25/02/2019 09:42 GMT+7

Thanh Hóa: còn gần 1.900 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Theo rà soát, thống kê của phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh còn gần 1.900 công dân đang lao động trái phép tại Trung Quốc.


Thanh Hóa: còn gần 1.900 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Nghi phạm Lê Văn Cảnh (26 tuổi, trú tại xã Hà Yên, huyện Hà Trung) đang bị Công an huyện Hà Trung điều tra về hành vi tổ chức cho người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc - Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp

Trong những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn công dân của tỉnh xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc, nên số lao động trái phép các năm gần đây đã giảm rõ rệt.

Đến nay, toàn tỉnh còn 1.885 trường hợp đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc (giảm 86,17% so với năm 2015), tập trung chủ yếu từ các huyện Quảng Xương (225 người), Hậu Lộc (244 người), TP Sầm Sơn (110 người), Mường Lát (102 người), Hà Trung (95 người), Thạch Thành (75 người), Thường Xuân (73 người), Hoằng Hóa (73 người), Cẩm Thủy (68 người).

Trong khi đó, vào thời điểm tháng 2-2016 có tới 8.321 công dân Thanh Hóa lao động trái pháp luật tại Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) có 78 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp tại các xưởng sản xuất đồ nhôm, ví da, với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng.

Anh Đ.V.S. (28 tuổi, trú tại thôn Đông, xã Quảng Nham) từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc, bị công an Trung Quốc bắt giữ, cho biết: "Tháng 6-2018, tôi nghe lời một người bạn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc tại xưởng làm ví da ở tỉnh Quảng Đông, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. 

Công việc rất vất vả vì phải làm cả ngày. Nơi tôi ở chật chội, bữa ăn không đảm bảo cho sức khỏe. Tôi làm việc được 5 ngày thì bị công an Trung Quốc bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp. Tôi bị giam 74 ngày rồi được đưa trở lại Việt Nam. 

Sau khi về đến biên giới nước ta, tôi phải gọi nhờ điện thoại về nhà cho người thân gửi tiền để trở về nhà. Chuyến xuất cảnh trái phép nhớ đời của tôi chi phí mất hơn 10 triệu đồng, khiến gia đình thêm khó khăn. Hiện nay, tôi đã tìm được công việc ổn định tại quê nhà".

Theo phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh tuyên truyền, ngăn chặn việc đưa người xuất cảnh bất hợp pháp sang Trung Quốc lao động trái phép, phòng chức năng và công an các địa phương đã tăng cường xử lý các vi phạm trong xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 43 trường hợp vi phạm; khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đi nước ngoài.

Gần đây nhất, ngày 8-2, Công an huyện Quảng Xương kịp thời phát hiện, ngăn chặn một xe ôtô chở 11 người; ngày 12-2, Công an huyện Hậu Lộc phối hợp với phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh phát hiện, ngăn chặn một xe ôtô chở 17 người đang trên đường di chuyển đi biên giới để xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật. 

Hiện nay, phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Công an huyện Hậu Lộc và Công an huyện Hà Trung củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đi nước ngoài.

Bình Thuận: gần một nửa lao động Trung Quốc 'làm chui'

TT - Chiều 31-3, Sở Lao động - thương binh & xã hội Bình Thuận cho biết trong quý 1-2014 tổng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của bốn nhà thầu thi công Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong) là 528 người. Tuy nhiên trong số này chỉ có 283 người được cấp phép, 245 người còn lại chưa được cấp giấy phép lao động, các nhà thầu đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy phép.

HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp