Các hố khai quật khảo cổ học tại khu vực hào thành của di sản Thành nhà Hồ - nơi vừa phát hiện nhiều hiện vật quý - Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) cung cấp |
Theo tiến sĩ Đỗ Quang Trọng - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, diện tích khai quật khảo cổ học tại khu vực hào thành di sản Thành nhà Hồ là 2.040m2, tổng chiều dài hố khai quật là 170m.
Sau hai tháng khai quật, bước đầu phát hiện nhiều hiện vật, các cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối được ghè đẽo, cụm dăm đá, đặc biệt tại khu vực này phát hiện được các tảng đá khối có dấu vết chế tác.
Các hiện vật quý vừa được phát hiện khu vực hộ thành gồm đá vôi nguyên khối, đá phiến (89 viên), trong đó có những viên đá kích thước khá lớn, hình khối hộp chữ nhật; những mảnh dăm đá được đục đẽo từ những viên đá khối, có chỗ tạo thành mảng lớn.
Vật liệu kiến trúc chủ yếu là gạch hình chữ nhật, mảnh ngói sen thời Trần - Hồ. Đồ gốm men gồm có đồ gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê sơ. Đồ sành gồm có đồ sành thời Trần - Hồ và thời Lê sơ.
Hiện vật phát hiện tại khu vực lòng hào gồm đồ gốm men thời Trần - Hồ, dao sắt, chì lưới gốm, mảnh gỗ, mảnh đá phiến, đạn đá, mũi tên sắt. Đặc biệt còn phát hiện một số lon sành thời Trần - Hồ còn nguyên vẹn, một số mảnh xương động vật…
Được biết, đây là lần đầu tiên Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tiến hành khai quật hào thành của di sản Thành nhà Hồ. Cuộc khai quật làm sáng rõ cấu trúc, chức năng của vị trí chân thành, cấu trúc và chức năng của hào thành.
Trên khắp mặt chân thành là dấu tích của vật liệu đá, gạch và đồ gốm sứ. Nhiều vật liệu đá lớn gần thành phẩm có kích thước, dáng dấp tương tự đá xây dựng tường thành.
Bên cạnh các khối đá là các dăm đá nhỏ, dấu vết sự gia công các khối đá chứng tỏ đá xây dựng tòa thành sau khi được chế tạo ở An Tôn đã tiếp tục được tinh chế tại đây.
Trên mặt bằng hố khai quật còn có chín cụm đá dăm khác là dấu tích của các khối đá được chuyển đi xây dựng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận