11/03/2024 11:38 GMT+7

Thành phố dễ thương - Kỳ 9: Nơi thắp lên niềm tin và hy vọng

Là nơi trú ngụ cho những bà mẹ đơn thân và trẻ bị ảnh hưởng hoặc sống chung với HIV/AIDS, mái ấm Mai Tâm luôn hướng đến giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt tìm lại được hy vọng và niềm tin.

Linh mục Phương Đình Toại quan tâm, chăm sóc các bé thơ ở mái ấm - Ảnh: mái ấm Mai Tâm

Linh mục Phương Đình Toại quan tâm, chăm sóc các bé thơ ở mái ấm - Ảnh: mái ấm Mai Tâm

Ở một góc nhỏ của TP.HCM, khuất sau con hẻm cuối xóm đạo, người ta thường thấy đám trẻ con rất đông hay nô đùa rộn ràng.

Khu nhà đông trẻ em, có khi hơn 100 em sinh sống. Nhưng lạ là mỗi khi có thêm thành viên là cả đám lại vui mừng, hớn hở chạy đến nhà trẻ để nhìn thấy khuôn mặt, được ôm ấp và nựng nịu em bé mới.

Ngôi nhà của hy vọng

Trước tình trạng ngày thêm đông trẻ mồ côi do những người mẹ có HIV/AIDS mất, mái ấm Mai Tâm ra đời vào tháng 7-2005 bởi linh mục Phương Đình Toại cùng các tu sĩ thuộc Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillô).

Tên gọi Mai Tâm của mái ấm như hàm chứa một trái tim hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn dành cho các bà mẹ và các trẻ thơ HIV/AIDS.

Tại Mai Tâm, bên cạnh các linh mục, tu sĩ dòng Camillô còn có ba nữ tu cùng hai cô giáo phụ trách 12 khối lớp và mầm non.

Các sơ và các cô đóng vai trò như là phụ huynh học sinh nhằm theo dõi việc học ở trường, liên lạc cùng giáo viên chủ nhiệm và đồng hành cùng các em trong những sinh hoạt hằng ngày.

Linh mục Phương Đình Toại cho biết những ngày đầu mái ấm gặp khó khăn khi nhiều người vẫn còn tâm lý nghi ngại bất cứ những gì liên quan đến HIV/AIDS.

Nhiều lúc nhà thuê chưa ở được bao lâu lại phải cuốn gói đi tìm chỗ khác do những người xung quanh không đồng tình với sự hiện diện của mái ấm. Có khi chính người chủ đòi nhà lại không cho thuê nữa vì mái ấm cứ có đám tang liên tục.

Cũng có trường từ chối khéo khi thấy địa chỉ các con là mái ấm Mai Tâm vì họ e ngại những phụ huynh khác phản đối.

Hiện mái ấm có 70 em từ 2 tháng tuổi đến 23 tuổi. Các em này sống tại mái ấm và được chăm sóc toàn diện về giáo dục, sức khỏe, y tế, dinh dưỡng, tâm lý, tâm linh và được đi học.

Các em được lưu trú trong những khu nhà khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính. Mái ấm còn hỗ trợ tã, sữa, thực phẩm, thuốc men, học phí... cho hơn 200 em nhiễm HIV/AIDS và mồ côi nhưng vẫn còn được người thân chăm sóc.

Nếu như những ngày mới thành lập, mục tiêu ưu tiên là chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho các em thì hiện tại mái ấm tập trung nhiều hơn cho mảng giáo dục.

Trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cùng sự tự tin, tâm lý vững vàng để các em có thể lo cho bản thân, gia đình và sống có ích.

Cô Quỳnh Phương (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), một tình nguyện viên thường đến với mái ấm, nhận xét: "Nhìn các anh chị lớn ở Mai Tâm chơi với các em nhỏ, chia sẻ và giúp đỡ các em không phải vì đó là anh em hay chị em ruột của mình, cũng không phải vì ai bắt buộc, thật là đáng yêu.

Điều ấy chỉ đơn giản xuất phát từ trái tim yêu thương thuần khiết của các em bé mà thôi. Khi trẻ được sống trong tình yêu thương và trẻ cảm nhận mình có được đầy đủ tình yêu thì việc chia sẻ niềm vui với người khác cũng đến với trẻ một cách tự nhiên".

Linh mục Hoàng Quốc Huy, phụ trách mái ấm, chia sẻ: "Điều quan trọng là làm sao giúp các em tự tin vào năng lực bản thân mới có thể hòa nhập tốt với cộng đồng.

Bởi lẽ khi thường xuyên đón nhận sự giúp đỡ, chia sẻ của nhiều người các em dễ nảy sinh tâm lý mình là người yếu thế chỉ trông chờ, chứ chưa nỗ lực vươn lên.

Cho nên mái ấm thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội để các em có dịp chia sẻ gì mình đang có với những người kém may mắn hơn mình".

Các em nhỏ vui vẻ cùng đọc sách ở mái ấm - Ảnh: mái ấm Mai Tâm

Các em nhỏ vui vẻ cùng đọc sách ở mái ấm - Ảnh: mái ấm Mai Tâm

Các em có HIV/ADIS được điều trị và chăm sóc, nuôi dưỡng, được học hành, có nghề sống tự lập, bảo vệ được bản thân và người khác; sống và trưởng thành như những đứa trẻ bình thường khác, không bị kỳ thị. Các mẹ có HIV/ADIS có nơi ở, được điều trị và không lây bệnh sang con, có cuộc sống bình thường.

Tình yêu thương tiếp nối yêu thương

Mặc dù đã 10 năm trôi qua, chị N. (tên nhân vật đã được thay đổi) vẫn không thể nào quên được cái ngày chị bế trên tay đứa con đỏ hỏn đến với mái ấm Mai Tâm.

Như bao nạn nhân khác của căn bệnh thế kỷ, chị nhục nhã, tủi hờn, tưởng như cuộc đời mình và con đã chấm dứt kể từ thời điểm cầm trên tay kết quả dương tính.

Về với mái ấm được một tháng, chị N. từng có ý định rời đi vì không quen sống trong môi trường tập thể: "Các cha tôn trọng quyết định của tôi, sẵn sàng nhận nuôi con cho tôi nếu tôi muốn đi. Nhưng rồi lòng mẹ thương con, không nỡ để con lớn lên một mình, tôi quyết định ở lại".

Từ chỗ không hợp, dần dần chị trở thành một phần của ngôi nhà chung Mai Tâm, là chị em thân thiết với những phụ nữ khác, là "mẹ" của những em nhỏ. Mái ấm Mai Tâm hỗ trợ chị N. điều trị ARV để sống chung lâu dài với bệnh, đồng thời tạo công ăn việc làm giúp chị có thu nhập ổn định.

Cách đây 5 năm, chị N. lập gia đình với một người đàn ông sẵn sàng chấp nhận quá khứ của chị. Chị chuyển ra ngoài sống và xây dựng tổ ấm riêng. 

Dù vậy, chị vẫn tiếp tục tham gia chăm sóc các em nhỏ ở mái ấm như cách chị đền đáp những tình cảm quý báu mọi người ở mái ấm đã dành cho mẹ con mình.

Không chỉ có các bé, mái ấm Mai Tâm còn là nơi giúp đỡ những phụ nữ có HIV - những bà mẹ đang mang thai, vừa mới sinh hoặc có con mắc phải.

Tất cả đều được chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV, tham vấn và xây dựng kiến thức ngăn ngừa lây truyền HIV, chuyển gửi đến các điểm điều trị...

Các bà mẹ đơn thân sống tại Mai Tâm được hỗ trợ học nghề và có công việc tạo thu nhập với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cả về mặt sức khỏe thể lý và sức khỏe tinh thần, giúp các chị em có một cuộc sống tự lập.

Tính đến nay, xưởng may đã hoạt động hơn 10 năm, đã đào tạo được nhiều mẹ có tay nghề may vững vàng và có thể quay về với xã hội để tự lập. Có mẹ tự mở xưởng may, có mẹ tự tin nhận gia công các hãng may cao cấp, có mẹ có thể xin việc làm ở các công ty may.

Đó là niềm vui lớn của xưởng may Mai Tâm và cũng là mục đích chính của các cha trong ban điều hành. Để làm được điều đó, các linh mục điều hành mái ấm đã phải ngược xuôi liên hệ nhiều nơi, đảm bảo nguồn hàng về xưởng may luôn ổn định và phong phú.

Thời điểm hiện nay mái ấm cũng gặp nhiều khó khăn khi ngành may đang thiếu đơn hàng. Làm sao để các mẹ có thể có cơ hội học nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định luôn là trăn trở lớn của mái ấm.

"Mai Tâm hy vọng những nỗ lực chúng tôi đang làm sẽ lan tỏa sự yêu thương đến cộng đồng, truyền cảm hứng cho các mẹ sống với HIV/AIDS tự tin sống và sống tích cực mỗi ngày" - linh mục Hoàng Quốc Huy, phụ trách mái ấm Mai Tâm, sẻ chia những lời ấm áp.

"Năm 2023, mái ấm vui mừng có bảy em vào đại học, ba em được nhận làm con nuôi dù các em có HIV và bốn em được quay về gia đình gốc của mình.

Chúng tôi phấn khởi và hy vọng vì suốt chừng ấy năm qua nếu không có sự giúp đỡ của những ân nhân xa gần có lẽ mái ấm không thể tồn tại đến ngày nay. Mái ấm là nơi đem lại tình thương, nuôi dưỡng, giáo dục và chữa trị để các em được chữa lành.

Linh mục Phương Đình Toại (người sáng lập mái ấm Mai Tâm)

--------------------

Ít nói về mình, thậm chí không muốn kể tên, nhưng họ bền bỉ trao đi tình yêu thương để sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Kỳ cuối: Cùng nhau thắp sáng lên những ngọn nến yêu thương

Thành phố dễ thương - Kỳ 9: Những chuyến xe chở đầy yêu thươngThành phố dễ thương - Kỳ 9: Những chuyến xe chở đầy yêu thương

Ngày lễ cũng như ngày thường, ông chạy xe chở hàng suốt, cứ ai kêu thì đi. Ấy vậy mà gặp sinh viên chuyển trọ, ông không lấy đồng nào, còn phụ khiêng đồ cho các bạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp