, hồn cốt thành phố này, mà lúc đó còn gọi là Tân Bình giang: "Tân Bình giang: ở phủ Tân Bình, trước thành Gia Định tục gọi là sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, khi nước lên sâu 13 thước ta, sông này vừa rộng lớn vừa trong sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội".
Tàu Loire trên sông Sài Gòn năm 1895 - Ảnh tư liệu
Thành phố chằng chịt sông rạch
Trở lại địa thế, sở dĩ Sài Gòn - Gia Định luôn gắn liền với sông ngòi rạch vì đây là vùng đất liền sông Sài Gòn rộng lớn, lại gần biển nên chịu ảnh hưởng rõ rệt của thủy triều.
Địa hình tương đối bằng phẳng, dốc trũng nhẹ xuống dần hướng gần sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé - Tàu Hũ.
Độ dốc này tiếp tục trũng xuống theo hướng nam Sài Gòn, nhưng dốc dần lên theo hướng Phú Lâm, Phú Thọ về phía Gò Vấp.
Nhìn tổng thể toàn thành phố, độ trũng từ hướng sông dốc nhẹ lên theo hướng bắc và sau đó lại phẳng như đa số địa hình ở Nam Bộ.
Chính đặc điểm tự nhiên này làm cho Sài Gòn - Gia Định có nhiều sông rạch chịu ảnh hưởng thủy triều và hầu hết quanh năm đều có nước thuận tiện cho ghe thuyền vận chuyển, tạo nên đô thị trù phú cùng nền kinh tế hướng sông phát triển suốt hàng trăm năm...
Trong cuốn Gia Định xưa và nay, tác giả Huỳnh Minh viết: "Tỉnh Gia Định cũng như các tỉnh miền Nam Việt Nam, trước đây là vùng quanh năm ngập lụt, rồi sau phù sa bồi đắp thành rừng rậm, sình lầy và dân Việt trong cuộc Nam tiến đã khai thành lập nên những làng mạc trù phú như ngày nay".
Thực tế địa hình chịu ảnh hưởng bởi ba con sông lớn là Sài Gòn, Nhà Bè và Đồng Nai, nên Sài Gòn - Gia Định có hàng hàng ngàn con sông và kênh rạch lớn nhỏ là phụ lưu. Trong đó, gọi kênh nghĩa là nhân tạo do con người đào nên như kênh Thanh Đa, kênh An Hạ, kênh Tàu Hũ, kênh Sáng..., còn gọi rạch là do dòng chảy tự nhiên kiến tạo.
Các sử liệu cổ và cả những sách được in ở thế kỷ 20 như Gia Định xưa và nay đã nhắc đến hàng trăm tên kênh rạch mà nay cái còn, cái đã biến mất theo thời gian và sự phát triển đô thị.
Tác giả Huỳnh Minh kể qua hàng chục cái tên như sông Thị Nghè, Bà Hom, Chợ Đệm, Vàm Thuật, Bàn Đá, Nước Lèo; kênh An Hạ, Thanh Đa; rạch Nhiêu Lộc, Chợ Mới, Đỉa, Giồng Ông Tố, Bà Hồng, Bà Bướm, Văn Thánh, Phú Mỹ, Mương Chuối, Xóm Củi, Ông Nhỏ, Ông Lớn, Ông Đồ, Ông Cốm, Ông Mưu, Ông Đội, Cây Khô, Xóm Củi, Kinh Chùa, Kỳ Hà, Tắc Rối, Cầu, Đôi...
Nhưng trên đây mới chỉ là một số kênh rạch ở Gia Định được kể tên, thực tế vẫn còn rất nhiều khó có thể nhắc hết trên trang báo. Riêng trong trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn còn nhiều kênh rạch khác như kênh Chợ Vải, Cầu Sấu, Cầu Kho, Cầu Quan, Cầu Ông Lãnh, Bà Đô, Phố Xếp, Chợ Lớn, Bãi Sậy, Lò Gốm...
Đây chính là những nơi sớm hình thành xóm làng rồi phát triển thành đô thị với cảnh bán buôn trên bến dưới thuyền trù phú.
Đến tận thế kỷ 18 sang đầu 19, hướng tây và bắc Sài Gòn vẫn còn là vùng đất rừng rậm hoang vu với nhiều thú dữ. Khi dân số tăng lên, phía này mới được khai khẩn dần dần để trồng trọt nhờ hệ thống kênh rạch tự nhiên dày đặc thuận lợi cho tưới tiêu lẫn làm thủy lộ.
Với huyết mạch chính là sông Sài Gòn, thành phố này có những kênh rạch phụ lưu vô cùng quan trọng để làm thủy lộ đi lại, giao thương, tiêu thoát nước cũng như tính toán phân ranh cho thành phố hồi cuối thế kỷ 19.
Năm 1862, viên trung tá Coffyn, chỉ huy trưởng công binh Pháp thời kỳ đầu mới chiếm đóng Sài Gòn, đã quy hoạch thành phố (được phó đô đốc Charner thông qua ngày 11-4-1861) với bốn ranh giới thì trong đó ba ranh giới là đường sông rạch với mặt thứ nhất là sông Sài Gòn, mặt thứ hai là rạch Bến Nghé - Tàu Hũ, mặt thứ ba là rạch Thị Nghè - Nhiêu Lộc, mặt thứ tư nối từ chùa Cây Mai (hay còn gọi gò Cây Mai thuộc khu vực đường Hồng Bàng, quận 11 nay) đến những tuyến cũ đồn Chí Hòa.
Tuy nhiên, ngay tuyến ranh giới thứ tư trên bộ này cũng được Coffyn dự tính đào một con kênh nối liền từ rạch Bến Nghé - Tàu Hũ sang rạch Thị Nghè - Nhiêu Lộc. Như vậy, nếu ý tưởng đào kênh này kịp thực hiện sẽ biến Sài Gòn như thành phố đảo với diện tích khoảng 2.500ha, dân số 500.000 - 600.000 người...
Dự án của trung tá Coffyn được thiết kế ngay khi người Pháp mới chiếm đóng Sài Gòn, phải đối mặt với các cuộc kháng chiến, nên ý tưởng đào đắp biến Sài Gòn như thành phố đảo có mục đích chính là phòng thủ.
Đường nước bao lấy thành phố chính là thủy lộ cho pháo hạm, ưu thế tuyệt đối của quân Pháp lúc ấy và làm chiến lũy, như chính Coffyn đã viết: "Việc phòng thủ trước hết là kênh đào vành đai, dọc theo bờ kênh sẽ có một chiến lũy phòng thủ với những đồn nhỏ cách nhau từng quãng"...
"Thành phố Sài Gòn được xây trên một nhánh sông đáng kể của con sông lớn và trên các bờ của hằng hà kênh rạch. Nó là trung tâm thương mại của tỉnh màu mỡ này" - bác sĩ George Finlayson mô tả trong chuyến đi đến đây vào năm 1821. Thành phố Sài Gòn mà ông viết có lẽ chính là Chợ Lớn.
**************
Sài Gòn - TP.HCM có nhiều kênh rạch và con người đã sớm can thiệp vào nó bằng các công trình đào, lấp với mục đích phát triển đô thị.
>> Kỳ tới: Buổi đầu đào, lấp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận