21/11/2014 16:29 GMT+7

Tháng hạn của ngành hàng không Đông Nam Á

CHÂU LUÂN (Theo WSJ, Nikkei Asian Review)
CHÂU LUÂN (Theo WSJ, Nikkei Asian Review)

TTO - Tháng 11-2014 có thể xem là vận "hạn" của bầu trời Đông Nam Á, khi liên tiếp các hãng hàng không lớn trong khu vực đều gặp chuyện không vui.

Máy bay  Malaysia Airlines chuẩn bị cất cánh tại TP.HCM - Ảnh: H.Nhựt

Ngày 6-11, cổ đông của Malaysia Airlines đã bỏ phiếu đồng ý hủy niêm yết hãng hàng không hàng đầu quốc gia vào cuối năm 2014.

Từ nỗi buồn mang tên Malaysia Airlines

Malaysia Airlines đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt dành cho các cổ đông nhỏ - hiện nắm giữ 30% công ty - để phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu do cổ đông chính, quỹ quốc gia Khazanah Nasional, đề nghị hồi tháng 8-2014.

Ngoài sự cố mất 2 chiếc Boeing 777 trong năm nay, Malaysia Airlines phải gánh chịu tổn thất lớn trong 3 năm qua vì làm ăn thua lỗ. Theo đó, kế hoạch cải tổ sẽ bao gồm cả việc cắt giảm 30% nhân sự, đàm phán lại hợp đồng và thay "máu" bộ máy quản lý.

Họ chấp nhận giải pháp đặc biệt: giảm vốn chọn lọc và bán lại cổ phần cho Khazanah Nasional với giá 0,27 ringgit/cp. Sự đồng thuận trên đã mở đường cho quá trình quốc hữu hóa hãng hàng không vốn quá tai tiếng trong năm nay, điều này cũng đồng nghĩa với việc Malaysia Airlines sẽ rút hẳn khỏi thị trường chứng khoán.

Đại diện Khazanah gọi đây là "cột mốc quan trọng" trong việc giải cứu hãng hàng không đang "thoi thóp" của Malaysia.

Vấn đề của Malaysia Airlines đang lây lan ra các ngành công nghiệp liên quan. Lợi nhuận ròng của hãng trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9-2014 rớt mạnh 98% so với với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 1,6 triệu ringgit (478.000 USD).

Hãng này phân trần là do thất thoát doanh thu xây dựng và chi phí hoạt động cao hơn. Hai thảm họa của Malaysia Airlines có thể đã góp phần làm giảm 2% lượt hành khách của cả nước so với một năm trước.

Và Thái Lan

Hôm 3-11, hãng hàng không lớn thứ tư Thái Lan - Bangkok Airways đã thất bại trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lớn nhất năm 2014 tại nước này.

Trước đó, Bangkok Airways dự đoán có thể huy động được 13 tỉ baht (396 triệu USD) khi bán 520 triệu cổ phiếu mới với giá 25 baht/cp trước khi niêm yết.

Ngay trong ngày mở cửa 3-11, giá cổ phiếu của Bangkok Airways đã thấp hơn giá IPO đến 7,2%-.- Ảnh: Nikkei Asian Review

Hãng cần tiền mặt để mua máy bay mới, phụ tùng thay thế, xây dựng nhà chứa máy bay và đầu tư nhiều khoản khác để chuẩn bị cho cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm 2015. Nhưng thị trường khá thờ ơ khi giá ngay hôm mở cửa 3-11 thấp hơn 7,2% so với giá IPO.

Tệ hơn, trong tuần đầu tiên kết thúc ngày 7-11, cổ phiếu của Bangkok Airways rớt 19% còn 20,2 baht - Trong khi chỉ số chuẩn Stock Exchange of Thailand chỉ giảm 0,4% cùng kỳ.

Nikkei Asian Review cho rằng giá IPO - được thiết lập dựa vào một tỉ lệ giá/thu nhập là 166,67 lần trên cơ sơ cổ phần pha loãng hoàn toàn - có lẽ quá cao. Hơn hết, nỗi sợ hãi dịch Ebola góp phần làm giảm lượt khách du lịch đến Thái Lan.

Dù không nhận được phản ứng như kỳ vọng, nhưng Bangkok Airways vẫn có giá trị vốn hóa thị trường 42 tỉ baht tính đến ngày 7-11, và vươn lên dẫn đầu ngành công nghiệp hàng không Thái Lan.

Giá trị vốn hóa thị trường của Thai Airways - phần lớn thuộc về Bộ Tài chính - là 31 tỉ baht, và Asia Aviation - chủ quản hãng hàng không giá rẻ Thai AirAsia - là 21 tỉ baht.

Giá nhiên liệu giảm hiện là một động lực mạnh mẽ cho các hãng bay, nhưng tình trạng dư thừa công suất đồng thời đè nặng lên ngành hàng không.

Thực tế, cả 4 hãng hàng không hàng đầu Thái Lan - tính cả Nok Airlines, một công ty con của Thai Airways - cũng nối gót Malaysia Airlines kinh doanh thua lỗ trong quý gần đây.

Ngày 14-11, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO). Tuy bán hết sạch 49 triệu cổ phiếu (khoảng 3,48% cổ phần), huy động gần 1.100 tỉ VND (52 triệu USD)… nhưng VNA vẫn thất vọng vì không thu hút được dòng vốn ngoại.

Theo WSJ, giới đầu tư nước ngoài hờ hững với chiến dịch cổ phần hóa của Việt Nam, một phần vì nghi ngại tính minh bạch trong nhiều doanh nghiệp quốc doanh, phần vì thời gian từ khi mua cổ phiếu đến lúc chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán quá lâu. 

Theo trang www.ch-aviation.com VNA sẽ cân nhắc bán 20% cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược vào tháng 2-2015.

Tuy nhiên trả lời AFP ngày 12-11, nhà phân tích Brendan Sobie tại Trung tâm Hàng không CAPA nhận định: “Ở châu Á, có rất ít thương vụ thực sự thành công khi một hãng hàng không này muốn bán cổ phần cho một hãng hàng không khác".

CHÂU LUÂN (Theo WSJ, Nikkei Asian Review)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp