Tuấn Khải (vai Tinh tinh lông trắng) và NSƯT Thành Lộc (vai Sếu đầu đỏ) trong vở Bảo tàng quái vật - Ảnh: Anh Khoa |
Khác với những cuộc dạo chơi cùng các bé trước đây, lần này Quang Thảo - Đình Toàn chia sẻ họ muốn làm một cuộc thể nghiệm táo bạo. Gần như lần đầu tiên, chương trình Ngày xửa ngày xưa không có hoàng tử, công chúa, không có phép thuật biến hóa.
Mất đi yếu tố huyền ảo từ thế giới thần tiên, đôi bạn tác giả - đạo diễn muốn “mê hoặc” các bạn nhỏ bằng thế giới hiện tại xen lẫn những giai thoại từ triệu triệu năm trước, khám phá thế giới muôn loài kỳ bí với những con thú mà các bạn nhỏ bây giờ dường như chỉ được nhìn thấy trên sách vở...
Vở diễn bắt đầu tại một bảo tàng - nơi khách tham quan, các em học sinh đến để ngắm nhìn những con vật kỳ lạ, quý hiếm đã hóa thạch như: tê giác hai sừng, nhím gai tím, khủng long, tinh tinh lông trắng, cù lần lông quắn...
Thế nhưng khi đêm xuống, cánh cửa bảo tàng vừa đóng lại thì bất ngờ một thế giới sống động xuất hiện. Những con thú cứng đờ suốt cả ngày phục vụ khách tham quan bắt đầu động đậy, nhảy múa, nô đùa.
Bọn chúng được ông vua Sáng chế (Đức Thịnh) và bà Đồng hồ (Hoàng Trinh) đưa về bảo tàng vờ hóa thạch để bảo toàn tính mạng trước sự truy sát kinh hoàng của con người ở ngoài kia.
Rồi một ngày bà Sếu đầu đỏ (NSƯT Thành Lộc)... chuyển phát nhanh đến bảo tàng một món quà to vật vã. Mọi người tròn mắt khi mở ra, đó là chú Voi mamút (Đình Toàn). Ai đã gửi Voi mamút đến? Cuộc hành trình khám phá bí mật rừng sâu dần mở ra...
Cảnh trong vở kịch. |
Là một câu chuyện tưởng tượng, lại táo bạo đưa những bài học “giáo dục khoa học khô khan” vào chương trình vốn tưng bừng vui nhộn trước giờ như Ngày xửa ngày xưa là một phép thử với êkip thực hiện và cả khán giả nhí.
Ngay giả định các con thú phải giả hóa thạch để đảm bảo tính mạng sau ngưỡng cửa bảo tàng cũng đã là cách đặt vấn đề đầy trăn trở.
Con người tàn bạo đến mức này sao? Họ truy cùng đuổi tận đến mức các con thú tội nghiệp phải trốn vào bảo tàng làm hình nộm và đêm đêm gào thét vì nỗi nhớ rừng già sâu thẳm...
Những điều đó không dễ giáo huấn bằng lời với con trẻ, thế nhưng các câu chuyện lại có thể truyền được cảm xúc một cách tự nhiên.
Ngay đêm phúc khảo, có khán giả người lớn cho rằng vở kịch kém vui so với các chương trình trước. Tuy nhiên, đạo diễn Đình Toàn thẳng thắn: “Tôi muốn người ta hỏi kịch có hay không chứ không phải có vui không. Tôi làm kịch cho thiếu nhi nên người lớn có coi thì chỉ coi ké. Đối tượng chính là các em nên tôi không tìm cách bày trò nhiều để... chiều người lớn!”.
Đi vào câu chuyện là tác giả - đạo diễn, nghệ sĩ cùng các em khám phá thế giới đã mất, những con vật đã tuyệt chủng. Khám phá để các em tự tìm thấy câu trả lời, rồi chọn lấy cách yêu thương, bảo vệ để những con vật khốn khổ không tự dưng biến mất.
Đó là cách lựa chọn để những người thực hiện muốn ươm mầm tình yêu thiên nhiên đến các bé, còn chạm đến cảm xúc khán giả nhí tới đâu có lẽ phải còn đợi khi vở khởi động...
Vở Bảo tàng quái vật diễn các ngày cuối tuần tại nhà hát Bến Thành, bắt đầu từ ngày 20-5 đến 3-7. Vở có sự tham gia của các diễn viên: Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, Lê Khánh, Bạch Long, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Tuấn Khải... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận