Anh Dương Quang Tùng - con trai thứ tám của ông Tư Tôn - cố gắng khôi phục vườn hồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trong một con hẻm nhỏ khang trang trên đường Hoa Hồng nối giữa sông Tiền và sông Sa Đéc, khiêm tốn nép mình lọt thỏm giữa những vườn cây công trình và kiểng lá xếp dài từ ngoài đường vào hẻm.
Nức danh "Vườn hồng Tư Tôn"
Thứ duy nhất còn sót lại mang ý nghĩa "sợi dây liên kết" giữa thời hoàng kim của vườn hồng Tư Tôn lừng lẫy một thời với hiện tại chính là cây long não cổ thụ nằm ngay góc vườn.
Đó là cây được ông Tư Tôn trồng vào năm 1954, khi ông bắt đầu chính thức bước vào nghề trồng hoa chuyên nghiệp và được một khách hàng tặng.
Nghệ nhân Tư Tôn tên thật là Dương Hữu Tài, sinh năm 1926. Theo con cháu của ông Tư Tôn kể lại, vào khoảng năm 1954 khu vực này chỉ có một số gia đình trồng hoa chủ yếu để chưng trong nhà hoặc biếu, tặng nhau một vài cây trồng chơi để thưởng lãm.
Vào khoảng thời gian này, nghệ nhân Tư Tôn có quan hệ làm ăn với một ông chủ xí nghiệp bánh phồng tôm. Trong một lần đi Pháp giao thương, người này mang về khoảng 100 cây hoa hồng cho ông Tư Tôn trồng thử.
Từ 100 cây ban đầu này, với bàn tay khéo léo của nghệ nhân Tư Tôn cùng sự giúp sức của một kỹ sư thảo mộc ở Thảo cầm viên Sài Gòn là ông Ba Đấu, vườn hồng Tư Tôn phát triển mạnh và ngày một vang danh.
Trong số 100 cây hoa hồng ban đầu, nghệ nhân Tư Tôn đã giữ gìn, phát triển được 50 giống hồng thích nghi với môi trường, khí hậu Sa Đéc.
Những cây hồng ở vườn hồng Tư Tôn cho hoa đẹp không thua kém gì các bông trong ảnh chụp catalogue của phương Tây.
Dịp Tết Nguyên đán năm 1958, các giỏ hồng của ông Tư Tôn có mặt khắp chợ hoa Sài Gòn như đường Nguyễn Trãi, chợ An Đông, bến xe Pétrus Ký... Từ đây, nhiều người đã tìm về tận vườn của ông để chiêm ngưỡng.
Có những ngày khu vườn hồng đón tiếp 2.000 - 3.000 khách tham quan và người mua hồng. Nhớ lại những tháng ngày đó, bà Tám Thu, một người dân địa phương, kể: "Vào dịp cuối tuần, con hẻm dẫn vào vườn hồng Tư Tôn đông nghẹt xe, người từ sáng đến tối.
Đoàn khách này vừa ra là ngay tức khắc có đoàn khách khác vào. Ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng những bụi hồng do chính tay nghệ nhân Tư Tôn chăm sóc và viết những cảm nghĩ của mình vào cuốn sổ tay lưu lại ý kiến của du khách".
Căn nhà mát, nơi tiếp khách của nghệ nhân Tư Tôn hiện vẫn còn nhưng đã xuống cấp. Còn cuốn sổ tay lưu lại cảm nghĩ của du khách, theo ông Dương Quang Tùng - người con thứ tám của nghệ nhân Tư Tôn, chỉ sau hơn một năm cha anh mất, cuốn sổ bị mối mọt ăn hết.
Tuy nhiên, con cháu của ông Tư Tôn vẫn còn nhớ những dòng tâm sự của vài người khách từng đến thăm vườn hồng trước đây.
Khách tới tham quan vườn hồng Tư Tôn để mua hồng chưng tết - Ảnh: M.T.
Khôi phục vườn hồng
Sau khi ông Tư Tôn mất vào năm 2005, vườn hồng Tư Tôn cũng bỏ phế, không ai chăm sóc.
Ông có tám người con, mỗi người một hướng phát triển khác nhau nhưng thời điểm vài năm sau khi ông Tư Tôn mất, không ai chọn công việc chăm sóc vườn hồng khiến cái tên "Vườn hồng Tư Tôn" dần đi vào quên lãng.
Đến giờ không ai biết rõ chính xác vì sao không ai chịu tiếp quản chăm sóc vườn hồng vì ngay cả những người trong cuộc cũng không muốn nhắc đến thời điểm đó.
Những ngày này, ông Dương Quang Tùng (55 tuổi, đứa con thứ tám của ông Tư Tôn) đang bận bịu chăm sóc vườn hồng cũng chỉ muốn nói về tương lai của vườn hồng.
Khoảng vài năm trở lại đây, ông Tùng cùng người em kế của mình là ông Dương Văn Sứ (52 tuổi) chịu trách nhiệm khôi phục vườn hồng của cha. Từ mảnh đất rộng vài công, những dàn hồng đủ loại như hồng vàng, hồng nhung, hồng tỉ muội, hồng lửa đang đua nhau khoe sắc.
Những ngày cuối năm 2018, ông Tùng có mặt thường xuyên trên vườn để vừa chăm bẵm những chậu hồng phục vụ tết vừa tư vấn khách hàng.
Những tín hiệu hồi phục của vườn hồng Tư Tôn bắt đầu xuất hiện, nhiều khách hàng từ các tỉnh và TP.HCM đã tìm đến vườn hồng của ông Tùng để đặt hàng. Một số vựa hoa ở cũng đến đây lấy hoa về bán.
Dù mọi cách bố trí, sắp xếp các chậu hồng có thay đổi so với trước đây để phù hợp tình hình sản xuất mới nhưng riêng căn nhà tiếp khách nằm dưới bóng cây long não do chính tay ba mình trồng thì ông Tùng vẫn muốn giữ lại để đón khách đến thăm vườn như ba mình trước đây.
Ngôi mộ của hai vợ chồng nghệ nhân Tư Tôn nằm ngay dưới bóng cây long não này, kế bên ngôi nhà tiếp khách ngày xưa trông thẳng ra vườn hồng.
Theo người dân địa phương, thuở sinh tiền hầu như ai vào vườn hồng nếu không thấy ông Tư Tôn đang cặm cụi ngoài vườn thì cũng ngồi gác chân trong nhà tiếp khách trầm tư nhìn ngắm vườn hồng.
Bởi thế, trong cuốn sách Ngày đàng sàng khôn, tác giả Nguyễn Văn Mỹ đã viết: "Làng hoa Sa Đéc có ông Tư Tôn (Dương Hữu Tài, 1926 - 2005) mê hoa như mê đạo".
"Tôi tính phục hồi tấm bảng "Vườn hồng Tư Tôn" để du khách biết và đánh dấu sự trở lại của một thương hiệu. Nhưng tôi thấy việc trước tiên là phục hồi chất lượng vườn hồng rồi mọi chuyện tính sau" - ông Tùng nói, tay mân mê những đóa hồng bung cánh sặc sỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt cả khu vườn.
Ông Võ Thanh Tùng - chủ tịch UBND TP Sa Đéc - cho biết rất hoan nghênh nếu thương hiệu vườn hồng Tư Tôn được phục hồi. "Bác Tư Tôn ngày xưa đi đâu cũng đi chân đất, bước vào ủy ban cũng chân đất.
Nếu gia đình có ý định xây dựng lại thương hiệu vườn hồng Tư Tôn, địa phương sẽ đẩy mạnh việc quảng bá đến với du khách thập phương" - ông Tùng nhấn mạnh.
Mộ của ông Tư Tôn dưới bóng cây long não - Ảnh: M.T.
"Pho tượng văn minh miệt vườn"
Ông Dương Hữu Tài - nghệ nhân Tư Tôn được nhà văn Sơn Nam gọi là "pho tượng văn minh miệt vườn" bằng xương bằng thịt. Ông từ trần đột ngột ngày 15-7-2005, thọ 79 tuổi.
"Vườn hồng Tư Tôn" là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Nơi đây được xem như một vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cho làng hoa Sa Đéc, là nơi mà từ nhà lãnh đạo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà tu hành, nhà giáo dục, thầy thuốc... cho đến học sinh, sinh viên và nhiều giới khác đến để có những phút thư giãn, được người chủ nhân - nghệ nhân hiếu khách chuyện trò...
Kỳ tới: Tình yêu màu tím
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận