Nghệ sĩ Thành Lộc vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang - Ảnh: GIA TIẾN
Buổi gặp gỡ nằm trong chương trình giao lưu - truyền nghề NSƯT Thành Lộc và diễn viên trẻ do ban lý luận phê bình CLB Phóng viên sân khấu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) tổ chức tại sân khấu Sen Việt (5B Võ Văn Tần, quận 3).
Với tài năng và kinh nghiệm dày dặn của mình trong lĩnh vực sân khấu, Thành Lộc đem đến cho các bạn học viên những câu chuyện, kinh nghiệm nghề nghiệp bổ ích.
Nghệ sĩ Thành Lộc (vai ông Tư), nghệ sĩ Hữu Châu (vai ông Năm) trong vở Dạ cổ hoài lang do sân khấu IDECAF dựng lại - Ảnh: GIA TIẾN
Trong đó, anh chia sẻ câu chuyện về vở diễn Dạ cổ hoài lang, được xem là một trong những vở kịch nói xuất sắc của sân khấu miền Nam.
Vở ra đời khoảng những năm 1990 về nỗi lòng của những ông già Nam Bộ sang Mỹ sinh sống với con cháu, nỗi niềm khi bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, sự khác biệt về văn hóa với con cháu ở đất nước xa lạ. Vở chỉ có 4 nhân vật: ông Tư, ông Năm, cô cháu gái và bạn trai của cô cháu gái.
Nghệ sĩ Thành Lộc gặp gỡ các bạn học viên trẻ vào chiều 22-3 tại sân khấu Sen Việt - Ảnh: LINH ĐOAN
Thành Lộc kể ba anh là nghệ nhân hát bội nên có những suy nghĩ khá cổ điển. Khi đất nước thống nhất, Thành Lộc khoảng 14 tuổi và tiếp cận những luồng suy nghĩ mới, trong đó có những suy nghĩ khá cách tân, có những cái đối lập với những suy nghĩ bảo thủ.
"Vì còn trẻ, ngựa non háu đá nên trong lúc tranh luận giữa cái mới và cái cũ, tôi đã lỡ lời làm tổn thương ba mà không biết. Sau khi ba qua đời, từng lời nói, hành động của nhân vật ông Tư y như ba tôi nhập vào. Khi diễn cảnh cô cháu gái làm tổn thương ngoại mình, tôi nhớ ba lắm…" - Thành Lộc xúc động nói.
Ngoài nỗi nhớ về người cha kính yêu, Thành Lộc cũng chia sẻ thêm về quá trình hóa thân vào nhân vật. Anh tâm sự lúc đó còn trẻ nên khả năng tập trung cho nhân vật còn dở, vì vậy cách anh vào vai rất cực.
Thành Lộc ngoài đời là người rất nhộn, thời ấy thầy Văn Thành thường gọi anh là "con quỷ" vì hay đi chọc ghẹo người khác. Vai ông Tư thì buồn từ đầu tới cuối nên ngày nào diễn vở cứ trưa ăn cơm xong anh xách xe chạy ra quán cà phê. Ngồi gục lên gục xuống nhưng không dám ngủ trưa để tâm lý nặng xuống, người không còn năng lượng để đừng… tăng động, mắt cay xè để tối có thể khóc được.
Từ sáng hôm đó anh đã không dám đùa giỡn, chuẩn bị tâm lý buồn cho cả ngày. Tối nào diễn xong anh cũng không dám về nhà, cứ chạy vòng vòng rồi tấp vào quán kêu một ly vang đỏ, im lặng uống một mình tới chừng nào thoát được vai, xả được hết nỗi buồn mới chạy về nhà.
Có thể nói vai ông Tư là vai Thành Lộc diễn nhiều nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình với khoảng 700 suất diễn. Thời điểm ra mắt, vở được sắp lịch diễn ngay mùa Tết với 3 suất 1 ngày. Thành Lộc cho biết lần đầu tiên mà ngày Tết khán giả mua vé vô rạp để khóc hu hu.
Sáng nào, khán giả cũng xếp hàng mua vé từ 5B Võ Văn Tần kéo dài đến tận hồ Con Rùa. Sau đó vở còn được đưa ra Hà Nội biểu diễn. Sau vở Dạ cổ hoài lang, Thành Lộc bị tăng độ mắt vì khóc nhiều quá khiến mắt mờ và đuối sức.
Với Thành Lộc, Dạ cổ hoài lang là: "Vở khiến mình khóc và buồn nhiều nhất nhưng cũng đem đến cho mình nhiều niềm vui. Vở đã diễn được một thời gian rất dài và chinh phục được tình cảm của khán giả, đem đến cho tôi thành công trong nghề nghiệp. Sau đợt biểu diễn tại Hà Nội và diễn cho Quốc hội, thành công của vở góp phần là cú hích để tôi được phong Nghệ sĩ ưu tú".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận