Tọa đàm "Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học" chiều 28-10 - Ảnh: HÀ THANH
Chiều 28-10 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Rào cản tự chủ đại học trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học", do Báo giáo dục Việt Nam tổ chức.
Tọa đàm tập trung thảo luận về việc xuất hiện khái niệm "cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học" và việc trao quyền cho hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học.
Chỉ rõ Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến trao quyền tự chủ cho các trường đại học, TS Lê Viết Khuyến - trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng để "giải phóng" cho các trường tự chủ, cần tháo gỡ những vướng mắc để trao quyền tự chủ thực sự.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng phải trao quyền cho hội đồng trường - Ảnh: HÀ THANH
"Logic tất yếu là khi trao quyền tự chủ cho các trường đại học thì phải thấy ai trao, ai nhận chứ không chỉ hô chung chung khẩu hiệu", TS. Khuyến thẳng thắn chỉ ra.
Theo ông, lâu nay với trường đại học công lập, Nhà nước ủy quyền cho các cơ quan chủ quản, do đó cơ quan chủ quản phải sẵn sàng, tự nguyện bỏ, nhường quyền của mình, chuyển giao cho các trường đại học.
"Trao quyền đó cho ai? Không phải cho cá nhân hiệu trưởng mà trao cho hội đồng trường, làm rõ vai trò của hội đồng trường được trao quyền thực sự như thế nào rất quan trọng, nếu không làm được điều này thì chúng ta không thấy hội đồng trường", ông Khuyến nêu quan điểm.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng chủ trương tự chủ đại học tạo ra sự dịch chuyển quyền lực - Ảnh: HÀ THANH
Đồng tình quan điểm cần trao quyền cho hội đồng trường, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo - cho rằng chủ trương tự chủ đại học tạo ra sự dịch chuyển quyền lực.
"Mà dịch chuyển quyền lực không bao giờ dễ, đó là một quá trình đấu tranh, phải có thời gian", GS Lâm Quang Thiệp cho biết.
Theo ông Thiệp, công cụ để thực hiện tự chủ đại học là hội đồng trường, khái niệm này xuất hiện từ năm 2003, tuy nhiên hiện nay có rất ít hội đồng trường, nếu có cũng không có thực quyền.
Chỉ ra hiện có khoảng 30% trường có hội đồng trường theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên TS Lê Viết Khuyến cho rằng vướng mắc hiện nay là các hội đồng trường chưa có thực quyền.
Theo ông, điều mà các trường đại học công lập lo sợ khi thành lập hội đồng trường là phải chuyển quyền, mất quyền "xin - cho". Bên cạnh đó, hiệu trưởng cũng mất quyền nếu trao quyền cho hội đồng trường.
Ông Khuyển nêu ý kiến: "Người nắm quyền là cơ quan chủ quản không muốn mất quyền, hội đồng trường không có thực quyền nên chủ trương tự chủ chỉ có trên danh nghĩa, không đi vào cuộc sống".
Lo lắng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ban ra sẽ "trói" các trường đại học, GS.TS Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng để xóa bỏ rào cản trong tự chủ đại học cần có kiến nghị chặt chẽ, thuyết phục đến cấp cao nhất.
"'Thượng tầng' muốn thay đổi, 'hạ tầng' là thầy cô, học sinh, phụ huynh muốn thay đổi nhưng chính 'tầng giữa' không buông, làm cho trên không thông xuống dưới, dưới không thông lên trên", GS.TS Lê Vinh Danh nói.
GS.TS Trần Đức Viên - chủ tịch hội đồng học viện, Học viện nông nghiệp Việt Nam - nêu quan điểm, tự chủ đại học là giao cho các trường tự quyết định số phận của mình. Do đó, cần người đứng đầu dũng cảm, năng động, dấn thân, đồng thời có sự đồng hành của cơ quan Nhà nước, Bộ GD-ĐT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận