13/02/2012 05:27 GMT+7

Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương nhớ Whitney Houston

NGA LINH ghi
NGA LINH ghi

TT - Rất nhiều ca sĩ Việt Nam đã cùng bày tỏ cảm xúc tiếc thương khi nghe tin Whitney Houston qua đời. Sự ra đi của một nghệ sĩ khi còn ngày dài tháng rộng phía trước lại khiến nhiều người nghĩ về sự cân bằng trong đời sống.

Ca sĩ Tùng Dương: Càng cao danh vọng, càng dày gian nan

haryUIoT.jpgPhóng to
Ảnh: Gia Tiến

Khó ai thể hiện được những tình ca bất hủ như cách của Whitney - một người phụ nữ rất đẹp và có giọng hát đầy kiêu hãnh. Từ khi 13, 14 tuổi tôi đã mua những cuốn băng cassette của cô, cố gắng học theo thần tượng của mình, đến nỗi khi học ở nhạc viện mọi người còn gọi tôi là “thằng Whitney”. Sau này rất nhiều sự luyến láy, “phiêu” theo âm nhạc của tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ Whitney, dẫu rằng rất khó để hát được giống phần nào thần tượng của mình. Ngay cả khi nghệ sĩ này xuống dốc, tôi vẫn cập nhật tin tức, mua album mới I look to you, dự buổi live show của Whitney tại Đức năm ngoái. Hôm nay, tôi biết là mình quá may mắn vì từng chứng kiến tận mắt thần tượng của mình...

Đối với cá nhân tôi, điều nghiệm ra được từ sự ra đi đột ngột của Whitney hay Michael Jackson là một cuộc sống nghệ sĩ lâu bền chỉ khi cuộc sống đó lành mạnh. Ông bà chúng ta đã nói rồi “càng cao danh vọng, càng dày gian nan”, phàm làm nghệ thuật tránh được cám dỗ đã đành, phải biết lường trước cả cám dỗ. Ngã rẽ đời mình xảy ra như thế nào do mình quyết định. Một giọng hát dồi dào nội lực nhưng với những lựa chọn đầy bản năng trong tình yêu, trong vấn đề sức khỏe, cuối cùng Whitney đã phải lãnh trả bằng chính sự sống của mình.

Ca sĩ Thanh Lam: Ảnh hưởng lớn nhất từ Whitney là niềm hoan ca

db5GaZaz.jpgPhóng to
Ảnh: Nguyễn Khánh

Còn nhớ khi Whitney 15, 16 tuổi, chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng đã rất nổi tiếng. Sau này tôi không bao giờ thấy chạnh lòng khi may mắn được so sánh với cô ấy mà coi đó là một tiêu chí hướng đến. Ảnh hưởng lớn nhất từ Whitney là niềm hoan ca, luôn luôn có cảm giác trong các ca khúc của cô chứa nhiều ước mơ, sức sống. Cô ấy hát tốt đến nỗi không còn cảm giác nào về kỹ thuật thanh nhạc hay giới hạn của ca khúc. Nhưng nghệ sĩ là như thế đấy, sự yếu đuối nhất của nghệ sĩ là đôi khi không tìm được cân bằng, muốn đập tan sự phẳng lặng, tạo ra những niềm vui quá khích và cả những nỗi buồn quá khích, rồi rơi vào những vòng xoáy bi kịch...

Ca sĩ Mỹ Linh: Whiney đã tạo cảm hứng cho tôi

mGDB077Y.jpgPhóng to
Ảnh: Gia Tiến

Tôi chịu ảnh hưởng của Whitney rất nhiều, đặc biệt trong những năm đầu hoạt động nghệ thuật. Dù không chọn cách hát lại các ca khúc của nghệ sĩ này, nhưng giọng hát lộng lẫy, đầy cao trào của Whiney đã tạo cảm hứng cho tôi trong cách xử lý rất nhiều nhạc phẩm Việt Nam. Tôi cũng khuyến cáo với các con mình, đặc biệt là với Anna đang muốn theo đuổi nghệ thuật: “Đây là một trong số những nghệ sĩ con cần phải nghe trong đời!”.

Đáng tiếc vô cùng là sau này dù có nhiều dịp đến Mỹ nhưng tôi chưa từng được xem bất kỳ live show nào của Whitney. Tôi cũng phải suy nghĩ hơn về sự cân bằng trong cuộc sống của một nghệ sĩ, về cách xây dựng một nền tảng gia đình, để cho dù gặp vấn đề gì thì cũng có nơi chốn để quay về. Có lẽ nghệ sĩ châu Á như chúng ta sống ôn hòa hơn, không quá xem nặng việc mình là ngôi sao nổi tiếng, trong khi môi trường sống của các nghệ sĩ nước ngoài nhiều cám dỗ hơn, khắc nghiệt hơn...

Valentine vắng Whitney

Có một điều gì đó kỳ lạ trên các mạng xã hội hôm qua khi thông tin về sự ra đi đột ngột của Whitney Houston được những bạn trẻ 8X, 9X lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Bởi khi Houston trên đỉnh cao (thập niên 1980, 1990) những bạn trẻ này chỉ mới ra đời hoặc còn chơi nhảy dây, ô quan ngoài hiên nhà. Đến khi họ trưởng thành và bắt đầu có thể thưởng thức âm nhạc như một khán giả thực thụ thì hẳn những nhóm boyband đẹp mã hay dòng nhạc teenpop tươi trẻ kiểu Britney Spears mới là trào lưu số một bấy giờ.

Vậy thì Whitney Houston ở đâu trong dòng chảy nhạc trẻ thế giới đầy xáo động ba thập niên qua?

Các nhà thiên văn nói bất cứ vì tinh tú ra đời vào thời điểm nào cũng có lý do của nó. Trường hợp của Whitney là vậy. Ở thập niên 1980, Whitney xuất hiện vào giữa thời điểm giao thời giữa những tượng đài như Ella Fitzgerald, Aretha Franklin đã luống tuổi và trước Mariah Carey lẫn Celine Dion xuất hiện. Bấy giờ dòng nhạc rock Âu - Mỹ cũng có dấu hiệu bão hòa, Whitney nhanh chóng hiện thân cho sự mới mẻ. Trong những clip ca nhạc chất lượng hình ảnh kém và nội dung còn nghèo nàn lúc bấy giờ, Whitney Houston vẫn gây thảng thốt cho khán giả bởi chính nội lực song toàn của mình: vừa có thể luyến láy R&B đậm đà và dịu dàng hết mực, vừa có thể cất lên những quãng cao kịch tính tuôn trào cảm xúc.

Trong thời buổi làng nhạc thế giới tràn ngập kỹ xảo công nghệ hay những danh xưng “diva” được tấn phong vô tội vạ ngay cả ở những nền nhạc nhẹ non trẻ, thì Whitney Houston là một diva được lưu truyền với những tinh tuyền của một nghệ sĩ đích thực. Biết bao nhiêu triệu người yêu nhạc đã lặng người vào thời khắc mà Whitney mở to khẩu hình để hát câu “Em sẽ mãi yêu anh” trong bài nhạc tình bất hủ cùng tên. Chất giọng hoàn hảo và cảm xúc mãnh liệt từ Whitney hiển nhiên là tấm gương cho bất cứ bạn trẻ nào muốn theo đuổi nghề ca...

Valentine năm nay đã vắng Whitney Houston rồi, nhưng những người yêu nhau mãi khó thể quên lời hát giản dị nhưng đầy đủ ý nghĩa nhất từ Whitney: “I will always love you”.

NGA LINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp