Mời bạn đọc xem tiếp một số ý kiến phản hồi mới nhất cho diễn đàn này.
Phóng to |
* Tôi là một người thẳng thắn và luôn nói sự thật. Nhưng bạn bè lại xem tôi là một kẻ đáng ghét, không biết điều. Đối với họ, thầy cô nào nghiêm túc và thẳng thắn đều bị gán cho một chữ "ác". Họ chỉ thích thầy cô lờ đi những lỗi của họ.
Hôm nay tôi đọc bài về diễn đàn này, tôi thật sự thấy mình giống như những phản hồi của các độc giả khác. Tôi thấy mình cô độc và lạc lõng giữa một tập thể có nhiều người nói dối - những kẻ chỉ biết lờ đi tất cả sai lầm và tươi tỉnh như chưa có gì, sau đó trở thành những con người ù lì vô trách nhiệm. Tôi bỗng nghĩ đến việc sau này mình bước vào môi trường công sở và rùng mình... Tôi sẽ trở nên đơn độc hơn nữa trong vỏ ốc của mình?
* Tính tôi luôn thẳng thắn, thật thà trong mọi việc nên nhiều lúc tôi bị bạn bè gọi là thằng khờ, thằng ngốc. Dù vậy, tôi vẫn không thích và cũng không quen với việc nói dối, bởi mỗi lần nói dối tôi lại cảm thấy rất áy náy và hối hận. Tôi sợ nói dối nếu người khác biết được sẽ rất xấu hổ và vô tình làm mất chữ tín nơi họ.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có nề nếp, từ nhỏ tôi đã được dạy rằng nói dối là một tật rất xấu, và nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng. Vì thế tôi rất sợ nói dối và luôn tự nhủ mình phải thật thà, luôn giữ chữ tín với người khác.
Với bản tính thật thà, tôi cũng đã nhiều lần bị người khác lừa. Nhưng tôi luôn sống đúng với bản thân, luôn giữ chữ tín cho mình. Theo tôi, sống thật thà, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu sẽ dễ tạo thiện cảm với người khác và tạo cho họ một niềm tin với mình. Tôi hi vọng mọi người sẽ sống thật với nhau hơn, đừng vì một lời nói dối mà làm mất lòng nhau.
* Trên diễn đàn này có nhiều ý kiến rất hùng hồn, nhưng thật sự tôi thấy chúng ta cũng đang tự nói dối với chính mình. Thử hỏi chính những người đang bàn luận hăng hái “nói không với giả dối” có “dám nói thật" tại cơ quan, trong công ty, ngoài xã hội không khi biết hoặc thấy hành vi gian dối từ đồng nghiệp, người quen và sếp?
Tôi thấy nhiều người chỉ còn cách “sống chung với nói dối" khi mà nguồn gốc, môi trường, hoàn cảnh cho việc nói dối lan tràn như hiện nay, và khi mọi người còn xem những “thành tích ảo” là thước đo cho năng lực của cá nhân hay tập thể.
* Hai năm một lần, sở GD-ĐT của tỉnh tôi đều tổ chức một kỳ thi gọi là thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Nếu muốn thi cấp tỉnh thì phải có danh hiệu cấp trường. Cả hai đều yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm. Thử hỏi sáng kiến kinh nghiệm đâu ra mà nhiều như vậy? Giả sử tôi là giáo viên trẻ (mới đi dạy 2 năm) thì kinh nghiệm đâu ra mà viết sáng kiến? Vì vậy để đối phó, giáo viên thường “xào nấu” sáng kiến kinh nghiệm qua lại.
Nếu thật sự giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm thì với bình quân 10.000 giáo viên các cấp ở mỗi tỉnh, mỗi năm phải có 10.000 sáng kiến kinh nghiệm, thử hỏi các vị trên sở GD-ĐT có đủ thời gian để đọc và chấm giải hay không? Theo thiển ý của tôi, chỉ nên khuyến khích tinh thần thi đua sáng tạo bằng cách thi cử có chọn lọc chứ không phải đại trà như hiện nay, đánh đồng "cá mè một lứa" chạy theo thành tích, số lượng để có số liệu báo cáo cuối năm.
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác nữa. Gần đây thôi, địa phương tôi (huyện) có tổ chức một đợt học tập về an ninh - quốc phòng cho các đối tượng IV và V (giáo viên và cán bộ các phòng ban của huyện). Đây có thể xem là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nên cần phải tham dự và ai cũng hào hứng tham gia. Nhưng rồi… 200 con người ngồi trong một hội trường. Ở trên thầy nói cứ nói, ở dưới trò cười cứ cười (vì thầy nói mà không lôi cuốn được học viên nên không ai chú ý lắng nghe cả, mạnh ai nấy làm việc riêng).
Sau 2 ngày học, có một bài thu hoạch cho về viết, 3 ngày sau nộp lại. Vì không có thời gian rảnh rỗi nên hầu như chỉ có vài bài (được lấy từ trên mạng Internet về chép tay ra) làm chuẩn, còn lại tất cả mọi người nhìn theo đó mà viết ra thành bài của mình, rồi đem nộp, và đến bây giờ ai cũng có chứng chỉ. Thử hỏi học như vậy thì chất lượng ở đâu ra, chỉ tiêu tốn tiền Nhà nước. Nên nói dối chung quy cũng do bệnh thành tích.
* Từ bé đã nghe người lớn lải nhải câu này "thật thà thường thua thiệt", làm sao trẻ không dối trá, bịp bợm được chứ? Câu này cho thấy văn hóa của VN đã bị sự dối trá thâm nhập sâu lắm rồi!
* Xin trích dẫn một câu nói của người xưa, đại ý: "Làm kinh tế mà sai làm nghèo đất nước, còn làm giáo dục sai giết cả thế hệ". Xin mạn phép bàn luận ngắn gọn câu nói này như sau: làm sai có hai khía cạnh: làm sai do không biết mình làm sai và làm sai do cố tình làm sai. Nhưng dù nguyên nhân nào cũng phải chịu trách nhiệm trước công đồng, xã hội. Riêng làm sai do cố tình, bưng bít, dối trá thì tội danh này ngàn đời vẫn bị nguyền rủa.
* Theo tôi, muốn xây dựng một xã hội vững chắc phải triệt tiêu thói giả dối. Cái gì chưa tốt thì phải thừa nhận, không né tránh. Nói dối là tự lừa mình và lừa người khác, lâu ngày sẽ làm cho xã hội như một cái bong bóng.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn này dưới dạng các bài phản ảnh, bình luận, phân tích... Bài vở gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email [email protected] hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận