Các chỉ số của thị trường dưới áp lực điều chỉnh liên tục chìm trong sắc đỏ, VN-Index đã có thời điểm giảm sâu (ảnh chụp chiều 21-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, việc bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết có hành vi thao túng giá chứng khoán cũng như những tin đồn thất thiệt thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế GDP quý 1-2022 tăng 5% so với cùng kỳ 2021, vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất so với quý cùng kỳ từ 2018 đến nay..., thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, không còn đua nhau bán tháo.
Tan tác cổ phiếu đầu cơ
"Giãy đành đạch, đi bụi luôn rồi. Sàn kiểu này sợ không thoát nổi chứ chẳng chơi", anh N.T.Hải (nhà đầu tư, TP.HCM) cảm thán khi cổ phiếu TGG (Louis Captial) bị nhà đầu tư ào ạt đặt lệnh bán, rớt xuống giá sàn 14.250 đồng/cổ phiếu vào phiên 21-4, ngay sau khi tin ông Đỗ Thành Nhân - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings - bị bắt vì thao túng giá chứng khoán.
Hàng loạt cổ phiếu khác thuộc "hệ sinh thái Louis", có liên quan đến ông Nhân, như cổ phiếu BII (Louis Land), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh)... cũng bị nhà đầu tư bán tháo với giá sàn, trắng bên mua. Trong đó, TGG và BII là hai trường hợp đáng chú ý.
Từ một cổ phiếu chỉ có giá ở mức 1.200 đồng vào đầu năm 2021, sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân thâu tóm, TGG bỗng chốc biến thành "siêu cổ", tăng hơn 6.100%, vươn lên đỉnh cao lịch sử 74.800 đồng/cổ phiếu vào tháng 9-2021, cao hơn cả cổ phiếu hàng loạt doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán.
Tuy vậy sau khi bị nhóm ông Nhân "úp sọt" và việc ông Nhân bị bắt giữ, cổ phiếu TGG đã giảm tới 81% so với mức đỉnh.
Tương tự, từ mức giá 3.900 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2021, dưới bàn tay "ma thuật" của ông Nhân và nhóm Louis Holdings, cổ phiếu BII (Louis Land) đã tăng vọt gần 700% giá trị, lập đỉnh 31.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 9 cùng năm.
Tuy nhiên, cho đến phiên 21-4, mã này đã bị giảm xuống còn 6.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mất tới 78% so với đỉnh.
Tháng 3-2022, sau khi ông Trịnh Văn Quyết (nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) cùng một loạt lãnh đạo của tập đoàn này bị bắt giữ về tội thao túng thị trường chứng khoán, giá các cổ phiếu "họ FLC" như FLC, ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) cũng bị bán tháo, liên tục "lau sàn".
Đến nay, hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" đã bị thổi bay 70 - 80% thị giá. "Cầm mã rác mà mộng tưởng hột xoàn, kim cương. Tan nát. Quá đáng sợ", anh T. (một nhà đầu tư) chia sẻ sau khi bị lỗ hơn 40% do mua cổ phiếu ROS.
Nhà đầu tư này cũng cho biết vì mới bước chân vào thị trường chứng khoán, kỳ vọng rất nhiều, nên "cảm thấy rất sốc" khi bị thua lỗ.
"Trót mua cổ phiếu bơm thổi, giờ bị lỗ tan tành, biết trách ai bây giờ. Nhưng vài bữa lại ra tin bắt chủ tịch của công ty này công ty nọ, tôi cũng sợ, không biết khi nào thị trường tăng lại nữa", chị T.Y.Thy (nhà đầu tư ở TP.HCM) chia sẻ.
Tuy nhiên không chỉ cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt cũng bị "vạ lây", liên tục lao dốc khi nhà đầu tư đua nhau bán để thoát hàng.
Phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM chiều 21-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Yếu tố tích cực cho thị trường trong dài hạn
Dù chứng khoán liên tục chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index mất gần 107 điểm trong 6 phiên gần đây, thậm chí giảm 155 điểm trong nửa tháng nay nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng thua lỗ.
Tự nhận mình là "kẻ nhát gan" vì không mua cổ phiếu đầu cơ, anh T.M.Nguyên (nhà đầu tư, TP.HCM) cho biết danh mục đầu tư của mình không những không bị lỗ mà vẫn lãi đều, vì đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn bài bản, có thanh khoản tốt.
Trong thực tế cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành đã tăng mạnh, bất chấp hàng loạt mã khác lao dốc. Chẳng hạn, trong vòng một quý này, giá cổ phiếu DGW (Công ty CP Thế giới số) đã tăng một mạch hơn 70%, lên trên 152.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời gian này giá cổ phiếu "vua cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC) cũng tăng hơn 70%, lên 103.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ) liên tục thu hút dòng tiền, tăng hơn 87% tính từ đầu năm đến nay, kể cả phiên 21-4 vẫn tăng khi thị trường chung giảm.
"Bão qua quét sạch rác rưởi thì cây cối lại đâm chồi, thị trường càng trong sạch càng rộng cửa được nâng hạng, sẽ đón chào một lượng lớn tiền từ nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài, vậy thì có chi đáng sợ.
Nhiều người kêu nắm dài hạn, nhưng tầm nhìn dài hạn đó chỉ trong T+3", nhà đầu tư H. chia sẻ trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bị giảm sâu vì việc thanh lọc thị trường chứng khoán.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hoài Thu - giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital - cho rằng việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
"Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi", bà Thu nói.
Theo bà Thu, ngoài việc hàng loạt chủ tịch bị bắt giữ vì thao túng giá chứng khoán cùng những tin đồn thất thiệt, chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh còn do tác động bởi nhiều yếu tố không mấy thuận lợi.
Điển hình là xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. Tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới.
Dù vậy, với việc VN-Index giảm mạnh trong thời gian gần đây, bà Thu cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.
Với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau dịch COVID-19, theo Bloomberg, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22% trong năm 2022.
"Nếu nhìn lại những năm vừa qua, có thể thấy rằng với triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam và của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường sẽ sớm vượt qua những khó khăn", bà Thu nhận định.
Buổi gặp gỡ báo chí do Louis Holdings tổ chức vào tháng 10-2021, khẳng định “không thao túng cổ phiếu”. Nhưng ông Đỗ Thành Nhân (đứng) lại vừa bị bắt vì tội này - Ảnh: BÔNG MAI
Bảo vệ quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư
"Việc khởi tố, bắt tạm giam đối với các đối tượng có hành vi thao túng chứng khoán không phải lần đầu trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết quả xử lý nhanh chóng như vụ việc liên quan tới "nhóm Louis" là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an", đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhận định.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 20-4 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đỗ Thành Nhân (chủ tịch Công ty CP Louis Holdings), bà Trịnh Thị Thúy Linh (giám đốc hành chính Louis Holding), ông Đỗ Đức Nam (tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt) và bà Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Công ty CP chứng khoán Trí Việt) do có hành vi thao túng giá chứng khoán.
Đây được xem là động thái mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, không chỉ bảo vệ quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư mà còn tạo ra môi trường lành mạnh, sòng phẳng cho các doanh nghiệp niêm yết chân chính trên thị trường.
Tại nhiều thị trường chứng khoán phát triển, việc xử phạt người thao túng chứng khoán là điều diễn ra thường xuyên.
Chẳng hạn vào cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan công tố Nhật Bản đã ra lệnh bắt giam một phó chủ tịch của Công ty chứng khoán SMBC Nikko (công ty chứng khoán lớn thứ ba tại Nhật Bản), khởi tố 5 nhân viên của công ty này về tội thao túng thị trường chứng khoán, có thể phải chịu án lên tới 10 năm tù.
* Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giám sát chặt
Hôm qua 21-4, trao đổi với Tuổi Trẻ về một số vụ việc liên quan đến thị trường chứng khoán thời gian gần đây, ông Hồ Đức Phớc cho biết đã chỉ đạo các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng... giám sát, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử nghiêm các hành vi thao túng giá chứng khoán.
Theo ông Phớc, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Nhưng nhiều tin đồn thất thiệt thời gian qua đã gây lo lắng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Dù vậy, thị trường vẫn rất tiềm năng, bằng chứng là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh tay mua vào khi nhiều nhà đầu tư cá nhân đua nhau bán và giá nhiều cổ phiếu lao dốc.
Với trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua có xảy ra một số sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng đây là sai phạm cá biệt, còn đại đa số doanh nghiệp đều phát hành trái phiếu đúng quy định.
Ông Phớc tin tưởng rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển và là kênh huy động vốn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, theo ông Phớc, Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp nhằm hạn chế tối đa những lỗ hổng, nhược điểm, tăng cường tính minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để sửa nghị định 153 năm 2020 về chào bán phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng siết điều kiện phát hành.
Bộ Tài chính cũng sẽ giám sát mục đích phát hành, phạm vi phát hành cũng như các điều kiện phát hành. Doanh nghiệp thua lỗ, có nợ xấu, không đảm bảo an toàn về tài chính... sẽ không được phát hành.
Khi phát hành và sử dụng trái phiếu, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý để đảm bảo việc huy động vốn là tập trung sản xuất kinh doanh chứ không phải là cho vay lại, trả nợ hay tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
* Hôm 20-4, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác phải yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bộ Công an được yêu cầu chủ động nắm tình hình để thực hiện các biện pháp phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
L.THANH
* TS Lê Xuân Sang (phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):
Hạn chế tác động tiêu cực đến chứng khoán
Việc phát hiện những vụ thao túng giá chứng khoán và những cá nhân liên quan trong thời gian gần đây là rất cần thiết nhằm xây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, bảo đảm kỷ luật tài chính, ngăn chặn hiệu quả hơn các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư...
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường này, nhất là không để các doanh nghiệp niêm yết cũng như nhà đầu tư lo ngại, hoảng sợ.
Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý, nâng cấp và thành lập mới các công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập cao hơn.
Trên cơ sở đó nâng cao tính hiệu quả, độ an toàn cho các hoạt động đầu tư, phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra cần tăng cường, đẩy nhanh hơn việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng rộng rãi các chuẩn mực quốc tế về tài chính, báo cáo tài chính. Đặc biệt, sớm hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư.
* Ông Huỳnh Minh Tuấn (nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT):
Không nên lo lắng thái quá về trái phiếu
Dữ liệu thống kê của FIDT cho thấy có khoảng 40.000 tỉ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2022, 57.000 tỉ đồng đáo hạn trong năm 2023 và 70.000 tỉ đồng đáo hạn trong năm 2024.
Đây cũng chính là tác nhân lớn "nhấn chìm" thị trường chứng khoán trong những ngày qua, khi nhà đầu tư lo ngại việc rút dòng tiền từ thị trường chứng khoán để bù đắp, vì gần như các trái chủ sẽ không tái đầu tư nữa sau vụ Tân Hoàng Minh.
Tuy nhiên, dựa vào doanh thu và lợi nhuận dự phòng của doanh nghiệp bất động sản niêm yết huy động trái phiếu, mọi thứ không xấu như nhà đầu tư lo nghĩ.
Doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có huy động trái phiếu dự kiến đạt khoảng 370.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 70.000 tỉ đồng và tiền mặt đang có 85.000 tỉ đồng, vượt xa số tiền đáo hạn gần 32.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2023.
Điều này cũng chứng minh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói chung vẫn có thanh khoản tốt. Do đó, nhà đầu tư không cần quá lo ngại về vấn đề đáo hạn này cho cả năm 2022 và 2023.
L.THANH - B.MAI ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận