10/03/2024 11:47 GMT+7

Thành phố dễ thương - Kỳ 9: Những chuyến xe chở đầy yêu thương

Ngày lễ cũng như ngày thường, ông chạy xe chở hàng suốt, cứ ai kêu thì đi. Ấy vậy mà gặp sinh viên chuyển trọ, ông không lấy đồng nào, còn phụ khiêng đồ cho các bạn.

Ông Lê Văn Đức có cảnh nhà không dư dả gì nhưng vẫn nhận chuyển trọ miễn phí cho sinh viên - Ảnh: YẾN TRINH

Ông Lê Văn Đức có cảnh nhà không dư dả gì nhưng vẫn nhận chuyển trọ miễn phí cho sinh viên - Ảnh: YẾN TRINH

Thời sinh viên lên thành phố học lạ nước lạ cái, chắc ai cũng đôi lần được những người xa lạ giúp đỡ, khi thì thông tin nhà trọ, chỉ dẫn đường đi, lúc là đĩa cơm có thêm lát sườn ú ụ cho no bụng.

Một số sinh viên còn được giúp chở đồ miễn phí khi chuyển phòng trọ, đỡ được mấy trăm ngàn đồng - số tiền không nhỏ khi còn ngồi trên giảng đường.

Chở đồ cho sinh viên hổng lấy đồng cắc nào

Sáng đang ngồi làm cữ cà phê trước căn nhà cấp 4 ở đường số 19 (TP Thủ Đức, TP.HCM), điện thoại cùi bắp của ông Lê Văn Đức (54 tuổi) reo vang. "Chú nhận chở đồ chuyển trọ phải không chú", giọng một nữ sinh lễ phép.

Chừng tiếng sau theo giờ hẹn, ông Đức gương mặt lấm tấm mồ hôi ngó lại mớ dây ràng, bao tải bên hông chiếc xe ba bánh, rồi uống hớp nước, lên xe rẽ chầm chậm ra con lộ.

Đó là nghĩa cử thầm lặng của ông Đức hơn năm năm nay. Giọng chân chất, ông bộc bạch: "Tui thấy mấy đứa nhỏ sinh viên đi học không có tiền, mỗi lần dọn trọ phải tốn kém. Mình thấy vậy nên chở không lấy tiền".

Ông đã chở giùm cho sinh viên nhiều trường quanh khu vực TP Thủ Đức, nhất là ở làng đại học. Có khi ông sang tận quận 7, cả đi và về gần hai tiếng. Ông không phân biệt sinh viên có điều kiện hay thiếu thốn, miễn các em cần là ông hẹn giờ giấc rồi lên đường.

Chuyến đầu tiên ông chở giúp là ở khu vực làng đại học. Ai kêu giờ nào chuyển giờ đó, gọi là ông đi, nhiều khi tuốt trong hẻm nhỏ xíu, 5h - 6h chiều vẫn còn chở. Ông nói rằng tiền xăng xe đâu có đáng nhiêu, đổ 100.000 đồng chạy khỏe rồi. Nhiều sinh viên do đồ đạc cồng kềnh không tự khiêng lên xe được, ông sẵn sàng giúp một tay.

Ông cười hiền: "Mấy đứa yếu xìu à, đâu có bốc vác nặng nề như mình được. Nhiều đứa trọ trên lầu cao, tui tới leo lên khiêng xuống, nhưng được cái đồ đạc cũng nhỏ nhỏ, như tủ lạnh là tủ nhỏ nên đỡ mệt. Có khi 3 - 4 đứa ở chung, đồ nhiều phải chở hai chuyến luôn nghe".

Ông thiệt thà cho biết có khi đang chở hàng cho khách mệt quá nên dặn các em sinh viên "mấy con sắp xếp hết đi, chú lại là bốc lên xe chạy thôi". Khi tới, đồ đạc các em vẫn ê hề chưa dọn kịp, ông vẫn khiêng lên xe không nỡ cằn nhằn. "La cái gì mà la, mình đã làm giúp rồi mà la gì nữa. La thì thôi đừng giúp nữa", ông tâm niệm.

Trung Hiếu, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ rằng ngày trước từng được ông chở giúp đồ đạc từ TP Thủ Đức lên chỗ trọ mới ở quận Bình Thạnh. Anh nói: "Lúc đó đồ đạc cồng kềnh nhưng chú vẫn vui vẻ chở, còn giúp khiêng vào phòng. Chú giản dị và rất tốt bụng".

Nói về số cuốc xe, ông lắc đầu không nhớ và ước tính chắc hàng trăm. "Cũng vô chừng, vô mùa tựu trường là chở nhiều, là mệt mỏi với tụi nhỏ à nghe", ông cười sang sảng.

Điều khiến ông thấy thương, là khi điện hỏi các em không xưng sinh viên hoặc nhờ vả, chỉ hỏi không trả giá: "Chú ơi chuyển từ đây tới đó cỡ nhiêu tiền?". Tới nơi, nhìn đồ đạc là bàn học, tập vở, ông hỏi "Con phải sinh viên không?". Nghe đáp "Dạ phải" là ông nói: "Khỏi đưa tiền nha con. Tiền bạc gì nữa". Có khi các em dúi tiền vô tay ông nhất quyết không lấy. Có em mua cho chai nước suối thì ông cầm uống cho vui.

Kỷ niệm ông nhớ mãi là một em sinh viên Trường đại học Ngân hàng nhờ bạn gọi ông tới chở đồ khi em vào TP.HCM hai năm trước, vài tháng sau em lại nhờ chuyển trọ qua quận 7. Khi bốc đồ xuống hết, em xúc động nói: "Con học ở trong đây nè, mai mốt ra trường đi làm có tiền con quay lại giúp đỡ cho chú". Nghe vậy, tuy không hề trông đợi gì nhưng ông thấy cảm động: "Tội nghiệp, bé sinh viên nói thấy mình chở hai lần là giúp nó nhiều quá".

Ông Đức chuẩn bị đi chở đồ miễn phí giúp các bạn trẻ - Ảnh: YẾN TRINH

Ông Đức chuẩn bị đi chở đồ miễn phí giúp các bạn trẻ - Ảnh: YẾN TRINH

Cảnh nhà khó khăn nhưng có tấm lòng vàng

Sinh đẻ ở TP.HCM, hồi trẻ ông làm nghề cưa dọn cây vườn cho người ta. 10 năm trước, trong một lần cưa cây mà cưa máy bị mát mát, ông bị lưỡi cưa "ăn" tận xương phải chữa trị một thời gian.

Giơ cánh tay với vết sẹo móp một đường dài, ông nói lúc đó tay đứt xương đứt gân, dính da lủng lẳng phải nối lại. Giờ ông hay đau nhức, nhất là khi làm việc nặng. Để kiếm thêm chút đỉnh dù nghề này bấp bênh và còn ớn óc sau tai nạn, ông nói giờ ai thuê cưa cây rong cành ông vẫn đi, có khi xuống Đồng Nai, Bình Dương.

Vợ chồng ông Đức có hai người con. Con trai đầu 17 tuổi, đã nghỉ học. Ông tâm sự: "Con trai lớn của tui bệnh về máu, một, hai tuần là đi bệnh viện, tiền thuốc men giường nằm mỗi lần 700.000 - 800.000 đồng. Con trai út đang học lớp 9, học giỏi lắm". Hai vợ chồng đang phụng dưỡng mẹ già 89 tuổi.

Ban ngày, ông và vợ đi làm, mẹ ông ở nhà với đứa cháu lớn. Rồi ông nói con lớn tuy sức khỏe không được tốt, nhưng biết tự kiếm tiền xài không xin tiền ba mẹ bao giờ. Con mua chim chào mào về, lớn lớn bán mỗi con lời cỡ 100.000 - 200.000 đồng.

Ông cười tươi: "Hai đứa nhỏ thương bà, thương ba mẹ, biết phụ giúp việc nhà. Vợ chồng tui nuôi thêm mấy con gà, lâu lâu kẹt không có đồ ăn thì mần thịt, rồi trồng thêm mấy loại rau như rau lang". Ngày lễ ông chạy xe chở hàng suốt, cứ ai kêu thì đi. Ông chia sẻ rằng cảnh nhà như vậy mình cứ gói ghém, không đủ cũng phải cho đủ chứ không than thở làm gì.

Nói đoạn, ông cho biết giờ đưa xe ra tiệm vì pít tông ra khói, đem cho người ta xoáy nòng với sửa nọ kia chắc ngót nghét triệu đồng. Mấy đợt trước thì thay nồi, vỏ bánh... Từ hồi ông làm nghề chở hàng, xe này là chiếc thứ hai. Một chuyến chở tùy xa gần, cỡ 100.000 - 300.000 đồng, mà 300.000 đồng là lút ngoài chợ đầu mối. Theo ông dù vất vả nhưng nghề này thoải mái giờ giấc, có thời gian chăm lo gia đình.

Chạy xe đi sửa, ông quay về sửa soạn cơm nước. Hỏi vui về "cái sự rảnh" khi chở miễn phí cho sinh viên chuyển trọ, ông cười: "Thì chở chứ, khi nào tui nghỉ chạy xe thì mới không chở nữa".

Non trưa, với vẻ tất bật, ông lại ra lấy xe về. Cực thì có cực nhưng ông nói mình giúp được chút gì khi chở miễn phí là thấy đầu óc thoải mái liền.

Chở giúp hội nhóm thiện nguyện

Ngoài chuyển đồ cho sinh viên không lấy tiền, ông Lê Văn Đức còn nhận chở gạo, cơm miễn phí cho một số hội nhóm thiện nguyện gần nơi mình ở. "Cứ hai tuần một lần, chủ nhật tui lại chở cơm hộp lên khu Bệnh viện Ung bướu TP.HCM giùm cho một hội thiện nguyện ngoài đầu đường này nè. Người ta muốn trả tiền xe nhưng tui không nhận", ông kể.

Mấy dịp lễ Tết, ông cũng nhận chở giùm gạo, quà do một số chùa tặng bà con lao động. Ông nói chở những đồ này lẹ lắm, vòng vòng khu mình ở nên ông luôn sẵn lòng.

---------------

Là nơi trú ngụ yên ấm cho những bà mẹ đơn thân và trẻ bị ảnh hưởng hoặc sống chung với HIV/AIDS, mái ấm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt này tìm lại niềm tin và hy vọng...

Kỳ tới: Nơi thắp lên niềm tin và hy vọng

Thành phố dễ thương - Kỳ 5: Nhẹ nhàng cho đi, chẳng nghĩ ngày nhận lạiThành phố dễ thương - Kỳ 5: Nhẹ nhàng cho đi, chẳng nghĩ ngày nhận lại

15 năm làm thiện nguyện, hai lần lập nhóm từ thiện, nhưng đến giờ An Trần vẫn kiên định với những quyết định và con đường sẻ chia yêu thương mà mình đã chọn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp