Đây là di tích cấp quốc gia, nằm trong quần thể di tích Lam Kinh - vừa đón nhận bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt vào dịp lễ hội Lam Kinh cuối tháng 9 vừa qua.
Phóng to |
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai sau khi bị cháy lúc rạng sáng 1-12 - Ảnh: V.N. |
Phóng to |
Khung cảnh tan hoang tại đền thờ sau vụ cháy - Ảnh: V.N |
Phóng to |
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai trước khi bị cháy - Ảnh: Hà Đồng |
Người dân ở gần đền thờ cho biết, khoảng 1g30, bà con ở làng Tép nghe tiếng nổ, rồi lửa phát lên cháy bùng bùng từ phía đền Tép (tên gọi dân gian của đền thờ Lê Lai). Lúc này, cả làng Tép đều thức dậy, dùng trống, chiêng đánh lớn, khua báo động khắp xã.
Tiếp cận hiện trường vụ cháy, nhiều người thấy lửa cháy hừng hực, đền Tép chìm trong biển lửa. Hàng trăm người dân địa phương dùng xô, chậu múc nước từ các ao hồ xung quanh để dập lửa nhưng hầu như bất lực.
Đến hơn 3g sáng, ba xe cứu hỏa (trong đó có hai xe của cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa, một xe của kho quân sự K822 đóng quân tại huyện Ngọc Lặc) có mặt tại hiện trường, cùng người dân chữa cháy. Sau hơn một giờ đánh vật với ngọn lửa, khoảng 4g sáng cùng ngày, ngọn lửa đã được khống chế, dập tắt.
Ghi nhận tại hiện trường, vụ cháy trên không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm phần lớn cấu kiện cột, kèo bằng gỗ to, đồ thờ cúng, các bộ sắc phong, kiệu, hòm công đức trong tòa chính điện của đền thờ bị thiêu rụi; ngói, gạch và một số hạng mục đền thờ bị hỏng nặng.
Ngay sau khi vụ cháy được khống chế, sáng 1-12, ông Trịnh Văn Chiến - chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đã có mặt tại hiện trường đền thờ Lê Lai chỉ đạo các ngành liên quan khắc phục hậu quả vụ cháy; giao công an tỉnh phối hợp Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) khám nghiệm hiện trường, vào cuộc điều tra ngay nguyên nhân gây ra vụ cháy để có kết luận, xử lý vụ việc.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTT&DL Thanh Hóa báo cáo Bộ VHTT&DL để đánh giá cụ thể thiệt hại sau vụ cháy; đồng thời có kế hoạch để phục dựng lại đền thờ này trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo nơi thờ tự Trung túc vương Lê Lai, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, ông Chiến cũng giao UBND huyện Ngọc Lặc tiến hành kiểm điểm chính quyền địa phương - nơi đang quản lý, bảo vệ di tích đền thờ Lê Lai, do để xảy ra vụ cháy nêu trên. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có trách nhiệm, liên quan.
Được biết, đền thờ Lê Lai được UBND tỉnh Thanh Hóa phục dựng, đưa vào sử dụng năm 1999 (trước kia là đền cổ, lợp tranh), với phần cấu kiện gỗ kèo, cột khá lớn, vững chắc. Phần lợp mái bằng ngói mũi rất đẹp. Đền thờ trước khi cháy khá khang trang.
Ngoài ngày giỗ Lê Lai theo ý của anh hùng dân tộc Lê Lợi là ngày 21- 8 âm lịch (tức trước ngày giỗ Lê Lợi - hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi), còn chính lễ hội thờ Lê Lai là vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm - đây là ngày hội lớn của nhân dân địa phương, thu hút hàng ngàn du khách đến dâng hương, tế lễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận