Đây là hoạt động khoa học lịch sử có ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024).
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cùng nhiều nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Đón tiếp hàng chục nghìn đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Theo tài liệu tại hội thảo, chỉ hơn một tháng sau Hiệp định Geneve, ngày 31-8-1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 87-CT/TW "Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc"; trong đó yêu cầu: "Việc đón tiếp, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở và công ăn, việc làm cho số người nói trên cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt.
Cần đề cao tinh thần yêu nước, yêu mến đồng bào miền Nam, đề cao tinh thần đoàn kết của nhân dân, cán bộ và bộ đội toàn quốc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất và hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc".
Trong thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là một trong những địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
Khu vực cửa biển Lạch Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, được chọn là điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, điều kiện cần thiết để đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam ra tập kết như đón những người thân yêu, ruột thịt của mình.
Tính từ ngày 25-9-1954 đến ngày 1-5-1955, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 7 đợt, với 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam; là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất cả nước.
Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng trường học sinh miền Nam số 9 tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của con em đồng bào, cán bộ miền Nam, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những "hạt giống đỏ" cho cách mạng miền Nam và cho phát triển đất nước.
Sâu nặng nghĩa tình Nam - Bắc
Tại hội thảo này, ban tổ chức đã nhận được 56 báo cáo tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học.
Các tham luận đã cung cấp thông tin đa dạng, phong phú về việc đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, cũng như việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hóa.
Sau chiến tranh, nhiều người con ruột thịt miền Nam đã ở lại học tập, lao động, làm việc, cống hiến và trưởng thành trên đất Bắc, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: "Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình" có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc".
"70 năm đã trôi qua, nhưng tình cảm, trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận