Nha giám đốc nội vụ (1860) - bắt đầu có tên là dinh Thượng Thơ theo cách gọi dân dã. Công trình do chính quyền xứ Nam Kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa - Ảnh: TỰ TRUNG
Người ta lo sợ bảo tồn và phát triển là mâu thuẫn, là đối kháng, đó là một cách hiểu chưa đầy đủ, thiếu bản chất. Thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng. Hay nói cách khác, đối kháng chỉ xảy ra khi những người thực hiện cả hai công việc này không hiểu, không biết cách làm thế nào cho đúng. Những bên đối kháng không biết kết hợp và nương vào nhau mà chỉ khăng khăng, bảo thủ để hoặc giữ bằng được không cho chuyển đổi, kìm hãm phát triển, hoặc hiểu theo nghĩa "phát triển" thì phải "đập đi, xây mới".
Trong lúc đó, phần còn lại (chủ yếu là cộng đồng dân cư đô thị) thì thờ ơ với di sản do chủ quan, không chịu tìm hiểu. Mà với thái độ như vậy chắc chắn họ sẽ đứng ngoài cuộc để chờ xem các cuộc bức tử di sản tiếp tục tái diễn, để rồi ngậm ngùi và lãng quên…
Phải hiểu di sản chính là quà tặng của quá khứ cho nền kinh tế đô thị hôm nay. Có biết bao nhiêu đô thị đã khai thác du lịch từ di sản. Đó là nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Nhìn lại quá khứ, từ hơn 70 năm trước khi đất nước còn đang chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Việc bảo tồn cổ tích (cổ tích được hiểu là khái niệm di sản) là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam". (Theo Sắc lệnh về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc số 65/SL ngày 23-11-1945 mà sau này thành Ngày di sản văn hóa Việt Nam).
Thành phố có bản sắc mới là thành phố hấp dẫn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy các đô thị cổ trên thế giới làm bảo tồn không phải vì họ nhiều tiền nên mới dám nghĩ đến nghệ thuật, mới "chịu chơi", mà họ bảo tồn vì họ là những người có tư duy tài chính quá tốt. Họ biết cách chăm cho "con gà đẻ trứng vàng" để nó tiếp tục đẻ những quả trứng to hơn.
PGS.TS.KTS Trần Văn Khải đã từng chia sẻ: "Đập di sản là đập bể chén cơm của người dân ngay tại chỗ". Mà hiểu ra thì câu này hoàn toàn chính xác. Ít nhất là chúng ta nhìn thấy ngay nó ảnh hưởng từ đứa bé bán hàng rong cho đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các hãng lữ hành, các hãng hàng không sẽ ế ẩm vì khách du lịch đổ về nơi khác. Sở dĩ hiện nay tour du lịch lên Đà Lạt thưa dần trong khi tour Hội An vẫn đảm bảo đông khách, hay tour Phú Yên sắp phải mở thêm… cũng chính vì những cách ứng xử khác nhau với di sản.
Sa Pa và Đà Lạt đang là những bài học nhãn tiền cho các nhà đầu tư và các nhà quản lý khi hoạch định chiến lược sai: xây dựng các công trình na ná ở đâu cũng có, xây vô tội vạ và phá di sản vô tội vạ. Nhà đầu tư quên mất lý do ban đầu khi lựa chọn địa điểm để đầu tư là bởi vì nơi đó có di sản, có giá trị văn hóa vẫn còn đang được bảo tồn, truyền lại nguyên vẹn. Cái lợi trước mắt khiến họ quên mất nhiệm vụ của họ là phải tiếp tục gìn giữ giá trị cốt lõi này vì đó mới chính là yếu tố bền vững.
Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi đề xuất 3 vấn đề sau:
* Trước mắt, dựa vào các phân tích của nhiều nhà chuyên môn về giá trị rất lớn của dinh Thượng Thơ, đề nghị TP đưa công trình này vào danh mục kiểm kê và đánh giá.
* Đề nghị TP giao Sở Quy hoạch - kiến trúc chủ trì tổ chức hội thảo "Đề xuất phương án bảo tồn và phát triển dinh Thượng Thơ".
* Sở Quy hoạch - kiến trúc tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư với các nhà khoa học để được nghe phân tích giá trị và đề xuất hướng đầu tư hiệu quả cho cả TP, cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận