01/02/2014 10:05 GMT+7

Thành phố hoa miền sông nước

VÂN TRƯỜNG - SƠN LÂM
VÂN TRƯỜNG - SƠN LÂM

TTXuân - Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) vốn được mệnh danh là “vương quốc hoa” ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 14-10-2013, Sa Đéc chính thức “lên” thành phố, tỉnh Đồng Tháp ngay lập tức triển khai kế hoạch xây dựng Sa Đéc trở thành một thành phố du lịch với sản phẩm chủ đạo là hoa.

rzVpX8a9.jpg
Trồng hoa trên nước lũ - Ảnh: Hữu Tiến

Người dân ở vùng đất 300 năm tuổi này đang rạo rực chờ đón một thành phố ngập tràn hoa từ đường phố ra ruộng lúa hòa quyện với sông nước hữu tình. Một thành phố hoa lãng mạn nằm giữa đôi dòng sông Tiền, sông Hậu và ở giữa có sông Sa Đéc nối TP.HCM và Kiên Giang đi xuyên qua chắc chắn sẽ hình thành trong tương lai rất gần.

Hoa của nước phù sa

Trong cơn mưa rả rích của một ngày cuối năm 2013, chúng tôi đến bờ kè sông Sa Đéc nằm trên đường Lê Lợi, TP Sa Đéc. Dưới sông tàu bè chở lúa gạo tấp nập xuôi về Kiên Giang hay ngược về Sài Gòn. Trên bờ, hàng chục chiếc xe tải lớn xếp hàng chờ nhận hoa chở đi các tỉnh. Xe ba gác liên tục chở hoa, kiểng từ vườn ra bãi tập kết bất kể trời mưa.

Khoác vội lên mình chiếc áo mưa bằng nilông dã chiến, các chị em cẩn thận ôm những giỏ hoa đủ màu sắc, những cuộn cỏ Nhật, cây cảnh đã được bó gọn lại chuyển lên xe tải. Ông Nguyễn Văn Phước (57 tuổi, P.Tân Qui Đông, Sa Đéc) là thương lái buôn bán hoa kiểng từ Sa Đéc đi Sài Gòn gần 10 năm nay. Ông cho biết mỗi tuần chở hai chuyến vào thứ ba và thứ sáu, tổng cộng khoảng 10.000 giỏ hoa các loại. “Những người khác thì giao thường hơn, ngày nào cũng có xe chở hoa đi” - ông Phước nói. Nhẩm tính sơ sơ, chỉ một buổi chiều mưa hôm ấy, tại bờ kè sông Sa Đéc đã có hàng chục ngàn giỏ hoa kiểng từ “vương quốc hoa” ở đồng bằng tỏa đi để làm đẹp cho nhiều gia đình, nhiều con đường, công viên của các tỉnh, thành.

Những ngày ở Sa Đéc, điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là đi đâu cũng nhìn thấy hoa. Hàng trăm loại hoa khoe sắc mọi lúc, mọi nơi. Điều thú vị ở đây là không ai chuyên một loại hoa kiểng mà cùng lúc trồng vài ba loại, kể cả bonsai. Còn ở các điểm kinh doanh thì tha hồ ngắm cả trăm loại hoa đủ màu. Bất kể là ven quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hay các con đường nông thôn, giữa đồng ruộng ngập trong nước lũ, thậm chí vào sâu giữa lòng Khu công nghiệp Sa Đéc nhà máy chạy ầm ầm vẫn có những bờ hoa, ruộng hoa, vườn hoa đủ loại.

Theo nhiều thương lái mà chúng tôi gặp ở bờ kè sông Sa Đéc, trong khi làng hoa Cái Mơn (Bến Tre), Mỹ Tho (Tiền Giang) chủ yếu sản xuất hoa dịp tết thì Sa Đéc ra lò hoa kiểng quanh năm. Đó chính là cơ sở để người ta gọi Sa Đéc là “vương quốc hoa” ở đồng bằng và là yếu tố quan trọng nhất để tỉnh Đồng Tháp xây dựng thành phố hoa. Hoa ở Sa Đéc còn có đặc trưng riêng: hoa của thiên nhiên, sông nước đồng bằng. Hoa phải tưới nước phù sa thì lá mới xanh, hoa mới rực rỡ. Người dân ở đây vẫn ví von hoa Sa Đéc là hoa của nước phù sa là vậy.

PpsL85E1.jpg
Cây kiểng bonsai của ông Hiếu - Ảnh: Vân Trường

“Thành phố hoa” của mọi nhà

Nghề trồng và kinh doanh hoa kiểng ở đây phát triển đến mức rất nhiều nông dân vừa trồng vừa mở cửa hàng để bán, có người thành lập doanh nghiệp hẳn hoi để làm ăn lớn. Điển hình là ông Quách Kim Ngân (44 tuổi, P.Tân Qui Đông). Ông Ngân bắt đầu nghề trồng hoa kiểng từ 20 năm trước. Vừa trồng, ông vừa chở hoa kiểng về Sài Gòn để bán, nhiều nhất là bán cho công viên Đầm Sen suốt 10 năm qua.

Cách đây 10 năm, ông mở quán giải khát đặt tên là “Cà phê hoa kiểng” gần cổng chính Khu công nghiệp Sa Đéc. Ông chia khu đất làm đôi, một bên bán giải khát, bên còn lại trưng bày bán hoa kiểng mà gia đình ông trồng ở khu đất phía sau. Cách kinh doanh này được xem là độc đáo ở Sa Đéc hiện nay. Hầu như ngày nào cũng có khách vãng lai hoặc khách đi theo đoàn dừng chân nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng hơn 100 loại hoa kiểng, chủ yếu là loại nhỏ xách tay được. Ai thích loại nào thì mua đem về làm quà hoặc trang trí trong nhà. Ông Ngân nói gia đình ông rất háo hức chờ TP Sa Đéc trở thành thành phố du lịch để đầu tư sửa sang lại quán, mở rộng quy mô kinh doanh các loại hoa kiểng.

Tiếp chúng tôi bên căn chòi nhỏ để sản xuất các loại hoa súng, hoa sen kiểng bên trong Khu công nghiệp Sa Đéc, vợ chồng anh Ngô Thanh Bình (nghệ nhân mới 36 tuổi) rót trà mời khách rồi huyên thuyên đủ chuyện về hai loại hoa này dù biết rằng chúng tôi đi tham quan chứ không thể mua chở về, dù mỗi chậu hoa tuyệt đẹp chỉ có 60.000 đồng. “Các anh biết thêm ý nghĩa và đặc tính của hoa sen, hoa súng thì người dân Đồng Tháp chúng tôi đã lời to rồi. Bởi vì nói đến sen thì ai cũng hiểu đó là hoa của Đồng Tháp” - anh Bình hóm hỉnh.

Theo anh Bình, có rất nhiều loại hoa sen, nhưng sen hồng Đồng Tháp là “vô địch” về đặc tính dễ trồng, dễ sống và nhất là khi dùng để chưng trong bình. Anh Bình giải thích: “Búp sen hồng Đồng Tháp rất to, màu hồng hấp dẫn, khi cắt chưng vẫn sống và nở hoa bình thường khoảng 10 ngày, chừng nào hoa tàn thì thôi. Còn các loại sen khác như sen Thái Lan thì không được vậy, nó sẽ chết, hoa sẽ héo nếu cắt đem chưng”.

Hỏi vì sao không trồng hoa hay chơi bonsai, anh Bình cười tươi: “Tôi là dân Sa Đéc, hoa kiểng gì cũng biết trồng hết. Tôi từng sản xuất bonsai, nhưng nhìn thấy cơ hội từ một loại kiểng khác khi Sa Đéc đang xây dựng thành phố hoa. Du khách đến đây sẽ tìm hiểu sâu về hoa sen, hoa súng đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười nên tôi nghiên cứu và trồng loại này, giá trị không cao nhưng nhu cầu bán đi các tỉnh hiện rất lớn nên cũng sống được”.

Mới 40 tuổi nhưng ông Nguyễn Hoàng Chí Hiếu - chủ nhiệm Câu lạc bộ bonsai Sa Đéc - là một trong những nghệ nhân bonsai nức tiếng khắp vùng Sa Đéc. Ông bảo có lẽ bất cứ người dân nào sinh ra ở Sa Đéc cũng có sẵn “máu” chơi hoa kiểng. Dù đến trường học đủ 12 năm phổ thông nhưng có lẽ con chữ ông học được không nhiều bằng nghệ thuật bonsai. Bỏ nhà lên Sài Gòn làm nghề “thợ đụng”, nhưng rồi ông cũng trở về bám dính với cây cảnh kiếm sống. Ông có thể ngồi hàng giờ thao thao bất tuyệt về ý nghĩa của dáng cây “thác đổ”, “long giáng”, “huyền chi lạc địa”, “thập nhị tứ hiếu”, “con hơn cha nhà có phúc”…

Trong trang trại nho nhỏ sản xuất và bán các loại bonsai mang tên Chí Hiếu có hơn 1.000 chậu các loại, chủ yếu là mai chiếu thủy, trong đó nổi bật là chậu bonsai cần thăng có gốc khổng lồ, bề hoành cỡ bắp đùi người lớn. Ông nói: “Cây này tôi mua từ Tiền Giang năm 1998 với giá 38 triệu đồng. Bây giờ gốc này có giá khoảng 700 triệu đồng. Có người trả giá 500 triệu mà tôi không bán. Đó là bảo vật của tôi. Ai đến đây cũng mê tít cây này nên tôi để lại cho khách xem chơi. Tôi muốn đóng góp một điều gì đó cho thành phố hoa của mình”.

cx0jS4pg.jpg
Thu hoạch ở làng hoa Sa Đéc - Ảnh: Thanh Truyền

Không giống thành phố hoa Đà Lạt

Sa Đéc có vị trí địa lý rất đặc biệt, nằm gọn giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Xung quanh có bốn cây cầu dây văng hiện đại lớn nhất đồng bằng đã và đang được xây dựng là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đặt mục tiêu xây dựng Sa Đéc trở thành thành phố hoa của đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố du lịch nổi tiếng của miền Nam với đặc sản hoa kiểng như cách đây khoảng 150 năm.

Cuối tháng 10-2013, tỉnh đã mở hội thảo nghe các nhà khoa học hiến kế để phác thảo hình hài một thành phố hoa giữa đồng bằng. Hầu hết ý kiến tán thành kế hoạch xây dựng Sa Đéc là thành phố du lịch hoa kiểng kết hợp với du lịch sinh thái vốn là đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, chắc chắn không thể có chuyện thành phố hoa Sa Đéc na ná thành phố hoa Đà Lạt được.

Theo ông Bùi Quốc Nam - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Sa Đéc, sau khi tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, thành phố và tỉnh sẽ mời các đơn vị tư vấn thiết kế mô hình thành phố hoa trong tương lai rồi tiếp tục hội thảo, góp ý cho một mô hình đẹp nhất, phù hợp nhất để đầu tư xây dựng. Trước mắt sẽ quy hoạch vùng tập trung hoa kiểng là P.Tân Qui Đông và xã Tân Khánh Đông; xây dựng quảng trường hoa, con đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao; xây dựng Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở xã Tân Khánh Đông để nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trồng hoa cho nông dân.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có kế hoạch liên kết với các nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất hoa kiểng, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chuyên về hoa kiểng nổi tiếng thế giới như: Công ty Sakata Taki (Nhật Bản), Syngenta, Benary, Floranova (châu Âu), Ball (Mỹ) để du nhập giống hoa nhiệt đới F1. Trước mắt sẽ hợp tác với Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM định danh các loài hoa kiểng ở Sa Đéc nhằm bảo tồn và khai thác về mặt hương liệu, dược liệu.

Vườn hoa của xứ Nam kỳ

Vào năm 1867, thống đốc Nam kỳ Bonard quyết định thành lập hạt Sa Đéc (sau này đổi tên là tỉnh Sa Đéc). Theo bước chân của người Pháp, các giống hoa kiểng được du nhập đến đây và biến Sa Đéc thành “vườn hoa của xứ Nam kỳ” (Le Jardin de la Cochinchine).

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năm 2013 nông dân Sa Đéc trồng 355ha hoa kiểng với hơn 2.000 chủng loại cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc. Tổng giá trị sản xuất hoa kiểng ở đây ước tính khoảng 170 tỉ đồng, chiếm hơn 35% giá trị sản xuất nông nghiệp của Sa Đéc.

Thống kê mới nhất tại Sa Đéc có khoảng 1.500 chủng loại hoa kiểng đang được người dân sản xuất. Hiện đã có gần 2.000 hộ tham gia trồng hoa kiểng với diện tích hơn 355ha ở P.Tân Qui Đông, P. Tân Khánh Đông, P.An Hòa và P.3. Ông Nguyễn Hoàng Chí Hiếu - chủ nhiệm Câu lạc bộ bonsai Sa Đéc - tự hào: “Hoa thì còn dễ thống kê chứ người chơi hoa, cây cảnh ở đây không biết bao nhiêu mà tính. Số lượng thành viên Câu lạc bộ bonsai Sa Đéc lên xuống hằng tháng, lúc bảy mươi lúc cả trăm. Còn nếu nói biết cách trồng hoa kiểng chắc phải hai phần ba dân số Sa Đéc”.

VÂN TRƯỜNG - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp