01/06/2017 15:40 GMT+7

​Thành ngữ “hai sương một nắng” là cách vận dụng sáng tạo

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài "SGK tiếng Việt lớp 2 sai ngữ pháp, diễn đạt" của tác giả Nguyễn Minh, nhà xuất bản Giáo dục VN đã lên tiếng giải thích về chuyện này.

Theo tác giả Nguyễn Minh, trong cuốn sách trên có các lỗi diễn đạt như trang 83, trong truyện Kho báu (theo ngụ ngôn Ê-dốp, Nguyệt Tú dịch) có câu: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu...”

Tác giả cho rằng hai thành ngữ “một nắng hai sương” và “cày sâu cuốc bẫm” bị đảo ngược, "nghe không suôn".

Cũng trong truyện Kho báu còn có câu: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời” là lỗi sai khó chấp nhận vì cụm từ “khi đã lặn mặt trời” không phải là văn phong, ngữ pháp của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN, giải thích: “Đúng là “một nắng hai sương” và “cày sâu cuốc bẫm” là hai thành ngữ quen thuộc với mọi người khi nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân. Tuy nhiên, đây không phải là những cấu trúc từ ngữ có tính chất đông cứng, buộc người sử dụng phải dùng đúng trật tự các từ đó trong mọi tình huống”.

Ông Nguyễn Văn Tùng đưa ra các lý do: “Đây là các thành ngữ thuộc văn học dân gian, nên hoàn toàn có thể có dị bản. Khi vận dụng các thành ngữ này vào lời nói hay bài viết, người sử dụng hoàn toàn có thể vận dụng một cách sáng tạo, dưới dạng biến thể miễn là không làm thay đổi nghĩa của thành ngữ. Bằng chứng là trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học) vẫn có mục “hai sương một nắng” với nghĩa như “một nắng hai sương” (trang 416)”.

Với câu văn có dùng cụm từ “khi đã lặn mặt trời”, ông Tùng cho rằng: “Cách diễn đạt “trở về nhà khi đã lặn mặt trời” cũng là một điều hết sức bình thường. Người viết hoàn toàn có thể đảo từ trong trường hợp này để tạo nên hiệu quả về âm điệu cho câu văn mà hoàn toàn vẫn đảm bảo về ý nghĩa.

Chúng ta có thể bắt gặp những cách diễn đạt tương tự như thế phổ biến trong tiếng Việt, ví dụ như: Tí Xíu ơi, mới nhọ mặt người / Con đã hát với bình minh đang đến / Con sửa soạn đón sáng mai trong trẻo / Nước tận nguồn mới mẻ lại cho con (Sáng mai - Bế Thành Long); hay “Đằng cuối bãi tiến lại hai cậu bé con… (Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài)”.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp