Các thành viên Hội phát triển Đà Nẵng đều hoạt động tình nguyện để chia sẻ dự án camera.0511 đến với cộng đồng - Ảnh: TR.TRUNG |
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần nối mạng là người dùng có thể chiêm ngưỡng những phong cảnh, điểm nhấn kiến trúc đẹp của Đà Nẵng như cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu vượt Ngã Ba Huế... đang chuyển động từng phút, từng giờ.
Cả thế giới “sống” trước mặt mình
Ý tưởng làm “Đà Nẵng sống” xuất phát từ lời kêu gọi hiến kế và đóng góp cho thành phố trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng cách đây một năm trước. Một nhóm thành viên tích cực trên diễn đàn vừa đi kêu gọi “xã hội hóa” lắp camera, vừa mang những hình ảnh sống động từ camera “xã hội hóa” lại cho mọi người.
Nhóm mong muốn đi xa hơn trong việc giúp mọi người “phản xạ có điều kiện”. Khi anh ý thức được hành vi của mình diễn ra nơi công cộng mà có hàng trăm con mắt cùng “soi” vào và lưu lại thì anh không thể vứt rác bừa bãi, không thể đi vệ sinh tùy tiện..." |
Anh TRẦN HỮU ĐỨC NHẬT |
“Một số anh em có biết tới mô hình trang earthcam.com nổi tiếng trên thế giới. Họ làm những góc quay để những ai không có điều kiện đi du lịch vẫn có thể theo dõi được cả thế giới “sống” trước mặt mình. Thế là chúng tôi bắt tay vô xây dựng trang riêng của Đà Nẵng để những ai muốn là xem được những hình ảnh của máy quay ở ngay thời điểm diễn ra và trong khoảng thời gian quá khứ nhất định” - Trần Hữu Đức Nhật, thành viên Hội phát triển Đà Nẵng, giới thiệu về dự án.
Do thành phố Đà Nẵng đã có một số góc quay phục vụ an ninh, giao thông nên dự án camera.0511 chủ yếu tập trung vào những góc quay toàn cảnh, ở nơi công cộng để phục vụ du lịch với các tiêu chí: địa điểm nổi tiếng và có view đẹp, mọi người nhìn thấy không gian, thời gian đang chuyển động.
Nhóm xắn tay vào từ chọn giải pháp công nghệ rẻ - bền - đẹp đến khâu vận động gia chủ cho lắp đặt máy quay. Anh Nguyễn Hoàng Vỹ, thành viên dự án, cho biết việc vận động kinh phí đã khó nhưng tìm địa điểm lắp đặt còn khó hơn. Do các điểm lắp đặt máy quay nơi công cộng nên bị một số người phản ứng.
“Vì khi đó thành phố cũng ít có camera, người dân chưa hiểu việc lắp đặt như thế nào, vì mục đích gì. Tuy nhiên tới tháng 3-2016 khi Thành ủy Đà Nẵng có chủ trương xã hội hóa camera giám sát toàn thành phố thì mọi việc đã dễ hơn, được mọi người ủng hộ. Sau thời gian chạy thử nội bộ, chúng tôi đã mở hình ảnh ra chế độ công cộng để những chuyển động của Đà Nẵng được bước ra thế giới” - anh Vỹ kể.
Giờ đây ở bất cứ nơi nào, chỉ cần vào địa chỉ http://camera.0511.vn/ thì mọi người đều có thể xem được những góc quay lạ của thành phố từ trên cao và nhìn ngắm không gian thành phố “cuối sông đầu biển” 24/24.
Một trong những góc quay nút giao thông cầu Rồng, Đà Nẵng trên trang web http://camera.0511.vn/ - Ảnh: TR.TRUNG |
Cảm nhận được hơi thở cuộc sống
Camera giám sát được những hình ảnh ở nơi công cộng nên tình trạng tiêm chích ma túy hay trộm cắp tại các điểm lắp đặt máy cũng giảm đi đáng kể. Rất nhiều vụ trộm vặt, tai nạn mà các góc quay ghi lại đã trở thành nguồn tố giác, giúp công an phân định đúng sai cũng như bắt được thủ phạm.
Tuy nhiên theo các thành viên trong nhóm, dù có lợi ích kép này nhưng mục tiêu chính của camera vẫn là phục vụ du lịch, hình ảnh phải “bắt” được những chuyển động của cả không gian rộng của thành phố để người truy cập cảm nhận được hơi thở cuộc sống.
Anh Hà Thịnh, đang định cư tại châu Âu, chia sẻ trên diễn đàn: “Mỗi khi nhớ Việt Nam tôi lại vào camera.0511 để xem trực tiếp. Tôi nhìn thấy thành phố như một đứa bé đang lớn dần lớn dần chứ không bất ngờ và xa lạ như những lần về nước trước đây”.
Anh Trần Nguyễn Duy Thịnh, thành viên quản trị trang camera.0511.vn, cho biết những ngày TP Đà Nẵng quyết định ngăn đầu cầu sông Hàn để thi công hầm chui, lượng truy cập vào hệ thống tăng đột biến. Bởi tại thành phố chưa có các chương trình VOV giao thông như hai đầu đất nước nên cư dân mạng tận dụng tối đa các góc đặt máy quay ở các điểm du lịch và ngã tư quan trọng để cân nhắc tình trạng giao thông và thời tiết khi ra khỏi nhà.
“Khi xây dựng dự án, điều chúng tôi vui nhất là rất nhiều người con xa Đà Nẵng trên khắp thế giới đều trực tiếp xem chuyển động từng giờ của thành phố. Có người sắp tới thành phố thì biết thêm về thời tiết, không gian điểm đến. Chúng tôi nhận được các phản ứng tích cực từ cộng đồng” - anh Thịnh nói.
Ông Phan Uyên Minh, trưởng phòng quản lý và khai thác du lịch biển - Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho rằng cần nhân rộng mô hình này.
“Hiện nay thành phố phủ sóng WiFi nên hầu như chỉ với một chiếc điện thoại là có thể xem được diễn biến ở nhiều địa điểm. Chúng tôi cũng vào đó thường xuyên để giám sát lượng khách tắm biển ở các thời điểm, để tăng cường lực lượng cứu hộ cũng như lực lượng bảo vệ trật tự. Hay như thời điểm đêm hôm mưa gió của cơn bão số 4 vừa qua mình cũng có thêm “con mắt” để giám sát diễn biến khu vực quản lý” - ông Minh cho biết.
Kết nối cơ quan chức năng để hiệu quả hơn Theo ông Nguyễn Văn Duy, phó phòng văn xã thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, đồng thời là quản trị trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp”, việc lắp đặt máy quay để ghi lại những hình ảnh nơi công cộng thì quá tốt nhưng quản lý hình ảnh là một việc nên tính toán lâu dài. “Trong vai trò của mình, chúng tôi cũng xúc tiến để nhóm thực hiện đến với các cơ quan chức năng, như kết nối vào hệ thống máy quay an ninh của thành phố, mục tiêu để dự án hiệu quả hơn, phát huy tốt nhất ý tưởng” - ông Duy nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận